Chiến đấu cơ Nga, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ “quần nhau”

Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã phải khẩn cấp phái một loạt máy bay chiến đấu của mình đi đánh chặn các phi cơ chiến đấu của Nga và Syria bay áp sát không phận của nước này.

Đây là thông tin vừa được đưa ra trong một tuyên bố của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày hôm qua (3/11).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Hai chiếc chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được lệnh cất cánh khẩn cấp để đi chặn một chiếc máy bay chiến đấu SU-24 của Syria, sau khi chiếc máy bay này được phát hiện đang tiến tới thành phố Yayladagi ở tỉnh phía nam Hatay gần khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ", Bộ Tổng tham mưu Các Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Cũng theo lời quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi bị máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ chặn, máy bay của Syria đã rút lui khoảng hơn 6km.

Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, họ còn phải ra lệnh cho thêm 4 chiếc máy bay chiến đấu F-16 cất cánh khẩn cấp sau khi một chiếc máy bay chiến đấu IL-20 của Nga áp sát không phận của Thổ Nhĩ Kỳ từ phía Georgia và bay song song với bờ biển Đen. Máy bay của Nga phần lớn thời gian bay cách không phận của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng gần 30km.

Hiện tại, Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra lời bình luận gì về thông tin trên trong khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào về các vụ đánh chặn máy bay chiến đấu của cả Nga và Syria của Lực lượng Vũ trang nước này.

Đây không phải là lần đầu tiên chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu ở khu vực biên giới với máy bay quân sự Nga. Mới đây nhất, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một tuyên bố rằng, hai chiến đấu cơ F-16 của lực lượng này hôm 22/10 đã được cử đi ngăn chặn “nguy cơ xâm phạm” không phận Thổ Nhĩ Kỳ sau khi họ phát hiện một máy bay do thám Ilyushin II-20 của Nga đang bay song song với bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ. Máy bay Ilyushin Il-20 (Tên hiệu NATO là Coot-A) là máy bay do thám từ thời Liên Xô cũ, được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ tình báo.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy nửa tháng, đã có hai lần máy bay Thổ Nhĩ Kỳ và Nga “đối đầu” trên không. Đây là một diễn biến bất thường trong bối cảnh những vụ “đụng độ” trên không như thế này giữa máy bay hai nước là rất hiếm khi xảy ra.

Trong khi đó, những vụ việc “đối đầu” tương tự giữa chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thường xuyên xảy ra kể từ khi máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một trực thăng của Syria hồi tháng 9 mới đây ở gần Hatay trong một vụ việc mà Ankara miêu tả là một vụ xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ của máy bay Syria.

Chỉ cách đây 4 ngày, hai chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phải cất cánh đi đánh chặn một máy bay chiến đấu của Syria sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện chiếc máy bay này đang hướng tới khu vực biên giới của họ.

Thổ Nhĩ Kỳ và Syria từng là đồng minh thân thiết với nhau. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước láng giềng này bắt đầu rơi vào căng thẳng kể từ khi cuộc nổi dậy ở đất nước Syria nổ ra từ hồi tháng 3 năm 2011. Giới quan chức Thổ Nhĩ Kỳ liên tục bày tỏ sự ủng hộ đối với phe nổi dậy Syria và kêu gọi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad từ chức. Trong khi đó, Syria cũng tỏ thái độ tức giận với nước láng giềng, cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ che chở cho các chiến binh nổi dậy, đào tạo và cung cấp vũ khí cho họ chống lại chính quyền của ông Assad.

Sự căng thẳng giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang một cách đáng báo động sau sự kiện Damascus tuyên bố bắn hạ một máy bay chiến đấu của nước láng giềng hồi tháng 6 năm ngoái. Kể từ đó, khu vực biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên nóng bỏng vì các hoạt động triển khai vũ khí thị uy lẫn nhau cũng như những vụ "tên rơi đạn lạc" của Syria vào biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nhiều dân thường thương vong. Thổ Nhĩ Kỳ đã từng bắn đạn pháo đáp trả Syria.

Syria sắp trở thành “Afghanistan của Địa Trung Hải”

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul hôm qua đã lên tiếng cảnh báo, Syria có thể trở htanfh “một Afghanistan của Địa Trung Hải” nếu cộng đồng quốc tế không hành động để chấm dứt cuộc nội chiến ở đây.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Guardian của Anh trong chuyến thăm đến Edinburg, ông Gul đã miêu tả phản ứng của thế giới đối với cuộc khủng hoảng của Syria là “rất đáng thất vọng” và rằng phản ứng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là “một nỗi xấu hổ”.

Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, tình trạng thương vong ở Syria có thể tránh được rất nhiều nếu thế giới bên ngoài phản ứng mạnh mẽ và kiên quyết với hành động đàn áp người biểu tình của Tổng thống Bashar al-Assad. Ông Gul tin rằng, cuộc đàn áp đó đang có nguy cơ trở nên cực đoan hơn.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo, nước ông sẽ phản ứng “theo cách mạnh mẽ nhất có thể” nếu cuộc xung đột ở nước láng giềng Syria lan sang khu vực biên giới kéo dài 900km giữa hai nước. "Tuy nhiên, tôi xin nói rằng, đây không phải là một vấn đề song phương giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi không có bất kỳ cuộc xung đột nào với Syria nhưng khi... có sự thảm sát dân thường Syria, nó đang trở thành vấn đề của nhân loại, của tất cả chúng ta”, ông Gul đã nói như vậy.

Khoảng 200.000 người tị nạn hiện đang sống trong các lều trại ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Gul cho hay. Ông này cũng nói thêm rằng, “sự thờ ơ, lãnh đạm” của cộng đồng quốc tế đang tiếp tay cho chủ nghĩa cực đoan.

"Nếu tình hình vẫn diễn biến như thế này thì cuộc nội chiến ở Syria có thể dẫn tới tình trạng cực đoan hóa và một số phe nhóm trong cuộc nội chiến sẽ trở nên cực đoan hơn”, ông Gul nhấn mạnh.

"Tôi không nghĩ rằng bất kỳ ai có thể chịu đựng được một sự hiện diện giống như Afghanistan trên bờ biển Địa Trung Hải. Vì lý do đó, cộng đồng quốc tế cần phải có lập trường cứng rắn đối với Syria”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại