Biển Đông: Vì sao tàu TQ táo tợn chặn đầu tuần dương hạm Mỹ?

Theo các nhà phân tích, hành động của TQ không chỉ đơn thuần là nhằm đáp trả việc Mỹ đưa máy bay ném bom B-52 vào thách thức Vùng phòng không mới được thành lập của Bắc Kinh.

Tàu tuần dương tên lửa USS Cowpers đã phải bẻ ngoặt tay lái để tránh tàu hải quân TQ ở vùng lãnh hải quốc tế hồi đầu tháng này. Người ta đang tự hỏi Bắc Kinh muốn phát đi thông điệp gì với siêu cường số 1 thế giới qua hành động thách thức đầy táo bạo nói trên?

Ảnh minh họa
Tàu USS Cowpens của Hải quân Mỹ đã bị tàu chiến Trung Quốc thách thức ở Biển Đông

Theo giới chức quốc phòng Mỹ, vụ đối đầu giữa tàu chiến hai nước Trung-Mỹ xảy ra hôm 5/12 khi tàu tên lửa USS Cowpens của Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ giám sát tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ở vùng lãnh hải quốc tế.

Một trong hai tàu đổ bộ nhỏ đang hộ tống tàu sân bay của Trung Quốc đã áp sát tàu tên lửa USS Cowpens của Mỹ. Ban đầu, tàu Trung Quốc hú còi để ra lệnh cho tàu USS Cowpens rời khu vực. Sau đó, trong một bước táo tợn và thách thức hơn, tàu của Trung Quốc xông ra ngay mũi tàu tên lửa của Mỹ để tìm cách chặn đường đi của con tàu này.

Tàu của Hải quân Trung Quốc đã tiếp cận sát tàu tên lửa Mỹ đến mức chỉ còn vài trăm mét. Đây là khoảng cách đủ gần để các thủy thủ trên tàu tên lửa USS Cowpens buộc phải bẻ ngoặt tay lái để tránh một cuộc đụng độ nguy hiểm.

Vụ việc trên đã khiến khu vực Biển Đông thêm một lần nữa “dậy sóng” căng thẳng. Giới phân tích đang đặt câu hỏi không rõ Bắc Kinh muốn phát đi thông điệp gì, hay muốn chứng minh gì qua động thái thách thức đầy quyết liệt với tàu chiến của Mỹ nói trên.

Một số nhà phân tích tin rằng, hành động chặn đầu tàu tên lửa của Mỹ là một phản ứng đáp trả của Trung Quốc sau vụ việc siêu cường số 1 thế giới đưa máy bay ném bom B-52 vào thách thức vùng phòng không mới được thành lập của Bắc Kinh.

Vụ đối đầu nguy hiểm giữa tàu chiến hai nước Mỹ-Trung xảy ra chỉ một thời gian ngắn sau khi Bắc Kinh bất ngờ thông báo thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không biển Hoa Đông. Trung Quốc tuyên bố, máy bay các nước bay vào khu vực này phải tuân theo các quy định mà họ đặt ra, nếu không sẽ phải đối mặt với những biện pháp an ninh khẩn cấp. Bước đi này của Trung Quốc đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc bởi vùng phòng không của Trung Quốc bao phủ cả những khu vực đang nằm trong tranh chấp. Nhiều nước khác trong khu vực cũng bày tỏ sự quan ngại trước việc Trung Quốc lập vùng phòng không ở biển Hoa Đông. Người ta tin rằng, thực chất hành động của Trung Quốc nằm trong chiến lược lâu dài của nước này nhằm xác lập chủ quyền ở những khu vực tranh chấp và sớm hay muộn, Trung Quốc cũng sẽ lập một vùng phòng không tương tự ở Biển Đông.

Trong một động thái thể hiện sự phản đối và kiên quyết không thừa nhận vùng phòng không của Trung Quốc, Mỹ đã đưa hai chiếc máy bay ném bom B-52 của mình bay vào khu vực này mà không tuân theo các quy định Bắc Kinh đưa ra trước đó. Giới phân tích nhận định, đây là hành động thách thức công khai và thẳng thừng phủ nhận của Mỹ đối với vùng phòng không của Trung Quốc. Sau Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có hành động tương tự, đưa máy bay quân sự và kể cả tập trận ở đây để khẳng định quyết tâm không thừa nhận vùng phòng không của Trung Quốc.

Việc máy bay quân sự các nước nghễu nghện bay vào vùng phòng không của Trung Quốc mà không vấp phải phản ứng gì từ phía Bắc Kinh như lời tuyên bố ban đầu của nước này đã đẩy Bắc Kinh vào tình thế có phần “muối mặt”.

Sau vụ việc trên, tàu Trung Quốc đã có cuộc đối đầu đầy nguy hiểm với tàu Mỹ ở vùng lãnh hải quốc tế. Diễn biến này được cho là hành động đáp trả của Bắc Kinh đối với sự thách thức trước đó của Mỹ.

Trung Quốc thẳng thừng cảnh báo Mỹ?

Mặc dù giới chức Mỹ xác nhận về vụ Trung Quốc chặn đầu tàu tên lửa của họ nhưng nước này vẫn tìm cách nói giảm nhẹ về vụ việc. Hải quân Mỹ cho rằng, những vụ việc như này giữa tàu hai nước thường xuyên xảy ra ở Thái Bình Dương nên mọi người cũng không nên “làm quá” lên về diễn biến đó.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, đằng sau động thái thách thức của Trung Quốc còn hàm chứa một thông điệp lớn hơn ngoài sự đáp trả đơn thuần đối với hành động trước đó của Mỹ. Bắc Kinh có vẻ muốn cảnh báo với Washington rằng, siêu cường số 1 thế giới từ giờ sẽ không còn cảm thấy thoải mái khi lượn lờ ở khu vực lãnh hải Tây Thái Bình Dương.

Trung Quốc đang cố gắng tìm cách phát đi thông điệp rõ ràng rằng, nếu Mỹ muốn hoạt động ở vùng lãnh hải đó thì nước này hãy chuẩn bị sẵn sàng hoạt động dưới sự căng thẳng cao độ. Nếu Mỹ muốn tránh căng thẳng thì rất đơn giản – hãy rời đi”, ông Dean Cheng – một nhà nghiên cứu cấp cao về các vấn đề chính trị và an ninh của Trung Quốc ở Heritage Foundation, nhận định.

Người ta tin rằng, hành động chặn đầu tàu tên lửa Mỹ của phía tàu Trung Quốc là “cố tình để dọa dẫm”, ông Cheng nói thêm.

Có vẻ như sau khi dồn sức tăng cường sức mạnh quân sự trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã đủ tự tin để sẵn sàng thách thức các cường quốc ở khu vực mà Bắc Kinh tin là nằm trong ảnh hưởng của họ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại