Giải mã sức mạnh tàu ngầm Hàn Quốc

Trong bối cảnh cần tăng cường sức mạnh hải quân bảo vệ chủ quyền và lợi ích của quốc gia, gần đây, các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã không ngừng chi "mạnh tay" cho các hợp đồng mua sắm tàu ngầm.

Trong đó, Hàn Quốc, nước mà từ trước năm 1992 chưa từng "sở hữu" một chiếc tàu ngầm nào, nay lại trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á xuất khẩu loại vũ khí chiến lược trên biển vô cùng lợi hại này.

Những “đứa con” của hạm đội tàu ngầm Hàn Quốc

Không thể phủ nhận một thực tế rằng, ngay từ khi mới ra đời, tàu ngầm chiến đấu đã trở thành cơn ác mộng của mọi hạm đội hùng mạnh nhất trên thế giới.

Cũng như ô tô đang thay thế dần những chiếc xe ngựa trên khắp mọi nẻo đường, tàu ngầm sẽ là phương tiện sớm thay thế các thiết giáp hạm trên chiến trường ngoài biển”, Percy Scott, một đô đốc người Anh từng dự báo như vậy từ trước khi Thế chiến thứ nhất nổ ra. Dự báo này sau đó được đăng trên Báo The Times.

Và giờ đây, việc sở hữu một hạm đội bí mật dưới lòng biển sâu không còn là sân chơi dành riêng cho một số ít cường quốc quân sự.

Tàu ngầm lớp Chang Bogo là một phiên bản Hàn Quốc của tàu ngầm Đức lớp Type-209. Ảnh: naval-technology.com

Nhận biết được sự cần thiết phải trang bị tàu ngầm cho hải quân, cuối những năm 80 của thế kỷ trước, sau thời gian đàm phán và đánh giá, Hàn Quốc đã chọn Đức là quốc gia cung cấp tàu ngầm đầu tiên cho họ.

Năm 1992, Hải quân Hàn Quốc nhận được tàu ngầm đầu tiên lớp Type-209 được đóng tại Nhà máy đóng tàu Daewoo theo giấy phép từ Howaldtswerke-Deutsche của Đức. Theo trang globalsecurity.org, tàu ngầm Type-209 được gọi là Chang Bogo-1, có tải trọng ngập nước 1.200 tấn.

Khả năng chiến đấu của tàu ngầm này không cao do chỉ được trang bị 8 ống phóng ngư lôi và khả năng hoạt động dưới nước liên tục không quá 3 ngày. Đến năm 2001, Hải quân Hàn Quốc đã được trang bị 9 tàu ngầm lớp Chang Bogo-1.

Sau Chang Bogo-1, Seoul đã nhanh chóng cho ra đời loại tàu ngầm điện-diesel hiện đại hơn mang tên Chang Bogo-2. Đây là biến thể của tàu ngầm lớp Type-214 của Đức, sản xuất theo giấy phép tại Nhà máy đóng tàu Daewoo của Hàn Quốc. Tàu ngầm lớp Chang Bogo-2 có tải trọng 1.800 tấn. Vũ khí trang bị vẫn tương tự như Chang Bogo-1 với 8 ống phóng ngư lôi.

Tuy nhiên, điều khác biệt là Chang Bogo-2 được trang bị động cơ đẩy không khí độc lập (The Air Independent Propulsion- AIP). Với động cơ này, tàu ngầm lớp Chang Bogo-2 có thể hoạt động liên tục 50 ngày trên biển. Ngoài ra, tàu ngầm mới được cập nhật các công nghệ sonar (định vị vật dưới nước bằng âm hoặc siêu âm) tiên tiến nhất, biến nó trở thành tàu ngầm điện-diesel hàng đầu thế giới hiện nay.

Chiếc đầu tiên của lớp Chang Bogo-2 được chuyển giao cho Hải quân Hàn Quốc vào năm 2006. Đến nay đã có tổng cộng 3 chiếc được đưa vào hoạt động. Tương lai, nước này dự kiến trang bị khoảng 9 chiếc cho lực lượng hải quân.

Tham vọng SS-X

Theo kế hoạch đã được phê duyệt đến năm 2030, Hàn Quốc sẽ xây dựng một hạm đội tàu ngầm hùng mạnh. Trong đó, SS-X hay còn gọi là dự án tàu ngầm của tương lai, được kỳ vọng sẽ giúp Seoul “điểm danh” ở sân chơi dành riêng cho một số ít cường quốc quân sự.

Chương trình SS-X sẽ tạo ra một tàu ngầm mới có lượng giãn nước khoảng 3000-4000 tấn. Các tàu ngầm Chang Bogo-3 thuộc dự án SS-X sẽ được trang bị động cơ đẩy không khí độc lập AIP với khả năng hoạt động liên tục không dưới 50 ngày trên biển.

Đặc biệt, tàu ngầm thế hệ mới sẽ có khả năng phóng tên lửa hành trình Hyunmoo-3 tầm bắn 500km, cơ số trang bị tên lửa lên đến 20 quả. Theo kế hoạch đến năm 2020, Hải quân Hàn Quốc sẽ nhận được 6 chiếc tàu ngầm SS-X nâng tổng số tàu ngầm của Hàn Quốc lên con số 18 chiếc.

Theo naval-technology.com, tàu ngầm SS-X sẽ có khả năng phóng tên lửa trong trạng thái ngập nước, một công nghệ rất quan trọng đối với chế tạo tàu ngầm. Sự xuất hiện của chương trình tàu ngầm SS-X sẽ tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới cho Hải quân Hàn Quốc, không chỉ đe dọa Triều Tiên mà còn là một thách thức đối với Trung Quốc, Nhật Bản, thậm chí cả Nga.

Chương trình này cũng cho thấy tham vọng to lớn của Seoul trong việc tạo ra một thế lực hải quân hùng mạnh ở châu Á. Dự kiến, đến năm 2015, Hải quân Hàn Quốc sẽ thành lập Bộ chỉ huy hạm đội tàu ngầm riêng, trụ sở của hạm đội tàu ngầm Hàn Quốc sẽ được đặt trên đảo Jeju.

Cuộc đua tàu ngầm ở châu Á-Thái Bình Dương

Ngày nay, với động cơ năng lượng nguyên tử, tàu ngầm có thể kéo dài thời gian hoạt động trong lòng biển nhiều năm liền mà không cần phải nổi lên để tiếp thêm năng lượng. Vì thế, các tàu ngầm hạt nhân giờ đây có thể di chuyển rộng khắp các vùng biển trên thế giới để tham gia tác chiến gần như mọi chiến trường.

Thêm vào đó, nhiều loại tàu ngầm hiện đại còn được trang bị những phiên bản tên lửa tối tân nhất dùng để tấn công tàu chiến, đối không lẫn tấn công vào đất liền, hay được thiết kế để chuyên chở đạn dược, vũ khí đến những cảng bị bao vây bởi quân thù hoặc sử dụng để cứu hộ những phi công bị rơi máy bay. Với nhiều ưu thế vượt trội như vậy, tàu ngầm được xem là khí tài phát huy hiệu quả cả về tấn công lẫn răn đe, phòng thủ trên biển.

Cùng với việc Mỹ chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những tranh chấp khu vực đã và đang xảy ra khiến tàu ngầm nhanh chóng trở thành loại vũ khí chiến lược không thể thiếu trong hành trình củng cố và tăng cường sức mạnh trên biển của các nước. Các nhà phân tích cho rằng đang có một cuộc chạy đua vũ trang dưới lòng biển tại khu vực châu Á.

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đăng trên trang web sipri.org, trong giai đoạn 2002-2011, các nước Đông Nam Á chi 42% ngân sách cho chi tiêu quốc phòng. Trong đó, ngân sách chủ yếu tập trung vào sắm tàu ngầm như: Malaysia mua hai tàu ngầm Scorpene, Singapore mua hai tàu ngầm lớp Archer từ Thụy Điển, Indonesia mua ba tàu ngầm Type-209 từ Hàn Quốc với trị giá 1,1 tỷ USD, Thái Lan mua sáu tàu ngầm Type-206 đã qua sử dụng do Đức sản xuất…

Việc Hàn Quốc đầu tư mạnh vào hạm đội tàu ngầm dường như đã “đổ thêm dầu vào lửa” trong cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thêm vào đó, việc dư luận Hàn Quốc thời gian gần đây liên tục nhắc đến sự cần thiết phát triển tàu ngầm hạt nhân, nhằm nâng cao sức mạnh quân sự và vị thế của đất nước, đã khiến nhiều nhà phân tích lo ngại SS-X chính là bước đệm để Seoul khởi động chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân, chương trình dự đoán có khả năng sẽ phá vỡ thế cân bằng địa chính trị tại khu vực.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại