Máy bay Nga dùng EW khiến chiến hạm Mỹ - NATO "mù mắt"?

Mỹ - NATO đang rất lo lắng khi chiến hạm của mình xâm nhập biển Đen liên tiếp bị máy bay Nga áp sát. Chuyên gia Nga giải mã vấn đề này ra sao?

Các phương tiện truyền thông Nga vừa cho biết, các chuyến bay tuần tra của Nga trên vùng biển trung lập gần biên giới của Liên bang đã gây ra phản ứng tiêu cực cho Bộ quốc phòng Canada, có tàu hộ vệ FFH-333 HMCS Toronto đang tham gia cuộc tập trận chung của NATO và Ukraine ở tây bắc Biển Đen.

Sáng 9/9, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Canada Rob Nicholson tuyên bố, có tới 3 máy bay quân sự của Nga, gồm 2 chiến đấu cơ Su-24 Fencer và 1 máy bay do thám đã bay ra theo dõi cuộc tập trận này. Đồng thời, có lúc đã áp sát tàu hộ vệ HMCS Toronto của Hải quân Canada ở ngoài khơi bờ biển phía Nam của Ukraine.

Bộ trưởng Bộ quốc phòng Canada Rob Nicholson phẫn nộ cho rằng đây là khiêu khích vô cớ và có nguy cơ làm leo thang căng thẳng" trong khu vực. Mặc dù thừa nhận rằng máy bay Nga không có hành động nào đe dọa tàu Canada, nhưng ông Nicholson kêu gọi Nga chấm dứt những hành động "vô trách nhiệm" như thế.

Bài viết trên “Russian Radio” chế nhạo, chiến hạm các nước thành viên Bắc Mỹ (như Mỹ, Canada…) của NATO cảm thấy không thoải mái ở Biển Đen. Hiện diện trong vùng biển nước ngoài với mục đích khiêu khích, nhưng họ lại “bày tỏ sự lo ngại” trước những chuyến bay tuần tra của Nga - nước có chủ quyền ở khu vực biển này.

Sau khi bị chiếc Su-24 Fencer của Nga “dọa nạt”, 27 thủy thủ Mỹ đã nộp đơn xin nghỉ việc

Sau khi bị chiếc Su-24 Fencer của Nga “dọa nạt”, 27 thủy thủ Mỹ đã nộp đơn xin nghỉ việc

Có điều thú vị là, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Canada cho rằng máy bay chiến đấu Nga tuần tra biên giới của mình là hành động vô trách nhiệm, vậy thì Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương điều động 12 tàu chiến đến gần biên giới Nga có phải là “hành động quân sự thân thiện” hay không?

Hay là các nước NATO ngây thơ đến mức hy vọng rằng Nga sẽ nhẫn nhịn bí mật theo dõi tình hình tập trận của liên minh quân sự này trên Biển Đen bằng ống nhòm từ trên bờ biển? Và máy bay do thám Nga bay phía trên tàu Canada có thể gây ra leo thang căng thẳng ở đâu? Phải chăng là căng thẳng trong chính con tàu Canada?

Một tiền lệ như vậy đã từng xảy ra. Trong tháng 4 năm nay, tàu khu trục Mỹ DDG-75 USS Donald Cook cũng đã hiện diện trên Biển Đen. Tàu chiến các nước NATO ở cách khu vực này hàng ngàn dặm thường xuyên vào khu vực biển có lãnh hải của Nga để làm gì? Họ có dụng ý như thế nào khi chiếc này hết thời gian lưu trú thì chiếc khác lại tới?

Ngày 12/4, một chiếc máy bay cường kích Su-24 của Nga bay tới khu vực này trong khi nó đang tuần tra bảo vệ chủ quyền trên biển nước mình. Ngày hôm sau, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Steve Warren đã trút giận vào Bộ quốc phòng Nga và nói về những hành động khiêu khích của các lực lượng vũ trang Liên bang Nga đối với hải quân Hoa Kỳ.

Khu trục hạm DDG-71 USS Ross của hải quân Mỹ

Khu trục hạm DDG-71 USS Ross của hải quân Mỹ

Bộ quốc phòng Mỹ cho rằng, chiếc máy bay chiến đấu Su-24 Fencer của Nga (không mang theo vũ khí) đã khiêu khích chiến hạm Mỹ, trong vòng một tiếng rưỡi nó đã 12 lần bay qua sát chiếc tàu khu trục USS Donald Cook với động thái “hết sức khiêu khích”, trong khi tàu đang di chuyển trên hải phận quốc tế trên biển Đen.

Chiếc Su-24 đã không trả lời khi tàu USS Donald Cook nhiều lần phát tín hiệu cảnh báo và liên lạc với máy bay. Trong 90 phút căng thẳng, chiếc Su-24 Fencer đã 12 lần bay qua tàu khu trục Mỹ với khoảng cách khoảng 900m, ở độ cao 150m, nhiều lần thực hiện các động tác bổ nhào, mô phỏng một cuộc tấn công trên đầu chiến hạm Mỹ.

Ngày 14/4, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Stephen Warren cho rằng hành động này của Moscow đã làm gia tăng căng thẳng kiểu “Chiến tranh lạnh” vốn đã diễn ra trong nhiều tuần, sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea và trong bối cảnh miền Đông Ukraine đang đứng trước bờ vực nội chiến.

Tại sao Mỹ lại phản ứng gay gắt như thế? Bởi vì sau sự kiện này, các thành viên thủy thủ đoàn đã phải gặp nhà tâm lý học sau khi bị “sang chấn” tâm lý vì những hành động nguy hiểm của chiếc Su-24. 27 thuyền viên của tàu đã nộp đơn từ chức và xin thôi việc. Bình luận về hành động này, họ nói rằng không có ý định mạo hiểm với tính mạng của mình.

Khu trục hạm DDG-75 USS

Khu trục hạm DDG-75 USS "Donald Cook" của hải quân Mỹ

Giám đốc Trung tâm các vấn đề chính sách xã hội Nga Vladimir Yevseyev nhận định: “Khi đó, người Mỹ sợ rằng không quân Nga áp dụng các phương tiện chiến tranh điện tử. Bởi vì thực tế là máy bay Nga đã bất ngờ xuất hiện ngay phía trên tàu khu trục Mỹ mà chiếc chiến hạm Aegis này hoàn toàn không phát hiện ra và có thể tiêu diệt nó bất cứ lúc nào”.

Chuyên gia Nga lý giải, máy bay Nga được trang bị các hệ thống chiến tranh điện tử (Electronic Warfare - EW) tân tiến nhất, đã làm nhiễu các thiết bị điện tử của "Donald Cook". Thủy thủ chỉ có thể nhìn thấy máy bay trên bầu trời bằng mắt thường, còn trên màn hình radar thì không có một chút tín hiệu cảnh báo gì.

Hệ thống phòng thủ không gian và phòng thủ tên lửa siêu đẳng "Aegis" trên tàu khu trục Mỹ, được quảng cáo rùm beng là “lá chắn thần” đã bất lực. Xét theo logic, tàu hộ vệ FFH-333 HMCS Toronto của Canada cũng gặp chuyện tương tự, bởi nó có tính năng yếu kém hơn khu trục hạm Aegis của Mỹ nhiều lần.

Được biết, DDG-75 USS Donald Cook là khu trục hạm tên lửa lớp Arleigh Burke, được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất "Tomahawk" và hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, có khả năng phòng không và phòng thủ tên lửa thuộc loại mạnh nhất trên thế giới.

Tàu hộ vệ Tây Ban Nha F-102

Tàu hộ vệ Tây Ban Nha F-102 "Almirante Juan de Borbon" hộ tống tàu sân bay USS George H.W. Bush (CVN 77) Mỹ trong một cuộc tập trận

Hiệu quả của việc bị Su-24 giễu cợt và khả năng tàu Mỹ có thể bị máy bay cường kích Nga hạ thủ dễ dàng trên Biển Đen đã khiến một số sĩ quan và thủy thủ Mỹ rơi vào tình trạng “sốc tâm lý”. Bởi vì họ từng tin tưởng về sự toàn năng của chiến hạm nước mình, mà hóa ra Nga lại có khả năng quá mạnh trong lĩnh vực chiến tranh điện tử.

Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Nga Alexander Khramchikhin phân tích: “Rất có khả năng chiếc Su-24 Fencer đã vô hiệu hóa hệ thống radar mảng pha điện tử 3D siêu hạng AN/SPY-1D(V) của hệ thống Aegis trên chiến hạm Mỹ, với sự hỗ trợ của hệ thống chiến tranh điện tử tiên tiến (EW). Đó chính là điều làm cho Mỹ đau đầu nhất và nổi đóa lên.

Ông Khramchikhin nhận định: “Gây nhiễu một tàu hộ vệ cổ lỗ sĩ như chiếc Toronto của Canada nói chung là chuyện quá đơn giản. Tàu này không thể sánh với tàu khu trục Mỹ, nó yếu hơn nhiều, vô hiệu hóa không có gì khó. Và tôi không loại trừ rằng máy bay cường kích Nga đã áp dụng chiến thuật chiến tranh điện tử đó”.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng máy bay đã được vận hành theo đúng quy định quốc tế về việc sử dụng không phận trên vùng biển trung lập ở vùng lân cận biên giới quốc gia của Liên bang Nga. Bộ quốc phòng Nga cũng từ chối bình luận về việc máy bay của họ có sử dụng hệ thống chiến tranh điện tử tân tiến EW hay không.

Máy bay cường kích Su-24 Fencer của Nga

Máy bay cường kích Su-24 Fencer của Nga

Theo công ước hàng hải quốc tế, chiến hạm nước ngoài (không có căn cứ quân sự ở đây) không thể ở Biển Đen quá 14 ngày. Quá thời gian này các nước có quyền hợp pháp tại khu vực biển này có quyền thực hiện một cuộc tấn công tên lửa và tiêu diệt con tàu “lạ” mà không bị coi là hành động tuyên chiến với quốc gia đó.

Sự kiện các máy bay Nga áp sát tàu hộ vệ Canada diễn ra khi các chiến hạm Mỹ-NATO-Ukraine đang tiến hành cuộc tập trận hải quân chung "Sea Breeze 2014", khai mạc vào hôm 8/9 ở khu vực tây bắc biển Đen.

Theo báo cáo của cơ quan quân sự Ukraine, trong cuộc tập trận quốc tế "Sea Breeze 2014", lực lượng hải quân nước này huy động 5 tàu chiến và tàu bổ trợ, cùng với 2 tàu từ cơ quan biên phòng Ukraine.

Ngoài ra, Kiev còn điều động tham gia tập trận cả các máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng thuộc hải quân Ukraine. Theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng Ukraine, hàng loạt quốc gia đã gửi quan sát viên đến theo dõi tập trận như Gruzia, Na Uy, Thụy Điển và Pháp.

Trong vùng Biển Đen cũng hiện diện 2 tàu chiến của NATO là tàu hộ vệ của hải quân Canada số hiệu 333 HMCS "Toronto" và tàu hộ vệ Tây Ban Nha F-102 "Almirante Juan de Borbon". Đến biển Đen từ ngày 3/9 còn có 2 tàu nữa của khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương là tàu khu trục của Hải quân Hoa Kỳ DDG-71 USS Ross và tàu hộ tống Pháp “Comandante Biro".

Tàu hộ vệ của hải quân Canada số hiệu FFH-333 HMCS "Toronto"

Theo số liệu của Hoa Kỳ, trong cuộc tập trận này có phần tham gia của khoảng 1.300 binh sĩ từ 15 quốc gia, trong đó có Ukraine, Azerbaidjan, Bulgaria, Canada, Gruzia, Đức, Anh, Latvia, Litva, Moldova, Na Uy, Ba Lan, Romania, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ.

Mục tiêu của cuộc tập trận là hoạch định phương án hành động phối hợp đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực “có khủng hoảng”. Cuộc tập trận năm nay không dự trù phương án các tàu chiến nước ngoài rẽ vào hải cảng Ukraine mà các tàu sẽ di chuyển và neo đậu trên biển Đen để tập trận.

Washington nhấn mạnh rằng kế hoạch tiến hành tập trận đã được công bố từ trước, cuộc tập trận này không hề có liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine hiện nay, đồng thời nó cũng không phải là biện pháp đáp trả các cuộc diễn tập của Nga ở khu vực biên giới với Ukraine.

Tuy nhiên, Moscow cho rằng đây là những động thái gây nguy hại đến an ninh quốc gia Nga và làm gia tăng căng thẳng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine vừa xuất hiện những dấu hiệu bình ổn. Đồng thời Nga cũng đe dọa sẽ có những động thái đáp trả tương ứng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại