Chuyện chưa biết về Phi đội ném bom sân bay Tân Sơn Nhất

Lương Kiên Cường |

Thiếu tá Trần Hồng Sơn - nguyên phi công Trung đoàn 923 kể những câu chuyện “phía sau” công tác chuẩn bị và tiến hành trận ném bom của Phi đội Quyết Thắng vào sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975.

Trận ném bom của Phi đội Quyết Thắng vào sân bay Tân Sơn Nhất trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã được nhắc đến nhiều trong sử sách, nhưng những câu chuyện “phía sau” công tác chuẩn bị và tiến hành trận đánh thì ít người biết đến…

Câu chuyện đó được Thiếu tá Trần Hồng Sơn kể cho tôi nghe vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Không quân vừa qua.

Ông kể: Ngày 19/4/1975, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội và Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) chuẩn bị sẵn sàng lực lượng không quân tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Phương án tác chiến là sử dụng chính các máy bay cường kích A-37 thu hồi của địch để đánh địch.

Bộ Tư lệnh PK-KQ đã triển khai một loạt các công tác chuẩn bị để kịp thực hiện trận đánh mang ý nghĩa quan trọng này.

Về lực lượng phi công, Bộ Tư lệnh PK-KQ quyết định chọn các phi công MiG-17 để chuyển loại sang bay A-37 trong thời gian ngắn nhất.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh PK-KQ, Sư đoàn 371 đã tuyển chọn các phi công MiG-17 ưu tú ở Đại đội 4, Trung đoàn 923. Đó là các phi công đã có nhiều thành tích và kinh nghiệm trong chiến đấu như: Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng…

Tư lệnh Lê Văn Tri giao nhiệm vụ cho Phi đội Quyết Thắng

Về máy bay, Quân chủng quyết định sử dụng số máy bay A-37 thu được của không quân ngụy, nhanh chóng phục hồi để đưa vào làm nhiệm vụ.

Nhiệm vụ bảo đảm công tác kỹ thuật, phục hồi đưa vào sử dụng máy bay A-37 được giao cho Thiếu tá Hồ Thanh Minh - Phó Phòng Kỹ thuật Sư đoàn 371.

Phi công Nguyễn Văn Thọ - Chủ nhiệm bay Trung đoàn 923 được giao nhiệm vụ huấn luyện chuyển loại máy bay cho các phi công đã được lựa chọn.

Ngày 20/4, các phi công được đưa vào sân bay Đà Nẵng để tổ chức huấn luyện chuyển loại trong vòng 5 ngày.

Đầu giờ chiều hôm đó, Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri đến gặp phi công Nguyễn Văn Thọ. Ông nói rõ thêm về nhiệm vụ, về tầm quan trọng của trận đánh, về cách thức hoàn thành nhiệm vụ.

Đứng bên cạnh ông có hai người mặc quân phục, dáng vẻ gầy gò. Tư lệnh Lê Văn Tri chỉ vào hai người đó và nói: “Đây là Nguyễn Văn Xanh và Trần Văn On, là 2 phi công hàng binh của quân ngụy, cả 2 đều rất giỏi lái loại máy bay A-37.

Nguyễn Văn Xanh đã có trên 800 lần/chuyến A-37 ném bom trước đây. Tôi giao cho đồng chí để phối hợp huấn luyện chuyển loại”.

Có thêm 2 phi công giỏi lái loại máy bay A-37 và nói tiếng Anh thông thạo là thuận lợi cho công việc đang đòi hỏi thời gian rất gấp.

Ngay sau đó, các đồng chí bắt tay vào huấn luyện. Họ tranh thủ mọi thời gian, kể cả lúc ăn cơm, trước lúc đi ngủ vẫn truy bài lẫn nhau.

Trong buồng lái, đèn công tắc đồng hồ nhìn vào không nhớ hết vì tất cả chữ, ký hiệu là tiếng Anh, một người hỏi, một người trả lời, chỗ nào hay quên phải ghi vào tay, giở tài liệu ra xem để ghi nhớ.

Ngày 24/4, chỉ sau 2 ngày huấn luyện, phi công Từ Đễ đã bay chuyến bay đầu tiên. Ngày hôm sau, các phi công Nguyễn Văn Lục, Hoàng Mai Vượng, Hán Văn Quảng, Trần Cao Thăng bay tập thành công.

Ngày 26/4, Bộ Tư lệnh điều phi công Nguyễn Thành Trung ra Đà Nẵng tăng cường cho phi đội.

Phi đội xuất kích

12 giờ 45 phút ngày 27/4, theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh Quân chủng, toàn phi đội chuyển từ Đà Nẵng vào sân bay Phù Cát (Bình Định). Hai phi công Nguyễn Thành Trung, Hoàng Mai Vượng lái chiếc A-37, các phi công khác đi bằng máy bay An-24.

Tại sân bay Phù Cát, cán bộ kỹ thuật và thợ máy đã khôi phục giao cho phi đội 4 chiếc A-37. Các phi công sử dụng ngay số máy bay này tập và huấn luyện khoa mục.

Cũng tại đây, Phi đội Quyết Thắng được thành lập gồm Nguyễn Văn Lục làm Phi đội trưởng, Các thành viên khác là: Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng, Nguyễn Thành Trung và Trần Văn On. Đài chỉ huy đặt ở Sân bay Thành Sơn (Phan Rang)

Vào lúc 9 giờ 30 phút sáng 28/4/1975, Phi đội Quyết Thắng rời sân bay Phù Cát và một giờ sau hạ cánh xuống sân bay Thành Sơn an toàn.

13 giờ cùng ngày, Đại tá Lê Văn Tri - Tư lệnh Quân chủng và các đồng chí Trần Mạnh, Trần Hanh, Nguyễn Hồng Nhị trực tiếp giao nhiệm vụ chiến đấu cho phi đội. Mục tiêu oanh tạc là sân bay Tân Sơn Nhất.

Kế hoạch tác chiến của trận đánh được xác định như sau: Sau khi cất cánh, phi đội bay theo đường bay từ sân bay Thành Sơn qua Phan Thiết, qua Hàm Tân, đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Độ cao bay bằng là 400 m, để giữ bí mật, trên đường đi không sử dụng vô tuyến điện, chỉ được dùng ám tín hiệu, thứ tự bay theo đội hình:

Bay số 1 là Nguyễn Thành Trung dẫn đường, số 2 Từ Đễ, số 3 Nguyễn Văn Lục, số 4 Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On, số 5 Hán Văn Quảng bay sau cùng quan sát bảo vệ phía sau phi đội.

Mọi công tác đã chuẩn bị xong, đến 14 giờ 30 phút, Tư lệnh Quân chủng hạ mệnh lệnh chiến đấu, 16 giờ 25 phút, phi đội được lệnh xuất kích.

Tiếng động cơ máy bay, các xe phục vụ và tiếng bước chân người đi lại đã phá tan không khí im lặng chờ đợi căng thẳng trước đó. Các máy bay A-37 của phi đội cất cánh.

Sau khi phi đội bay qua khu vực Hàm Tân, phi công nhìn rõ mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất đã kéo máy bay lên độ cao theo kế hoạch.

Đến độ cao thích hợp, số 1 bổ nhào xuống mục tiêu rồi cắt bom. Lửa, khói trùm lên khu vực máy bay địch đang đỗ.

Ngay sau đó, số 2 lao xuống thả 4 quả trúng mục tiêu, tiếp theo các số 3, số 4, số 5 bổ nhào vào cắt bom, từng loạt bom nổ, các cột lửa, khói bốc cao bao trùm sân bay Tân Sơn Nhất.

Lúc đó chỉ huy sân bay, Chuẩn tướng quân đội Việt Nam Cộng hòa Hoàng Anh Tuấn bị đánh bất ngờ đã vội vàng dùng máy vô tuyến gào thét: “A-37 của không đoàn nào?” Phi công Từ Đễ đáp lại: “A-37 của Mỹ ném bom ngụy đây!.”

Sau khi ném bom đợt 2 xong, lúc 17 giờ 22 phút, phi đội thoát ly, quay về sân bay Thành Sơn theo tuần tự: số 1 Hán Văn Quảng, số 2 Từ Đễ, số 3 Nguyễn Văn Lục, số 4 Hoàng Mai Vượng, số 5 Nguyễn Thành Trung.

Khi bay về gần Phan Thiết, phi công Từ Đễ thông báo qua vô tuyến chú ý quan sát để tránh pháo cao xạ. Anh vừa dứt lời thì từ mặt đất pháo bắn lên đỏ rực, các phi công hạ thấp độ cao, bay tránh vòng ra ngoài khu vực trận địa pháo, cả phi đội bay về sân bay an toàn.

Phi đội về gần sân bay Thành Sơn, khi chuẩn bị vào hạ cánh, máy bay số 2 có đèn báo xăng dầu gần hết, vì vậy, Từ Đễ phải tắt một động cơ để máy bay giảm bớt tiêu hao nhiên liệu và thông báo cho Biên đội và Sở Chỉ huy biết.

Lúc đó, phi công Hán Văn Quảng đã nhường cho máy bay Từ Đễ vào hạ cánh trước. Với kỹ thuật điêu luyện, Từ Đễ hạ cánh nhẹ nhàng, đưa máy bay vào đường lăn thì cũng là lúc máy bay hết dầu, động cơ ngừng hẳn.

Cả 5 máy bay của phi đội lần lượt hạ cánh an toàn vào lúc 18 giờ 15 phút ngày 28/4/1975 tại sân bay Thành Sơn. Trận đánh đã phá hủy 24 máy bay quân sự của Mỹ và quân đội Việt Nam cộng hoà, làm thương vong hơn 100 sĩ quan binh lính quân đội Việt Nam cộng hoà.

Niềm vui chiến thắng của Phi đội Quyết Thắng

Trận đánh thắng lợi đã góp phần cùng quân và dân ta giải phóng miền Nam, đồng thời lập nên một kỳ tích, ghi thêm một trang sử vàng vào truyền thống anh hùng của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại