Đã quá muộn để S-300 Nga tới "cứu" Syria!

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Tổng thống Nga tuyên bố, S-300 sẽ được chuyển giao cho Syria nếu Mỹ và liên quân có hành động quân sự. Nhưng e rằng như thế là quá muộn!

Putin gật đầu, nhưng...

Trong cuộc phỏng vấn với AP và kênh Channel 1 của Nga, Tổng thống Putin đã hé lộ một số thông tin về hợp đồng chuyển giao hệ thống tên lửa S-300 cho Syria.

"Chúng tôi đã cung cấp một số thành phần (tổ hợp tên lửa S-300) nhưng quá trình chuyển giao chưa hoàn tất. Chúng tôi đang tạm thời trì hoãn nó", ông Putin nói.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng cho rằng việc chuyển giao có thể tiếp tục nếu hành động chống lại Syria vi phạm luật quốc tế.

"Tuy nhiên, nếu chúng tôi nhận thấy rằng những bước đi đó (Mỹ tấn công Syria) vi phạm vào các tiêu chuẩn quốc tế hiện có, chúng tôi sẽ cân nhắc về cách hành động trong tương lai, đặc biệt là liên quan tới việc cung cấp các loại vũ khí nhạy cảm tới một số khu vực nhất định trên thế giới" - Ông Putin nhấn mạnh.

...S-300 sẽ không sống sót để tham chiến

Nhưng xem ra đây thực sự là một tuyên bố mang tính tinh thần hơn là một hành động hiệu quả về mặt quân sự. Bởi chúng ta đang nói về S-300, một tổ hợp vũ khí hiện đại và phức tạp chứ không phải là một loại vũ khí bộ binh nào đó.

Trước hết, để S-300 có thể vận hành được chứ chưa nói là hiệu quả cao, cần có một đội ngũ rất đông các nhân viên kỹ thuật và sĩ quan chỉ huy. Một tổ hợp S-300 khá cồng kềnh, bao gồm hơn 10 xe tải cỡ lớn 4 trục, dài 12m, nặng hơn 40 tấn. Các xe trong tổ hợp là một thành phần trong hệ thống liên hoàn, bao gồm xe chỉ huy, xe điều khiển, xe radar, xe bệ phóng, các trạm nguồn điện, khí nén…

Cứ coi như Syria chưa cần biên chế đủ một hệ thống thì cũng cần ít nhất các xe sau: xe chỉ huy, xe điều khiển, xe radar, xe bệ phóng, trạm nguồn điện, trạm nguồn khí nén, xe chở nạp đạn… Với từng ấy xe, phải đào tạo được một đội ngũ kỹ thuật cỡ vài chục người. Mà thời gian cho mỗi khóa học cũng phải từ 6 tháng trở lên. Nếu muốn làm chủ được ngay khi S-300 được chuyển giao, Syria phải đào tạo trước nhân lực, mặc dù điều này có thể đã xảy ra với xác suất không cao.

Thứ hai là thời gian vận chuyển quá lâu. Cứ cho như S-300 đã được đóng sẵn vào container ở các cảng của Nga thì cũng phải mất khoảng 2 tuần để vận chuyển lô hàng từ St. Petersburg (Nga) đến cảng Tartus (Syria). Tất nhiên, đó là khi tàu hàng không bị cản trở hay bắt giữ, chưa kể tàu chở sẽ không được phép đi vào các cảng của châu Âu để tiếp nhiên liệu, hậu cần. Các trường hợp trên đều chắc chắn xảy ra nếu tàu đang chuyển S-300 cho Syria.

	Làm cách nào để S-300 có thể cập cảng và di chuyển, triển khai một cách an toàn khi tàu chiến Mỹ đang bao vây Syria?

Làm cách nào để S-300 có thể cập cảng và di chuyển, triển khai một cách an toàn khi tàu chiến Mỹ đang bao vây Syria?

Nhìn lại cuộc chiến tranh Iraq, khoảng thời gian từ khi Mỹ khai hỏa ở Iraq đến khi bộ binh làm chủ thủ đô Bagdad chỉ vỏn vẹn 20 ngày. Liệu thời gian chuyên chở lâu như vậy có đủ để cứu Syria được hay không?

Thứ ba là vận chuyển về Syria rồi thì sẽ triển khai như thế nào? Một khối các khí tài cồng kềnh như vậy được chuyển từ bờ biển đang bị phong tỏa bởi các tàu chiến Mỹ và liên quân cũng như một bầu trời bị giám sát chặt chẽ bởi các vệ tinh.

Có thể nói rằng khó có thể ngụy trang khi chuyển tổ hợp S-300 từ tàu đến vị trí triển khai. Mà không ngụy trang được thì việc bị tập kích là hết sức dễ hiểu, chỉ cần một trong số các khí tài bị hư hỏng coi như toàn hệ thống có thể không kịp khai hỏa.

Một tổ hợp khí tài cồng kềnh và hiện đại như S-300 cần nhiều thời gian để đào tạo, huấn luyện cũng như khó có thể vận chuyển, triển khai một cách bí mật
Một tổ hợp khí tài cồng kềnh và hiện đại như S-300 cần nhiều thời gian để đào tạo, huấn luyện cũng như khó có thể vận chuyển, triển khai một cách bí mật

Thứ tư là hiệu quả sẽ như thế nào? Thông thường một tổ hợp kiểu S-300 phải trải qua một quá trình làm chủ trang bị khá dài mới có thể chiến đấu hiệu quả. Với Syria, cứ cho là vượt qua được các đòn tấn công để chuyển S-300 vào trạng thái chiến đấu nhưng nếu không thành thục trong hành động sẽ xảy ra hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất là bắn rất nhiều đạn nhưng không trúng mục tiêu, khi ấy chắc chắn sẽ thiếu đạn, do vận chuyển kiểu vội vàng thì không thể có nhiều.

Ở Việt Nam, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ trong 12 ngày đêm, trận Điện Biên Phủ trên không Việt Nam đã bắn tới 1.000 quả đạn (theo thống kê của Mỹ) và 334 quả S-75 (theo thống kê của Việt Nam), như vậy, đủ thấy mức độ tiêu hao như thế nào. Chưa kể mục tiêu của S-300 sẽ là tên lửa Tomahawk thì xác suất trúng đạn càng thấp hơn.

Trường hợp thứ hai là khi đã bộc lộ sau khi phóng tên lửa, liệu S-300 có trở thành mồi ngon cho các tên lửa hành trình, tên lửa chống bức xạ của Mỹ?

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại