Báo Trung Quốc: Israel, Slovenia giúp Việt Nam nâng cấp xe tăng

"Việt Nam hiện có 1.200 xe tăng và có kế hoạch nâng cấp 300 xe tăng dưới sự giúp đỡ của Israel và Slovenia".

Xe tăng Việt Nam

Ngày 20/5, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn mạng quan sát quân sự Nga đưa tin, hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu xe tăng T-54/55/59 có số lượng nhiều nhất.

Theo thống kê, lực lượng xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam sở hữu trên 1.200 chiếc xe tăng loại này, phần lớn trong số đó đã từng phục vụ trong Chiến tranh Việt Nam. Nhưng, hiện nay, công nghệ của những chiếc xe tăng này đã lỗi thời.

Báo GDVN cho biết, bài viết cho rằng, "sau khi giành được 1 lô 70 chiếc xe tăng T-67, tình hình lực lượng xe tăng của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện".

Vì vậy, Việt Nam buộc phải mua trang bị bọc thép mới hoặc nâng cấp xe tăng hiện có. Sau khi tính toán tất cả các phương án, Việt Nam đã lựa chọn phương án của Israel-Slovenia.

Được biết, Slovenia từng dựa vào sự hỗ trợ của Israel, nâng cấp xe tăng T-55 Nam Tư hiện có của họ, loại này rất giống với xe tăng T-55M3 của Việt Nam. Dự kiến, Việt Nam sẽ nâng cấp 300 chiếc xe tăng.

Trước đó, các tờ báo Trung Quốc cũng xôn xao trước thông tin Việt Nam mua 6 máy bay tuần tra trên biển P-3C Orion của Mỹ và Nhật cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam.

Ngày 4/5, Báo Phương Đông của Trung Quốc dẫn nguồn tin từ trang mạng “Jane’s Defense Weekly” có bài viết dẫn lời một quan chức cấp cao của hãng Lockheed Martin tiết lộ, Việt Nam có kế hoạch đề nghị với Chính phủ Mỹ mua 6 máy bay tuần tra trên biển P-3C Orion. Thông tin này vừa xuất hiện đã gây sự chú ý cho các phương tiện truyền thông quốc tế.

Theo báo Phương Đông của Trung Quốc đánh giá: “Bất kể dùng để bảo vệ chủ quyền trên biển Đông hay dùng để phòng thủ, máy bay tuần tra săn ngầm P-3C sẽ đem lại cho Việt Nam một bước nhảy “từ không đến có””.

Tờ Phương Đông bình luận rằng, “với tính chất là một sách lược quan trọng của ngoại giao Việt Nam, mua máy bay tuần tra săn ngầm P-3C cũ một mặt có thể cải thiện quan hệ với Mỹ, mặt khác có thể có được giá trị tiềm năng – sở hữu hệ thống điện tử tiên tiến của Mỹ; đồng thời còn có thể phòng thủ biển Đông…”

Ngày 8/5, tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc dẫn nguồn tin từ báo Sankei của Nhật cho biết Chính phủ Nhật Bản ngày 7/5 hé lộ rằng, trong hội nghị về an ninh biển giữa Nhật Bản với Việt Nam diễn ra tháng này, Nhật Bản sẽ đề nghị chính phủ Việt Nam nên tách lực lượng Cảnh sát biển ra khỏi biên chế Bộ Quốc phòng thành lực lượng độc lập. Làm như vậy tạo điều kiện để Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, tăng cường hiệu quả hợp tác Nhật - Việt trong lĩnh vực đảm bảo an ninh ở Biển Đông, nhằm đối phó với Trung Quốc.

Hoàn Cầu nhận xét, việc Nhật Bản đề nghị một nước khác thay đổi cơ cấu, biên chế của lực lượng Cảnh sát biển là động thái hiếm gặp.

Báo này dẫn Sankei cho rằng, sở dĩ Nhật Bản đưa ra đề xuất trên vì Nhật Bản không thể cung cấp tàu tuần tra cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thông qua kênh ODA, vì luật pháp hiện hành của Nhật Bản không cho phép viện trợ ODA cho các tổ chức quân sự, trong khi về cơ cấu tổ chức, Cảnh sát biển Việt Nam thuộc biên chế của Bộ Quốc phòng.

Hoàn Cầu kết luận, Nhật đang ráo riết vận động một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á bao vây Trung Quốc, bất chấp một thực tế chính họ mới là nước liên tục có động thái leo thang gây căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại