Bí mật về sự ra đời của tiêm kích bom Hải quân Nga

Quang Minh |

(Soha.vn) - Ngày nay sau gần 40 năm phục vụ, Su-24 vẫn giữ vai trò máy bay ném bom tiền tuyến nòng cốt của Quân đội Nga khi loại Su-34 mới hơn chỉ được sản xuất với số lượng rất ít

Cuộc đua giữa hai cường quốc

Chiến đấu cơ Sukhoi Su-24 Fencer là câu trả lời của Liên Xô dành cho loại máy bay F-111 Aardvark của Mỹ, với những điểm mới từ thiết kế “cánh cụp-cánh xòe” khá lạ lẫm vào thời kỳ đó. Ngày nay sau gần 40 năm phục vụ, Su-24 vẫn giữ vai trò máy bay ném bom tiền tuyến nòng cốt của Quân đội Nga khi loại Su-34 mới hơn chỉ được sản xuất với số lượng rất ít.

Su-24 đã tham gia mọi cuộc chiến tranh của Liên Xô - Nga từ khi ra đời đến nay, đó là chiến tranh Afghanistan, cuộc chiến ở Chechnya hay cuộc xung đột với Gruzia năm 2008. Tổng cộng có khoảng 1.400 chiếc Su-24 đã được sản xuất.

Su-24 với đôi cánh xòe ra

Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, Sukhoi là cục thiết kế có tên tuổi của Liên Xô nhưng vào thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh, những sản phẩm của MiG lại được nhiều người biết đến hơn. Mặc dù vậy hãng Sukhoi cũng có mẫu máy bay Su-7 Fitter được chấp thuận năm 1959, biên chế cho lực lượng không quân tiền phương - một thành phần chiến thuật của Không quân Liên Xô. Máy bay Su-7 lúc đầu được thiết kế với nhiệm vụ không chiến làm chủ bầu trời, còn phiên bản Su-7B cường kích được giới thiệu sau đó vào năm 1961.

Nhưng đồng thời, Quân đội Liên Xô cũng đưa ra một yêu cầu đi kèm với việc tiếp nhận Su-7 là Cục thiết kế Sukhoi phải phát triển một loại máy bay chiến đấu có thể tác chiến trong mọi thời tiết, tích hợp hệ thống điều hướng/tấn công mới có tên gọi “Puma”. Vì vậy hãng Sukhoi đã bắt tay vào nghiên cứu chiến đấu cơ có thể tác chiến cả ngày lẫn đêm dựa trên khung thân Su-7, nhưng họ nhanh chóng nhận ra rằng khung thân này không thích hợp để tích hợp thêm các thiết bị điện tử, vũ khí mới. Do đó một giải pháp khác đã được đưa ra (!)

Nhưng trước hết chúng ta hãy quay lại hoàn cảnh thời điểm đó, mặc dù dòng máy bay Fitter đi vào hoạt động đã giúp tăng cường đáng kể sức mạnh cho Không quân Liên Xô nhưng họ vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng cho một loại máy bay ném bom chiến thuật tầm xa. Trong kho của Quân đội Liên Xô lúc đó có loại máy bay ném bom IL-28 cũ kỹ ra mắt từ năm 1950, và loại Yak-28 Bewer bay lần đầu tiên năm 1958, đi vào biên chế năm 1960 có tiềm năng trở thành đáp án của câu hỏi máy bay cường kích thế hệ mới.

Su-24 với đôi cánh đang cụp lại

Nhưng thực tế sử dụng Yak-28 nhanh chóng chỉ ra rằng loại máy bay này có tầm hoạt động ngắn và tải trọng vũ khí mang theo không nhiều, hai yếu tố quyết định ảnh hưởng đến sự thành công của một loại máy bay cường kích của thời Chiến tranh Lạnh. Thêm nữa khả năng sử dụng vũ khí chính xác cao lẫn vũ khí mang theo kém đa dạng cũng khiến Yak-28 không phải là câu trả lời đích thực cho mong muốn của Không quân Liên Xô, mặc dù đã có khoảng vài trăm chiếc được sản xuất.

Người Mỹ đang vượt lên

Trong khi có vẻ chậm bước thì Liên Xô cũng không thể nào không nhìn sang sự phát triển vượt bậc của người Mỹ, khi loại chiến đấu cơ hai động cơ, cánh cụp-cánh xòe F-111 Aardvark cực kỳ tối tân ra mắt vào năm 1967. F-111 trở thành người tiên phong trong cuộc đua công nghệ lúc bấy giờ với rađa hỗ trợ bay bám địa hình, cánh cụp-xòe tùy biến hỗ trợ bay tốc độ cao lẫn tốc độ thấp, động cơ phản lực cánh quạt đẩy hiện đại…

Vào thời điểm đó, thiết kế cánh cụp-cánh xòe mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng cũng không hề đơn giản, thực tế sau này cũng chỉ có một số mẫu máy bay mang thiết kế cánh cụp-cánh xòe như F-14, Tornado, B-1B Lancer hay Tu-160 Blackjack. Rađa bay bám địa hình giúp máy bay bay với tốc độ siêu âm ở độ cao cực thấp để “trốn” sóng rađa quét và công kích mục tiêu với độ chính xác cao. Mặc dù còn một số nhược điểm nhưng ưu thế của loại máy bay mới vào biên chế này của Mỹ là quá rõ ràng, nó vượt trội mọi máy bay Liên Xô cùng phân khúc lúc đó.

F-111 Aardvark của Mỹ

Trở lại với Sukhoi, các kỹ sư bắt tay vào công việc thiết kế mẫu máy bay mới theo yêu cầu của quân đội. Lúc đầu họ không sử dụng ý tưởng cánh cụp-cánh xòe mà nghĩ đến cánh delta với mẫu thiết kế S-6, sử dụng động cơ Tumansky R-21 F-300, 2 phi công sẽ ngồi nối tiếp nhau giúp làm “thon” máy bay, tuy nhiên thiết kế này có nhiều hạn chế nên nhanh chóng đi vào dĩ vãng.

Câu trả lời của Liên Xô

Năm 1964, Sukhoi dựa trên loại máy bay đánh chặn Su-15 phát triển mẫu thử nghiệm S-58VD, mẫu thử nghiệm này có thiết kế 2 phi công ngồi cạnh nhau, rađa to hơn đặt ở mũi, nhìn bề ngoài nó như một chiếc Su-15 phóng to. Lúc này quân đội Liên Xô yêu cầu thiết kế máy bay phải có khả năng “cất hạ cánh ngắn” nên S058VD ngoài 2 động cơ chính còn có 4 động cơ nhỏ Kolesov RD 36-35 đặt ở giữa thân hỗ trợ việc này. Mẫu thử nghiệm S-58VD được đặt tên chính thức là T-6 vào năm 1965.

Thiết kế S-58VD về sau như một phòng thí nghiệm bay, thu thập dữ liệu về tính năng “cất hạ cánh ngắn” từ năm 1966 - 1969, nhưng kết quả thu được cho thấy sự kém hiệu quả và làm giảm tầm hoạt động của khả năng “cất hạ cánh ngắn”. Còn mẫu thử nghiệm T-6 sau những hạn chế của việc lắp động cơ phụ, nó đã được thiết kế lại thành T-6-1 không sử dụng động cơ phụ nữa, động cơ chính về sau là series AL-21F của hãng Lyulka. Tuy nhiên Không quân Liên Xô, muốn một thiết kế khác T-6-1, họ bị ấn tượng bởi sự ra mắt hoành tráng của F-111 với khả năng bay cực thấp và cánh cụp-cánh xòe tại triển lãm Paris Air Show năm 1967. Hãng Sukhoi đã quyết định chuyển hướng sang thiết kế cánh cụp-xòe cho mẫu T-6.

Thiết kế khá hầm hố của Su-24

Công việc với mẫu biến thể T-6 mới được bắt đầu từ tháng 8/1968, kết quả là sản xuất ra mẫu T6-2I. Mẫu T-6-2I về cơ bản dựa trên khung thân T-6-1 để áp dụng cơ chế cánh mới đồng thời bỏ các động cơ đẩy phụ. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên bắt đầu vào tháng 1/1970 và đến cuối năm, Không quân Liên Xô tỏ ra rất vui mừng khi đã tìm được người kế vị IL-28, họ nhanh chóng ra lệnh sản xuất loại máy bay mới với tên gọi Su-24 Fencer.

(Còn tiếp)

Máy bay cường kích Sukhoi Su-24

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại