Đi cùng tàu cảnh sát 8001 Việt Nam trên Biển Đông

Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam là lực lượng của quân đội được trang bị các công cụ pháp lý làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, gìn giữ an ninh, cứu hộ, cứu nạn trên Biển Đông.

Tuy mới được thành lập hơn 15 năm, nhưng cảnh sát biển Việt Nam đã khẳng định được vai trò trong thực hiện nhiệm vụ này.

Chuyện của những người trấn áp cướp biển

Ngày thứ hai trong hải trình thăm quân và dân Trường Sa trên tàu CSB-8001, vào buổi tối, biển dậy sóng. Sóng càng lúc càng to khiến con tàu lắc ngang lắc dọc. Càng ở trên cao, tàu lắc càng mạnh, có khi nghiêng lệch hẳn về một bên làm cho đồ đạc trong phòng xô lệch, rơi loảng xoảng. Thỉnh thoảng, một vài con sóng có cường độ cao đập vào mạn tàu đánh “ầm” khiến nhiều người giật mình. Trong lúc tránh rung lắc, chúng tôi cùng đến các phòng ở phía dưới hầm tàu, gần khoang máy, nơi nhiều người cho là dễ chịu nhất.

Tại đây, chúng tôi đã có gần một đêm trắng trò chuyện với 7 thủy thủ của Vùng CSB 3 trong tiếng ghi ta bập bùng. Họ được cấp trên điều động tăng cường làm nhiệm vụ nấu ăn, phục vụ các đại biểu trong đoàn công tác. Điều đặc biệt là cả 7 thủy thủ này đều có mặt trực tiếp trên 2 tàu số hiệu CSB-4031 và CSB-4034, tham gia bắt cướp biển vào ngày 22-11-2012 – một chiến công của CSB Việt Nam, cách thời điểm chúng tôi ra khơi đúng một năm.

5 trong số 7 thủy thủ đi từng tham gia bắt cướp biển tháng 11-2012

Trước khi vào câu chuyện, Trung úy QNCN Phạn Văn Hiệp, thủy thủ tàu CSB-4031 vừa đàn, vừa hát say sưa “Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng, thuyền anh ra khơi có ngại chi mưa gió, ớ hò... . Trên đoàn thuyền hải âu vui sóng xô, anh nhớ đồng làng quê cánh cò bay trên thảm lụa…”. Giọng Hiệp trầm, mang đặc trưng của người miền Trung hòa vào tiếng sóng và âm thanh rì rì, đều đều của máy tàu. Kết thúc bài hát, Hiệp hào hứng kể về chiến công đã xảy ra cách đây một năm:

- Trước khi tiếp cận được tàu của bọn cướp biển vào ngày 22-11-2012, biên đội chúng tôi đã quần đảo, lùng sục trên biển gần hai ngày đêm để tìm kiếm thì phát hiện tàu nghi vấn có số hiệu khác với thông tin được cung cấp. Sau khi báo về sở chỉ huy, chúng tôi được lệnh bao vây, áp mạn và buộc tàu lạ thả neo cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 70km. Tuy nhiên, tàu này đã không chấp hành mà bỏ chạy. Trong tình thế khẩn cấp, chúng tôi đã bắn chỉ thiên, sử dụng loa của tàu nói bằng tiếng Anh và ra tín hiệu kêu gọi đầu hàng, nhưng bọn cướp biển vẫn ngoan cố lái tàu bỏ chạy. Chúng tôi phải kết hợp dùng vòi rồng phun nước áp lực cao lên ca-bin thì bọn cướp biển mới chịu cởi bỏ áo và ra ngoài boong tàu, nhảy xuống biển.

Thiếu úy QNCN Nguyễn Quốc Tiến tiếp lời:

- Hôm ấy biển có sóng cấp 5, cấp 6. Biên đội đã hạ 3 xuồng, mỗi xuồng 5 đồng chí để thực hiện nhiệm vụ. Phải vất vả lắm chúng tôi mới áp mạn và lên được tàu của bọn cướp biển. Khi đã bắt giữ được chúng và lên tàu kiểm tra, chúng tôi phát hiện bọn cướp biển đã phá hỏng các thiết bị định vị, giật đứt dây các loại máy thông tin liên lạc. Tất cả các phòng ngủ của thuyền viên đều bị lục tung, quần áo rơi vãi khắp nơi.

Chiến công bắt 11 tên cướp biển của CSB Việt Nam khiến nhiều nước trên thế giới rất khâm phục. Bởi trong thực tế, việc bắt gọn, bảo toàn được tính mạng của thủy thủ biên đội và tài sản trên con tàu bị cướp là chuyện không dễ dàng. Cướp biển là đối tượng rất liều lĩnh, sẵn sàng đối phó quyết liệt với lực lượng chức năng khi bị truy đuổi. Trong vụ bắt bọn cướp biển này, lực lượng CSB Việt Nam đã bảo toàn được gần 400 tấn dầu khí gốc trên tàu, tài sản mà bọn cướp biển chưa kịp tẩu tán. Nhiều người cho rằng, nếu lực lượng CSB Việt Nam không khôn khéo và cương quyết thì số dầu kia có thể sẽ tràn ra ngoài, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường biển nước ta.

Sau câu chuyện, Trung úy QNCN Dương Văn Thường, nhân viên thông tin trên tàu CSB-4031 chia sẻ:

- Chiến công này là một trong những kỷ niệm đẹp trong đời quân ngũ của chúng tôi. Kết quả đó càng cổ vũ chúng tôi trong công tác, nhất là trong bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Câu chuyện của các thủy thủ được tăng cường làm nhiệm vụ trên tàu CSB-8001 từng tham gia bắt cướp biển đã gợi cho tôi những trăn trở về cuộc sống, về được mất ở đời; về sự cống hiến, đức hy sinh. Những chiến sĩ CSB tuổi đời còn rất trẻ đã chẳng hề tính toán, cân nhắc thiệt hơn trong những lần vượt bão tố, sóng dữ để cứu ngư dân, xả thân vì nhiệm vụ, vì sự bình yên của biển đảo. lớn

Thêm bạn trên Biển Đông

Hơn 15 năm qua, kể từ khi ra đời, lực lượng CSB Việt Nam đã sát cánh cùng các lực lượng khác góp phần giữ vững an ninh, an toàn chủ quyền Việt Nam. Bên cạnh đó, lực lượng CSB Việt Nam còn mở rộng giao lưu, hợp tác với lực lượng chức năng tương tự của các nước trong khu vực và thế giới.

Cũng trên con tàu CSB-8001, chúng tôi được gặp và tiếp chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh CSB Việt Nam. Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm là người đã gắn bó với sự trưởng thành của lực lượng CSB nhiều năm qua. Trong thời gian công tác, anh có điều kiện đi tham quan, học hỏi mô hình, kinh nghiệm xây dựng lực lượng có chức năng tương tự ở nhiều nước trên thế giới. Anh chia sẻ:

- Mỗi nước trên thế giới có một tên gọi khác nhau về lực lượng này, nhưng cơ bản giống nhau ở chức năng và nhiệm vụ, cũng đều nhằm tới mục đích thực hiện các điều ước nhân đạo quốc tế, đó là giúp dân, hướng dẫn nhân dân, cứu dân bị nạn trên biển. Việc Việt Nam xây dựng, đầu tư trang bị hiện đại cho lực lượng CSB là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển chung của các nước trên thế giới.

Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm (ngoài cùng bên phải) trong Tàu CSB-8001

Được thành lập năm 1998 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Cục CSB Việt Nam (nay là Bộ tư lệnh CSB Việt Nam) có chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền vận động ngư dân, chủ phương tiện chấp hành pháp luật; duy trì đảm bảo an ninh trật tự, an toàn các vùng biển của Việt Nam; sẵn sàng làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn khi có yêu cầu... Nhiệm vụ này ngày càng nặng nề hơn khi mà trong nhiều năm gần đây, số vụ phạm pháp trên biển và sự thiệt hại do thiên tai, sự cố trên biển ngày càng nhiều và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Những năm qua, lực lượng CSB Việt Nam đã từng bước phát triển và lớn mạnh, thực hiện nhiều nhiệm vụ đảm bảo cho các hoạt động kinh tế biển của Việt Nam. Cảnh sát biển thực hiện nhiều nhiệm vụ như tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, duy trì an ninh trật tự và thực hiện các biện pháp an ninh hàng hải trên biển. Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm tâm sự thêm:

- Cách thức tổ chức xây dựng lực lượng thực thi pháp luật trên biển nhiều nước trên thế giới có nhiều điểm khác: Họ có cả chức năng kiểm ngư, cấp đăng kiểm cho tàu, thuyền hoạt động trên sông, trên biển. Riêng ở Mỹ, họ có thêm chức năng bảo đảm an ninh, an toàn của phương tiện trên mặt sông trong nội địa.

Việc đấu tranh thành công với nhóm cướp biển hồi cuối năm 2012 chỉ là một trong rất nhiều thành công mà lực lượng CSB Việt Nam đã làm được trong thời gian qua. Điều đó khẳng định, sự góp mặt của CSB Việt Nam đã góp phần bảo đảm sự an toàn cho Biển Đông. Đặc biệt, sự quan tâm, hợp tác có hiệu quả từ lực lượng có cùng chức năng của các nước trên thế giới đã làm cho tuyến đường hàng hải quốc tế ở Biển Đông ngày càng an toàn hơn, an ninh trên biển ngày càng được thắt chặt và là chỗ dựa tin cậy để cùng hướng tới xây dựng vùng biển hòa bình bền vững.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại