"F-22 chặn đứng Nga ở Ukraine? Không quân Mỹ hãy thôi ngạo mạn!"

Thiên Minh |

(Soha.vn) - Phó giáo sư Robert Farley cho rằng dù Mỹ có triển khai tiêm kích tàng hình F-22 thì cũng không thể giúp Ukraine chiếm ưu thế nếu Nga tấn công.

Tin liên quan: "Mỹ điều F-22 tới Ukraine, máy bay Nga không có cơ sống sót"

Trang mạng War is boring đăng tải bài viết của Robert Farley, phó giáo sư Trường ngoại giao và thương mại quốc tế Patterson, Đại học Kentucky (Mỹ), phản bác lại ý kiến của Đại tá không quân Mỹ Robert Spalding III khi ông này cho rằng việc triển khai F-22 là giải pháp quân sự khả thi nhất để Mỹ ngăn chặn Nga tấn công Ukraine.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Nga không dại đem máy bay làm mồi cho F-22

Trong bài viết đăng tải trên tạp chí National Interest, Đại tá Không quân Mỹ Robert Spalding III đã tranh cãi rằng “việc triển khai các tiêm kích tàng hình F-22 với mục đích phòng thủ là một giải pháp khả thi đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine", khi Tổng thống Vladimir Putin đã sáp nhập bán đảo chiến lược Crimea vào Liên bang Nga và đang đe dọa phần lãnh thổ còn lại của Ukraine.

Tuy nhiên, Spalding đã sai! F-22 không phải là câu trả lời cho tình hình hiện nay. Khẳng định của vị đại tá này chỉ là một ví dụ khác về sự ngạo mạn của Không quân Mỹ.

“Không cần tới một viên đạn, sự triển khai này (triển khai F-22) sẽ ngay lập tức thay đổi những toan tính tấn công Ukraine của Tổng thống Putin” – Spalding nhấn mạnh.

Tiêm kích F-22 Mỹ

Robert Farley cho rằng ý tưởng của Đại tá Spalding về việc triển khai F-22 trong trường hợp này chỉ cho thấy sự ngạo mạn của Không quân Mỹ

Theo Splading, máy bay Nga sẽ không thể sống sót trong một cuộc đối đầu với các tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ và vì vậy, không thể hỗ trợ cho lực lượng tấn công trên bộ của Nga. Ukraine sẽ tự tin hơn về khả năng bảo vệ đất nước của họ, bởi bất cứ lực lượng nào của Nga cũng sẽ trở thành mục tiêu để Không quân Ukraine, được bảo vệ bởi các tiêm kích F-22, tấn công.

Bài viết của Spalding đã không đánh giá mức độ thực tế, khả thi của việc Washington mở rộng cam kết đảm bảo an ninh cho Ukraine mà thay vào đó lại khuấy động điều gây tranh cãi rằng việc triển khai F-22 có thể khiến cán cân quân sự nghiêng về phía quân đội Ukraine.

Đầu tiên, F-22 chỉ có thể tiêu diệt Không quân Nga nếu xảy ra không chiến mà điều này tất nhiên sẽ không xảy ra. Người Nga thừa hiểu rằng F-22 có thể đánh bại bất cứ máy bay chiến đấu nào mà họ triển khai. Vì vậy, Kremlin sẽ chỉ triển khai máy bay chiến đấu khi họ có ưu thế áp đảo.

Khó lòng bảo vệ Ukraine

Trong trường hợp khả quan nhất, F-22 có thể ngăn chặn Nga dùng không quân để hỗ trợ các mũi tấn công của lục quân.

Tuy nhiên, việc Ukraine dùng không quân để tấn công lực lượng lục quân Nga có khả thi? Nên nhớ, hệ thống tên lửa đất-đối-không S-400 của Nga có thể phát hiện, theo dõi và tấn công các mục tiêu ở khoảng cách tới hơn 400km.

Thậm chí nếu giả định rằng F-22 có thể tránh khỏi sự tấn công của trận địa S-400 dù điều này chưa bao giờ được kiểm chứng thì các máy bay Su-25 của Ukraine cũng khó lòng thoát thân.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400

Dù F-22 có thể qua mặt được S-400, su-25 của Ukraine cũng khó lòng thoát thân

Moscow có thể triển khai hệ thống phòng không S-400 bao phủ khu vực quân đội Nga đang tiến quân ở bất cứ nơi đâu tại đông và trung Ukraine. Quân đội Nga còn sở hữu thêm nhiều hệ thống tên lửa đất đối không di động có thể khiến cho bất cứ cuộc không kích nào của Ukraine đều trở thành tự sát.

Điều đó có nghĩa là dù F-22 có tham gia với vai trò phòng thủ tại Ukraine thì vẫn không thể bảo vệ được lực lượng mặt đất của nước này trước một quân đội Nga hùng hậu, tinh nhuệ và hiện đại hơn.

Thế nhưng, đó chưa phải là tất cả.

Tên lửa đạn đạo 97K20 Iskander có thể tấn công các mục tiêu cách xa hơn 400km với độ lệch chỉ 5m. Điều này mang lại cho quân đội Nga một lựa chọn tấn công mà F-22 không thể nào ứng phó, cũng đồng nghĩa với việc Nga có thể tấn công một cách chính xác đáng kể vào các căn cứ không quân của Ukraine.

Trong tình huống này, Không quân Mỹ sẽ phải nhanh chóng tìm các căn cứ an toàn cho những chiếc F-22 của mình.

Tên lửa Iskander của Nga có thể tấn công các căn cứ không quân của Ukraine mà không gặp trở ngại nào
Tên lửa Iskander của Nga có thể tấn công các căn cứ không quân của Ukraine mà không gặp trở ngại nào

Việc triển khai các tổ hợp tên lửa Patriot sẽ giúp Mỹ bảo vệ F-22 nhưng Không quân Mỹ sẽ không để những chiếc tiêm kích tàng hình trị giá nửa tỷ USD chịu nguy hiểm trước tên lửa hành trình và đạn đạo của Nga trong thời gian dài. Trên thực tế, Kremlin có thể tìm ra cách tiêu diệt phi đội F-22 dù Mỹ cất giấu chúng ở Ba Lan.

Nga cũng sẽ sử dụng các hệ thống pháo tầm xa để phá hủy lưới phòng thủ của Ukraine mà không cần không kích. Nga vẫn chiếm lợi thế lớn hơn Ukraine rất nhiều về số lượng và chất lượng của những hệ thống này.

Cuối cùng, Moscow có thể sử dụng không quân một cách sáng tạo để mang lại cho mình lợi thế lớn hơn trên chiến trường. Giả định rằng biện pháp triển khai với mục đích phòng thủ của F-22 không có phép nó bắn hạ máy bay Nga trong không phận của Nga, các tiêm kích-bom của Kremlin có thể tiến hành một cuộc không kích chớp nhoáng và nhanh chóng chạy về không phận của mình.

Hơn nữa, Nga còn sở hữu hàng loạt các tên lửa hành trình phóng từ trên không có thể tấn công các mục tiêu ở Ukraine mà không cần máy bay Nga phải vượt qua biên giới.

Tình hình có thể còn tệ hơn.

Nếu F-22 chỉ có thể triển khai từ những căn cứ ở phía tây Ukraine hoặc từ Ba Lan, thậm chí từ Georgia, chúng sẽ phải vượt qua quãng đường dài gần 1.000km để tuần tra các khu vực ở miền đông Ukraine. F-22 có thể vận hành ở khoảng cách này nhưng khó có thể trong thời gian dài. Điều này mang lại cho các chiến đấu cơ Nga nhiều cơ hội để hoạt động hỗ trợ các lực lượng mặt đất khi vắng mặt F-22.

Ngoài ra, các hệ thống tên lửa đất đối không của Nga sẽ khiến việc máy bay tiếp dầu bay qua Ukraine trở nên khó khăn.

Không quân Mỹ hãy thôi ngạo mạn

Một cam kết chính trị của Mỹ cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine có thể ngăn chặn sự xâm lược của Nga, Tuy nhiên, nếu Nga quyết định tấn công, Mỹ sẽ phải đóng góp nhiều hơn là một vài phi đội F-22.

Đề xuất triển khai F-22 này sẽ đơn thuần chỉ là một nhận định ngờ nghệch nếu nó đến từ một nhà hoạch định chính trí dân sự, không rõ về sức mạnh không quân. Thế nhưng, nó lại là quan điểm của một đại tá không quân Mỹ. Tuy vậy, điều này cũng không gây ngạc nhiên bởi các sĩ quan không quân Mỹ đang có xu hướng đưa ra những giải pháp có phần lố bịch cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Những tuyên bố ngông cuồng, thái quá về mức độ hiệu quả của lực lượng không quân vẫn luôn tồn tại, dù nguyên nhân là do hệ thống đào tạo của Không quân Mỹ đang cho ra đời những sĩ quan với hiểu biết nông cạn hay đơn thuần là tạo ra động lực để những sĩ quan của họ phóng đại triệt để sức mạnh không quân.

Không quân Mỹ đang tồn tại một khuynh hướng có tổ chức về việc phóng đại sức ảnh hưởng tiềm năng của lực lượng không quân. Điều này thường song hành với khuynh hướng ủng hộ chính sách ngoại giao thiếu thận trọng.

Nếu muốn chặn Nga, Mỹ cần phải đưa ra một cam kết chính trị rõ ràng đối với toàn vẹn lãnh thổ Ukraine. Nếu muốn tham chiến với Nga, Mỹ cần chuẩn bị cho một cuộc chiến thực sự, chứ không phải là một cuộc xung đột rẻ tiền, dễ dàng và không có thương vong.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của phó giáo sư Robert Farley

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại