Lý do "lái buôn vũ khí" TQ dù tinh ranh vẫn không qua nổi Nga, Mỹ

Vy Lam |

Báo cáo của RAND đưa ra 5 trở ngại chính mà Trung Quốc cần vượt qua nếu muốn bắt kịp Nga, Mỹ để trở thành nhà sản xuất và cung cấp vũ khí công nghệ cao hàng đầu thế giới.

Tờ China Military Online cho biết, vào tuần trước, Trung Quốc đã thành lập một ủy ban mới giúp cải cách và mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng đang trên đà phát triển của nước này.

Theo thông tin từ Cục quản lý khoa học - công nghệ - công nghiệp quốc phòng Trung Quốc (SASTIND), ủy ban mới mang tên Ủy ban chiến lược về phát triển khoa học - công nghệ - công nghiệp quốc phòng.

Đây sẽ là cơ quan chính phủ phụ trách các chính sách công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc.

Ủy ban này đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào ngày 3/6 vừa qua, với sự tham dự của các quan chức cấp cao trong ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc và các cơ quan chính phủ phụ trách phát triển công nghiệp.

Xu Dazhe, chủ tịch ủy ban, đồng thời là người đứng đầu SASTIND cho biết:

"Ủy ban được thành lập nhằm tập hợp ý kiến góp ý, tư vấn từ lãnh đạo, chuyên gia trong các cơ quan và đơn vị dân sự-quân sự liên quan, cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ bên ngoài cho chiến lược phát triển, đổi mới công nghệ của ngành công nghiệp quốc phòng TQ".

Ông Xu nhấn mạnh rằng, mặc dù có những tiến bộ trong nghiên cứu và phát triển nhưng Bắc Kinh cần nỗ lực hơn nếu muốn bắt kịp với các nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về khí tài quân sự công nghệ cao.

Đáng chú ý nhất là mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực MBT3000 do tập đoàn NORINCO chế tạo chuyên cho thị trường xuất khẩu.

Mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực MBT-3000 do tập đoàn NORINCO chế tạo chuyên cho thị trường xuất khẩu

Về mặt công nghệ, hiện nay Trung Quốc vẫn đi sau 1-2 thế hệ so với các đối thủ chính của nước này (như Nga, Mỹ, Đức) trong lĩnh vực sản xuất các hệ thống vũ khí tinh vi trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Một nghiên cứu mới đây của tổ chức cố vấn RAND chỉ ra rằng Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng.

Điều này chủ yếu là do "nghiên cứu và phát triển được tăng cường đầu tư mạnh, lãnh đạo cấp cao sát sao hơn và được tiếp thu nhiều công nghệ tiên tiến của nước ngoài, đặc biệt là từ Nga...".

Tuy nhiên, bản báo cáo lại đưa ra kết luận không mấy tươi sáng về ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, khi gọi đây là một "hệ thống rời rạc, có nhiều lỗ hổng và thiếu sót".

Bản báo cáo đồng thời chỉ ra 5 trở ngại chính mà Trung Quốc cần giải quyết nếu muốn trở thành nhà sản xuất vũ khí công nghệ cao hàng đầu.

Thứ nhất, tình trạng thiếu sự cạnh tranh bên ngoài do cấu trúc độc quyền của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã làm suy mòn động lực đổi mới.

Thứ hai là thiếu tinh thần sáng tạo, đổi mới. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn do bộ máy quan liêu rời rạc của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.

Thứ ba, thiếu hệ thống quản lý hiện đại khiến quân đội Trung Quốc (PLA) "tiếp tục phải phụ thuộc vào công cụ lỗi thời để quản lý các dự án với các nhà thầu quốc phòng".

"Điểm yếu nghiêm trọng thứ tư là không có khung giá cả minh bạch cho các hệ thống vũ khí và thiết bị quân sự khác, điều này cho thấy PLA và ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc thiếu tin tưởng lẫn nhau" - Báo cáo của RAND nhấn mạnh.

Cuối cùng, mặc dù Trung Quốc không đưa ra các báo cáo công khai về thực trạng tham những nhưng đây cũng là một trong những tác nhân góp phần làm suy yếu ngành công nghiệp quốc phòng nước này.

Theo tạp chí Diplomat (Nhật Bản), có vẻ Trung Quốc sẽ còn phải đi một đoạn đường dài nữa để trở thành quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất vũ khí công nghệ cao, mặc dù các công ty quốc phòng nước này đã có những mánh khóe tiếp thị vô cùng tinh ranh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại