2 trung tâm huấn luyện đặc biệt của chuyên gia tên lửa Liên Xô ở Việt Nam

Thiên Minh |

Việc huấn luyện cho bộ đội phòng không Việt Nam được thực hiện theo phương châm gấp rút, với nguyên tắc “hãy làm theo tôi” để trong thời gian 3 tháng là có thể ra chiến đấu được.

Tiết lộ về đoàn tàu tuyệt mật đưa "rồng lửa" SA-75M về Hà Nội

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, bên cạnh việc giúp đỡ về vũ khí, trang thiết bị quân sự, Liên Xô còn hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong việc đào tạo lực lượng. Đặc biệt, đoàn chuyên gia Liên Xô đã đóng góp đáng kể trong hoàn thiện kỹ thuật, chiến thuật phòng không, bảo đảm kỹ thuật, cải tiến và hoàn thiện những tổ hợp tên lửa nhằm giúp ta đối phó với chiến thuật gây nhiễu điện tử của địch.

Hàng nghìn sĩ quan, chiến sĩ, bác sĩ và kỹ thuật viên Liên Xô đã tình nguyện rời xa đất nước hòa bình, no đủ, đến giúp đỡ Việt Nam trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn và nguy hiểm của thời chiến. Có những người đã đổ máu và hy sinh trên trận địa ở Việt Nam.

Sau khi cung cấp các tổ hợp tên lửa SA-75M, nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên được cử đến Hà Nội với nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất giúp Việt Nam xây dựng, huấn luyện những đơn vị tên lửa phòng không đầu tiên. Những chuyên gia này được lựa chọn từ những kỹ thuật viên, kíp chiến đấu, sĩ quan chỉ huy ưu tú và kinh nghiệm nhất theo tinh thần "Tự nguyện".

Song song với việc đào tạo bộ đội tên lửa ở Việt Nam, tại Liên bang Xô Viết, những trung tâm huấn luyện đặc biệt cũng được thành lập. Theo báo Quân đội nhân dân, trong thời kỳ 1966-1967, những trung tâm này đã đào tạo cho Việt Nam 5 trung đoàn tên lửa (gần 3.000 người).

"Hãy làm theo tôi"

Việc huấn luyện, đào tạo bộ đội tên lửa phòng không tại Việt Nam được tiến hành tại hai trung tâm huấn luyện.

Trung tâm huấn luyện số 1, do các sĩ quan và binh sĩ của Binh chủng Tên lửa phòng không thuộc Quân khu Mátxcơva phụ trách. Trung tâm này được các chuyên gia Liên Xô gọi là “Mátxcốpski” và các học viên của Trung tâm là Trung đoàn tên lửa phòng không số 1 của Việt Nam, mang phiên hiệu 236.

Trung tâm huấn luyện số 2 do các sĩ quan và binh sĩ của Binh chủng Tên lửa phòng không thuộc Quân khu Ba Cu (nước cộng hòa Azerbaigian) phụ trách. Trung tâm này được gọi là “Bakhinski”. Các học viên của trung tâm là Trung đoàn tên lửa phòng không số 2 của Việt Nam mang phiên hiệu 238.

Nhân dân tới thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 61 (Trung đoàn 236). Ảnh: Báo Bắc Ninh

Nhân dân tới thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 61 (Trung đoàn 236). Ảnh: Báo Bắc Ninh

Đại tá M.N. Xưganốp – Chỉ huy trưởng trung tâm huấn luyện “Mátxcốpski” đã có những nhận xét về Trung đoàn tên lửa phòng không 236 như sau: “Trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập gồm các chiến sĩ có trình độ lớp 10 trở lên, đa số là những sinh viên đã tốt nghiệp hoặc đang học các trường đại học.

Các sĩ quan cấp Tiểu đoàn trưởng trở lên đều đã tốt nghiệp các học viện tên lửa phòng không của Liên Xô, có những người đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trong trung đoàn pháo cao xạ đánh máy bay của thực dân Pháp. Nói chung đây là những người có trình độ văn hóa, cho nên có nhiều thuận lợi cho việc huấn luyện để họ nhanh chóng nắm được kỹ thuật tên lửa phòng không.

Việc huấn luyện cho bộ đội Việt Nam được thực hiện theo phương châm gấp rút, với nguyên tắc “hãy làm theo tôi” để trong thời gian 3 tháng là có thể ra chiến đấu được.

Những khó khăn

Đại tá M.N. Xưganốp cho biết, số vốn tiếng Nga của các học viên Việt Nam chưa đủ để có thể nghe chuyên gia giảng bài, nên phải qua các phiên dịch. Tuy nhiên, bản thân các phiên dịch cũng hết sức lúng túng khi dịch các từ chuyên môn. Có những bài giảng về việc điều khiển và sử dụng các thiết bị trong cabin điều khiển thì đích thân các Tiểu đoàn trưởng – những người đã tốt nghiệp các học viện ở Liên Xô trực tiếp làm phiên dịch cho chiến sĩ của mình.

Về khẩu phần ăn cho các học viên, theo đại tá Xưgancốp, là "rất đạm bạc".

"Bữa ăn hàng ngày có một tô cơm, đĩa rau xào hoặc luộc, đĩa có mấy miếng thịt hoặc một ít cá kho và một bát canh hoặc nước rau luộc có dầm một số quả để tạo vị chua (sau này hỏi phiên dịch tôi được biết là quả sấu và quả me) và cuối cùng là cốc nước chè xanh truyền thống…" - Đại tá Xưgancốp nói.

Thời gian biểu hàng ngày, Trung tâm quy định 5 giờ sáng kẻng đánh thức; 5 giờ 30: ăn sáng; đúng 6 giờ lên lớp (học lý thuyết hoặc ra thực hành trên các bộ khí tài); đến 12 giờ nghỉ ăn trưa; chiều từ 14 giờ đến 17 giờ 30 tiếp tục học; 18 giờ ăn chiều; từ 20 giờ đến 22 giờ tự học.

Đại tá V.M. Conxtantinốp – chuyên gia dạy về điều khiển tên lửa nhớ lại: “Các học viên Việt Nam phải chịu một cường độ làm việc rất lớn. Thời gian huấn luyện lúc đầu định ra là 4 tháng, nhưng Mỹ ngày càng hoành hành dữ dội, họ cần phải nhanh chóng ra trận để trừng trị chúng, nên chương trình rút xuống còn 3 tháng và cuối cùng chỉ còn 2 tháng rưỡi. Với chương trình này, bản thân tôi khi học phải mất 1 năm.

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thân giao nhiệm vụ chiến đấu trên sa bàn cho kíp chiến đấu Tiểu đoàn 63 (Trung đoàn 236) tháng 5-1967 tại trận địa Chèm (Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Quân đội Nhân dân

Phương pháp dạy và học của thầy trò chúng tôi hồi đó là: “Hãy làm theo tôi”. Lúc đầu, thầy ngồi trực tiếp thao tác ở bảng điều khiển, trò ngồi bên cạnh theo dõi, quan sát các động tác của thầy. Sau đó trò được trực tiếp ngồi thao tác, còn thầy ngồi sau lưng để kiểm tra, uốn nắn và giảng giải lại cho trò.

Không để máy bay Mỹ hàng ngày tự do bay lượn trên bầu trời để ném bom, bắn phá các mục tiêu do chúng tự chọn mà lại không bị trừng phạt đích đáng, có lẽ điều đó đã động viên thúc đẩy các học viên Việt Nam miệt mài học tập. Nói một cách không cường điệu chút nào là họ “lăn” vào học, học ngày, học đêm với tinh thần ham hiểu biết để nhanh chóng nắm vững các nguyên lý kỹ thuật cơ bản của bộ tên lửa phòng không SA-75M. Họ động viên nhau, giúp đỡ nhau học, người hiểu vấn đề nhanh giúp người chậm hiểu”.

Với sự hướng dẫn tận tình của các chuyên gia Liên Xô, chỉ sau 2 tháng rưỡi huấn luyện, tên lửa SA-75M đã có trận đánh đầu tiên vào ngày 24/7/1965. Trong những trận đánh đầu tiên này, các chuyên gia Liên Xô trực tiếp vận hành cùng với các kíp chiến đấu của bộ đội tên lửa Việt Nam.

Đối với các chuyên gia - giáo viên Liên Xô của Trung Đoàn tên lửa 236; ngày 24/7/1965 là ngày lịch sử. Đây là lần đầu tiên, những quả đạn tên lửa V750 trong bộ khí tài tên lửa phòng không SA-75M ở thế hệ đầu chưa một lần qua thực nghiệm chiến đấu được đưa ra trận.

Cảm xúc mạnh mẽ trong ngày lịch sử ấy đã được một vài chuyên gia Liên Xô hồi tưởng lại.

Mời quý độc giả đọc bài tiếp theo: Trận đánh đầu tiên của “Rồng lửa Thăng Long” qua lời chuyên gia Liên Xô

*Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn "Vòng cung lửa trên bầu trời Hà Nội" của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, do Đại tá Lê Văn Chung sưu tầm và biên soạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại