Ấn Độ trình diễn 'siêu pháo hạm bay' Mk.IV Rudra

Tại triển lãm quốc phòng quốc tế năm 2013, Ấn Độ đã lần đầu tiên trình diễn “siêu pháo hạm bay” Mk.IV Rudra do chính họ nghiên cứu, chế tạo.

Mk.IV Rudra với tính năng kỹ, chiến thuật vượt trội đã ngay lập tức thu hút sự chú của giới quân sự quốc tế. Đây là loại trực thăng tấn công hạng nhẹ kiểu mới do Tập đoàn Công nghiệp hàng không Hindustan Aeronautics Ltd (HAL) của Ấn Độ nghiên cứu, chế tạo với tiêu chí có thể đảm nhiệm cho nhiều nhiệm vụ bao gồm cả trinh sát, chiến đấu chống tăng, vận tải và hỗ trợ trên không.

Ấn Độ trình diễn 'siêu pháo hạm bay' Mk.IV Rudra
Trực thăng Rudra bay trình diễn

Vật liệu chính chế tạo thân vỏ của Rudra là loại sợi carbon và composite, tạo cho máy bay có được trọng lượng nhẹ và dễ cơ động hơn so với nhiều loại trực thăng khác. Hai động cơ gắn phía trên của cabin và được liên kết với một cánh quạt bốn lá.

Rudra có chiều dài 15.8m, đường kính cánh quạt chính 13.2m và tổng chiều cao 4,9 m. Trọng lượng tối đa cất cánh của Rudra là 5.500 kg và nó có thể mang tải trọng tới 2.600 kg; tốc độ bay liên tục tối đa 270km/h; bay ở độ cao 6.000 m, đồng thời có thể nâng độ cao với tốc độ 10.3m/s, tầm hoạt động là 660km.

Khoang cabin của Rudra được bảo vệ bằng giáp Kevlar và vật liệu sợi carbon. Các thiết bị tiên tiến trang bị cho khoang và phi công bao gồm: màn hình đa chức năng MFD lớn và kính hiển thị mục tiêu trên mũ phi công. Hỗ trợ với nó là bộ cảm biến đa năng COMPASS kết hợp camera ảnh nhiệt do Isreal phát triển được treo phía trên phần mũi của trực thăng. Hệ thống cảm biến này chủ yếu đảm nhận nhiệm vụ trinh sát và phát hiện sớm mục tiêu.

Ngoài ra, trong hệ thống điều khiển còn có thêm 3 thiết bị laser để xác định khoảng cách, tổng hợp các thông số và điều khiển hỏa lực để tấn công mục tiêu.

Ưu điểm nổi bật của trực thăng Rudra là tích hợp được một hệ thống vũ khí tấn công khá đa dạng, bao gồm: pháo 20mm Nexter M621 được gắn ở dưới mũi; 4 giá treo rocket 70mm (mỗi giá treo mang được 12 rocket) và 4 tên lửa không đối không tầm ngắn MBDA Mistral.

Rudra cũng có thể mang được tới 8 tên lửa chống tăng NAG (biến thể trang bị trên trực thăng) cũng do chính Ấn Độ tự phát triển. Các tên lửa này được đánh giá là hiệu quả khi nó được triển khai cho Rudra để phá hủy các xe tăng chiến đấu trên mặt đất.

Để nâng cao khả năng tiêu diệt các xe bọc thép tiên tiến, Rudra còn được trang bị tên lửa chống tăng, như PARS 3LR của Đức hoặc Spike ER của Isreal.

Rudra cũng được tích hợp một hệ thống phòng thủ tên lửa IDAS-3 của Thụy Điển, giúp phi công nhận biết các tên lửa tiến công của đối phương để cơ động né tránh, đánh trả hoặc thả mồi bẫy nhiệt.

Ấn Độ trình diễn 'siêu pháo hạm bay' Mk.IV Rudra
Máy bay trực thăng tiên tiến hạng nhẹ Mk-IV Rudra
Ấn Độ trình diễn 'siêu pháo hạm bay' Mk.IV Rudra
Cận cảnh trực thăng Rudra
Ấn Độ trình diễn 'siêu pháo hạm bay' Mk.IV Rudra
Cabin và các trang thiết bị điện tử.

Tờ The Times of India cho biết, Ấn Độ đã chính thức cho ra lò đợt đầu tiên gồm 60 chiếc Rudra có vũ trang và giao cho lực lượng Lục quân nước này.

Theo các chuyên gia quân sự, với khả năng tích hợp trang bị hỏa lực đa năng cực mạnh, trực thăng Rudra của Ấn Độ có tính năng giống như một “pháo hạm bay” và sẽ là “sát thủ” diệt xe tăng, xe bọc thép trên chiến trường.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại