Cách điều vũ khí quái lạ của Nga ở Syria

Hòa Sơn |

Bất chấp việc Nga tuyên bố vũ khí triển khai tại Syria chỉ để đối phó IS nhưng phương Tây không tin và cho rằng, Moscow có động cơ khác.

Hệ thống S-400

Hãng RIA Novosti dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov ngày 26/11/2015 cho hay, hệ thống phòng không S-400 Triumf đã được chuyển đến Syria và bắt đầu trực chiến tại căn cứ không quân Hmeymim, tỉnh Latakia, Syria.

Trước khi S-400 chính thức hiện diện tại Syria, hồi đầu tháng 11/2015, đã xuất hiện đồn đoán cho rằng Nga đã triển khai tên lửa S-300 đến Syria.

Tuy nhiên, không cần phán đoán nữa bởi hiện nay Nga đã triển khai S-400 đến căn cứ Hmeymim thì việc S-300 hiện diện ở đây cũng là bình thường.

Hệ thống phòng không S-400 tại Syria.
Hệ thống phòng không S-400 tại Syria.

Các tổ hợp S-300 với tên lửa tầm xa 200km sẽ có khả năng giúp Nga vươn sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng gần 150km, còn S-400 là gần 350km. Bởi căn cứ Hmeymim ở tỉnh Latakia chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vẻn vẹn 30 dặm (chưa đầy 50km).

Việc điều động những hệ thống phòng không tối tân hàng đầu đến Syria được Nga thực hiện sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24, tuy giới chức Nga không hề đề cập đến một cuộc trả đũa quân sự nhưng Tổng thống Nga đã cho phép lực lượng phòng không Nga ở Syria bắn hạ bất cứ mục tiêu nào “gây nguy hiểm cho máy bay chiến đấu” của nước này.

Hiện vẫn chưa có lời giải thích về nội hàm của cụm từ “mục tiêu gây nguy hiểm cho máy bay chiến đấu” của Nga là như thế nào và chính sự mập mờ này đã khiến mọi sự trở nên rất nguy hiểm, bởi bất cứ máy bay nào lảng vảng gần máy bay Nga cũng có thể được xếp vào dạng mục tiêu này.

Máy bay A-50
Máy bay A-50

Máy bay AWACS A-50

Ngoài trường hợp của hệ thống phòng không S-400, máy bay AWACS A-50 đang khiến liên quân do Mỹ đứng đầu tấn nghi ngại về mục đích của Nga nhất.

Bởi sự có mặt của A-50 tại Syria sẽ tăng cường rất mạnh khả năng cảnh báo sớm trên không, tác chiến điện tử, chỉ huy tác chiến phi đội máy bay chiến đấu, đồng thời chỉ huy, điều phối các lực lượng trực chiến phòng không của cụm tác chiến phòng không-không quân hỗn hợp...

Theo quảng bá, máy bay A-50 có thể phát hiện máy bay ném bom ở khoảng cách 650 km, chiến đấu cơ cách xa 300 km và mục tiêu dưới mặt đất/mặt biển là 300 km, tên lửa hành trình ở khoảng cách 215 km và có thể theo dõi đồng thời tới 300 mục tiêu khác nhau...

Tính năng của A-50 được các chuyên gia quân sự đánh giá là không hề thua kém máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-3 “Sentry” của không quân Mỹ.

Cụ thể, trong nhiệm vụ chỉ huy trên không, A-50 có thể chỉ huy tác chiến tới 10 máy bay chiến đấu gồm nhiều loại khác nhau.

A-50 được trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu trên không.

Thiết bị vô tuyến điện và thiết bị tác chiến điện tử của máy bay có khả năng trinh sát, phát hiện và chế áp điện tử rất mạnh, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ tác chiến trong trường hợp địch gây nhiễu điện từ mạnh... những mục tiêu IS hoàn toàn không sở hữu.

Tiêm kích Su-30SM tại căn cứ Không quân Hmeymim của Nga ở Syria.
Tiêm kích Su-30SM tại căn cứ Không quân Hmeymim của Nga ở Syria.

Tiêm kích Su-30SM

Không chỉ có S-400 và máy bay A-50, phương Tây cũng đang nghi ngờ mục đích thực sự của Nga khi điều dàn tiêm kích thế hệ mới Su-30SM đến Syria.

Theo tờ Business Insider, ngoài nhiệm vụ hỗ trợ quân đội chính phủ Syria trong nhiệm vụ tấn công lực lượng Hồi giáo cực đoan IS như công bố (khả năng tấn công mặt đất), thì với khả năng cực mạnh trong cuộc đối đầu trên không của Su-30SM cho thấy một dụng ý khác của người Nga khi đưa dòng tiêm kích này đến Syria.

Business Insider dẫn tuyên bố của người đứng đầu Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu quân sự Không quân Nga, Thiếu tướng không quân Alexander Kharchevsky cho biết chiến đấu cơ Su-30SM sẽ giải quyết được những nhiệm vụ bất khả thi mà trước đây Không quân Nga không thể thực hiện được.

"Su-30SM được tăng cường khả năng chiến đấu, có thể phát hiện và tiêu diệt đồng thời nhiều mục tiêu khác nhau, điều mà ở những máy bay chiến đấu thế hệ trước không có được", Tướng Kharchevsky nói.

Những nhiệm vụ Su-30SM có thể thực hiện đang khiến phương Tây lo ngại bởi thực tế hiện nay, phiến quân IS không hề sở hữu lực lượng Không quân trong khi đó số lượng tiêm kích liên tiếp được Nga tăng số lượng tại Syria.

Theo trang Sputniknews, Nga hiện đang triển khai ở Syria xấp xỉ 30 chiếc Su-24M, 12 máy bay cường kích, tấn công mặt đất Su-25, bốn máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 và số lượng không xác định các tiêm kích đa năng Su-30SM.

Theo đó, số lượng Su-24 đã lớn gấp hơn 2 lần tính toán của phương Tây, khiến con số chiến đấu cơ Nga trên thực tế đã lên tới ít nhất là trên 50 chiếc.

Trước đó, vào thời điểm Moscow bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria (ngày 30/9/2015), các chuyên gia quân sự Nga cho biết, Bộ quốc phòng nước này sẽ tiếp tục triển khai 40-60 chiếc chiến đấu cơ Su-24, Su-25 và Su-30SM đến Syria, cùng với hai tiểu đoàn chiến đấu bảo vệ căn cứ.

Trên cơ sở đó, Nga sẽ hình thành các trung đoàn không quân hỗn hợp, gồm 2 phi đội máy bay tấn công mặt đất Su-25, một vài phi đội máy bay ném bom tiền tuyến (Su-24, Su-34) và 1-2 phi đội không quân tiêm kích (Su-30SM và các máy bay khác).

Theo thông tin này, các chuyên gia quân sự dự đoán, Nga sẽ phải điều động tới gần 100 chiếc đấu cơ đến Syria, con số máy bay thực tế sẽ không ngừng tăng lên. Và có vẻ như dự đoán này đã bắt đầu đúng.

Video tiêm kích Su-30SM dũng mãnh tại Syria:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại