Giải mã bí ẩn về chiếc mặt nạ của "lính Nga" ở Ukraine

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Hình ảnh những tay súng đeo mặt nạ xuất hiện tại miền Đông Ukraine tiêu biểu cho một chiến thuật truyền thống của người Nga được gọi là "maskirovka".

Tạp chí Time (Mỹ) đăng tải bài viết về một chiến thuật truyền thống của Nga với lịch sử 600 năm và hiện đang được áp dụng tại miền Đông Ukraine.

Sau đây là nội dung bài viết:

Khi phóng viên nước ngoài hỏi một tay súng ly khai thân Nga tại thành phố Slavyansk tại sao lại đeo mặt nạ, anh ta trả lời: “Xin lỗi, nhưng đó là một câu hỏi ngớ ngẩn”.

Hình ảnh những tay súng đeo mặt nạ xuất hiện tại miền Đông Ukraine và chiếm giữ các tòa nhà chính phủ tiêu biểu cho một chiến thuật truyền thống của người Nga, được gọi là "maskirovka". Về cơ bản, "maskirovka" được hiểu là "ngụy trang" nhưng người Nga từ lâu đã sử dụng nó với nghĩa rộng hơn là bất cứ chiến thuật quân sự nào kết hợp ngụy trang, che giấu, nghi binh và thông tin giả...

Sản xuất xe tăng trong một nhà máy xe hơi, che giấu binh sĩ bằng màn khói, dùng lưới và vải bạt che bên trên nơi đóng tàu chiến, tạo vũ khí, mục tiêu giả để đánh lạc hướng hỏa lực đối phương, hay dùng cành lá để ngụy trang phương tiện ở chiến trường... đều là những ví dụ điển hình của "maskirovka".

Dân quân miền đông Ukraine với những chiếc mặt nạ. Đã có nhiều cáo buộc cho rằng lính Nga đang đội lốt dân quân Ukraine.
"Dân quân" miền đông Ukraine với những chiếc mặt nạ. Đã có nhiều cáo buộc cho rằng lính Nga đang "đội lốt" dân quân Ukraine.

"Maskirovka" từng được áp dụng khi Liên Xô đặt mua pháo dã chiến 100mm từ Đức. Khi lên kế hoạch cho chiến dịch Barbarossa xâm lược Liên Xô năm 1941, Đức Quốc Xã giả định rằng Hồng Quân sẽ dùng loại pháo này. Tuy nhiên trên thực tế thì quân Đức phải đối mặt với pháo cỡ 130mm do Liên Xô sản xuất.

"Maskirovka" bắt nguồn từ một từ gốc tiếng Anh là "mask" (mặt nạ). Mục đích của "maskirovka" là để tạo sự mơ hồ và bối rối cho đối phương. Những tay súng ẩn danh hiện nay ở Đông Ukraine tự nhận mình là người Cossack, còn chính phủ Ukraine và phương Tây thì tin rằng nhiều người trong số họ nằm dưới quyền chỉ huy của đặc nhiệm Nga. Song lai lịch không rõ ràng của những người này khiến cho việc lập kế hoạch đối phó trở nên khó khăn. Kiềm chế những tay súng hành động theo mệnh lệnh từ Moscow có thể dễ dàng hơn so với kiểm soát những cá nhân hành động độc lập, nhưng nếu cả 2 cùng tồn tại thì vấn đề càng phức tạp hơn.

Lực lượng dân quân đứng canh gác trước cửa tòa thị chính thành phố Slavyansk
Lực lượng dân quân đứng canh gác trước cửa tòa thị chính thành phố Slavyansk

Tướng Philip M. Breedlove, tư lệnh lực lượng vũ trang của NATO, nhận định: “Rất khó có thể tưởng tượng việc một nhóm vũ trang tự phát của người dân miền Đông bất ngờ xuất hiện và nhanh chóng chiếm chính quyền một cách có hệ thống. Khả năng này không thể xảy ra. Những gì đang diễn ra ở miền Đông là một chiến dịch quân sự được lên kế hoạch và tổ chức tốt, chúng tôi tin rằng có bàn tay của người Nga ở đây”.

Theo một nghiên cứu của Lầu Năm Góc được thực hiện năm 1988, "maskirovka" có thể được thực hiện trong bất kì môi trường nào để ngăn chặn đối phương thu thập thông tin. Tại Ukraine, "maskirovka" được thể hiện ở cấp độ cơ bản nhất là sử dụng mặt nạ che mặt. Người địa phương gọi nó là balaclava, được đặt theo tên của trận chiến tại Balaclava, một thị trấn gần Sevastopol, trong cuộc chiến Crimea (1853-1856). Một số người thân Ukraine thân phương Tây cũng sử dụng mặt nạ, và càng làm tăng thêm sự hỗn độn.

Một tay súng thân Nga đứng bên ngoài tòa nhà chính phủ ở Donetsk
Một tay súng thân Nga đứng bên ngoài tòa nhà chính phủ ở Donetsk

Theo các chuyên gia, "maskirovka" cần bảo đảm tính hoàn chỉnh và thống nhất để thành công. Liên Xô từng dùng tàu buôn để bí mật chuyên chở các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đến triển khai tại Cuba. Nhưng sau đó do họ không áp dụng biện pháp ngụy trang nào cho việc xây dựng các địa điểm phóng tên lửa nên đã bị máy bay do thám U-2 của Mỹ phát hiện.

Một số nhà nghiên cứu người Nga cho rằng có "maskirovka" có nguồn gốc từ trận chiến tại Kulikovo năm 1380, cách Moscow 190km về phía nam, giữa ông hoàng Dmitry Ivanovich Donskoy và quân Mông Cổ. Kỵ binh Nga được chia thành 2 đội quân. Một nhóm triển khai giữa địa hình trống trải, nhóm còn lại ẩn nấp trong cánh rừng gần đó. Quân Mông cổ tấn công nhóm đầu tiên và bị nhóm thứ hai đánh thọc sườn. Trong trận này, ông hoàng Dmitry Ivanovich cũng đổi áo giáp và cờ hiệu của mình với một kỵ sĩ trẻ, người sau này thiệt mạng trong trận chiến vì trở thành mục tiêu chính của các cung thủ Mông Cổ.

Tổng thống Mỹ Ronal Reagan dành một sự chú ý đặc biệt cho việc đối phó với "maskirovka". Trong Chỉ thị an ninh quốc gia số 108, ký năm 1983, ông viết: “Những phát hiện gần đây cho thấy Liên Xô đã nhiều lần dùng chiến thuật "maskirovka" với thành công ngoài dự kiến, và hiện nay nó vẫn đang được cải tiến hơn nữa.” Tổng thống Reagan do đó đã yêu cầu tìm cách đối phó: “Giám đốc Cục tình báo trung ương (CIA), với sự hợp tác của Bộ quốc phòng và các cơ quan khác, sẽ…”. Phần thông tin chi tiết còn lại đều bị bôi đen khi tài liệu này được giải mật. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy CIA là cơ quan đóng vai trò chính. Vì vậy, có thể giả định rằng Mỹ cũng dùng những hoạt động "maskirovka" của riêng mình như là vũ khí chính để chống lại hoạt động này của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay.

Nổ lớn tại sân bay Kramatorsk, phía đông Ukraine hôm 25/4

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại