Đầu đạn siêu vượt âm Trung Quốc xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa?

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Theo chuyên gia Vassily Kashin, hiện nay không một hệ thống phòng thủ tên lửa nào có thể bắn hạ một phương tiện bay siêu vượt âm như vậy.

Các quan chức Lầu Năm Góc mới đây tiết lộ ngày 9/1 vừa qua, Trung Quốc đã thử nghiệm một phương tiện bay siêu vượt âm có thể mang đầu đạn xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ. Theo chuyên gia Vassily Kashin tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga, phương tiện bay trong cuộc thử nghiệm của Trung Quốc chính xác hơn là một đầu đạn siêu vượt âm gắn trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Ông Vassily nhận định việc thử nghiệm phượng tiện bay siêu vượt âm là một thành tựu thực sự đối với chương trình chế tạo vũ khí siêu vượt âm quy mô lớn mà Trung Quốc đang hiện thực hóa. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã và đang tiến hành phát triển các phương tiện hành trình siêu vượt âm.

Trong tháng 7/2012, phương tiện truyền thông Trung Quốc công bố nước này đã triển khai một loại đường hầm thông gió tốc độ cao có khả năng thử nghiệm mẫu máy bay di chuyển với tốc độ Mach 9. Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề cơ bản đặt ra là công nghệ mới này sẽ tác động như thế nào tới chiến lược hạt nhân của Trung Quốc và quốc gia này đang tiến hành những dự án chế tạo vũ khí siêu vượt âm nào khác.

Trong năm 2005, lần đầu tiên Nga tiết lộ đã thử nghiệm thành công một đầu đạn siêu vượt âm nhằm củng cố lực lượng hạt nhân chiến lược trước hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Những tín hiệu trên cho thấy Nga là quốc gia đầu tiên có thể sở hữu một loại đầu đạn có thể triển khai với tính năng tương tự. Đi sau một vài năm, nhưng Trung Quốc cũng cho thấy họ đang tiếp bước người Nga về lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo Vasily, cuộc thử nghiệm gần đây của Trung Quốc cho thấy trong tương lai gần, Bắc Kinh có thể triển khai các ICBM với những đầu đạn siêu vượt âm tương tự. Điều đáng nói là hiện nay không một hệ thống phòng thủ tên lửa nào có thể bắn hạ một phương tiện bay siêu vượt âm như vậy nên động thái trên sẽ tăng cường đáng kể độ tin cậy của lực lượng hạt nhân của Trung Quốc.

Sự phát triển của đầu đạn siêu vượt âm có thể liên quan tới nỗ lực chế tạo một ICBM mới mà Trung Quốc tiết lộ năm ngoái. Các đầu đạn siêu vượt âm có sức nặng lớn hơn những vũ khí tiền nhiệm, do vậy việc sử dụng chúng đặt ra nhu cầu phải chế tạo một loại tên lửa mới có sức mạnh hơn nhiều.

Hiện nay, Mỹ đang cân nhắc sử dụng vũ khí siêu vượt âm phi hạt nhân trong chương trình "Đòn tấn công thần tốc toàn cầu: của mình. Trong khi đó, Nga hiện cũng tham gia chế tạo các vũ khí siêu vượt âm phi hạt nhân.

Theo Vasily, một khi nắm trong tay những vũ khí siêu vượt âm phi hạt nhân, Trung Quốc sẽ chiếm lợi thế trong việc đối phó hiệu quả với các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ. Trung Quốc hiện đang đạt được những bước tiến lớn trong việc sản xuất những tên lửa siêu tốc uy lực mạnh nhằm phá hủy các tàu sân bay của đối phương, mà một trong số đó là tên lửa diệt hạm DF-21D mà Trung Quốc chế tạo được. Ngay khi Trung Quốc nắm trong tay một tên lửa hành trình siêu vượt âm có độ cơ động cao hơn để tấn công các lực lượng tàu sân bay của đối phương, hệ thống phòng thủ trên tàu sân bay coi như vô dụng.

Trong thế kỉ 21, vũ khí siêu vượt âm sẽ là một đặc trưng không thể thiếu của một siêu cường quân sự mà Trung Quốc đang hiện thực hóa. Tuy vậy, thời gian từ những cuộc thử nghiệm đầu tiên tới việc triển khai trên thực tế của những hệ thống vũ khí hiện đại này vẫn là đoạn đường khá dài, do đó từ nay đến trước năm 2020, chưa thể khẳng định chắc chắn hiệu quả thực tế của loại vũ khí này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại