Kỳ lạ chuyện quân hàm của Quốc Dân đảng (Trung Quốc): Đứa trẻ 12 tuổi được phong đại tá

Hữu Hiển |

Hệ thống cấp bậc quân hàm của Quốc Dân đảng ở Trung Quốc được tổ chức lại vào năm 1935, chia thành 6 cấp 18 bậc.

Theo blogger Fushuo Lishi chuyên về lịch sử đang có 51.000 người theo dõi trên trang Baidu (Trung Quốc), hiện vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng thượng tướng được quân Quốc Dân đảng phong tặng trước năm 1935. 

Sau khi quân Quốc Dân đảng chạy sang đảo Đài Loan vào năm 1949, họ liên tiếp thăng chức và phong tặng nhiều thượng tướng.

Kỳ lạ chuyện quân hàm của Quốc Dân đảng (Trung Quốc): Đứa trẻ 12 tuổi được phong đại tá - Ảnh 1.

Hệ thống cấp bậc quân hàm của Quốc Dân đảng (Trung Quốc) được tổ chức lại vào năm 1935, chia thành 6 cấp 18 bậc. Ảnh minh họa

Hệ thống quân hàm kỳ lạ của Quốc Dân đảng

Theo blogger Fushuo Lishi, sau khi Chính phủ Quốc dân Trung Hoa Dân quốc - do Quốc Dân đảng thành lập - ban hành "Danh sách cấp bậc sĩ quan, cộng sự và binh sĩ quân đội" vào năm 1931, hệ thống cấp bậc quân hàm của Quốc Dân đảng phải đối mặt với một loạt vấn đề.

Các cơ quan thực hiện chế độ quân hàm chưa thống nhất, thẩm quyền phong thưởng sĩ quan quân đội rất lớn. Điều này đã dẫn đến một số tình huống bất hợp lý.

Ví dụ, Mã Bộ Phương - quân phiệt vùng Tây Bắc Trung Quốc - đã bổ nhiệm đứa con trai 12 tuổi của mình làm tham mưu trưởng, mang quân hàm đại tá, thậm chí còn nhận được lệnh chính thức và thư bổ nhiệm. Sau khi báo cáo với Cục Chính trị và Quân sự Trung ương ở Nam Kinh, cấp bậc quân hàm đáng kinh ngạc này đã thực sự được công nhận.

Ngoài ra, nhiều quân phiệt địa phương thậm chí còn kiểm soát hàng chục nghìn quân và tự xưng là thượng tướng. Vào thời điểm đó, mối quan hệ giữa quân hàm và chức vụ rất khó hiểu, các chỉ huy quân sự dễ dàng được phong quân hàm thượng tướng.

Tưởng Giới Thạch từng có bài phát biểu vào năm 1933, chỉ ra rằng hiệu quả chiến đấu của quân Quốc Dân đảng tương đối yếu, nhưng số lượng tướng lĩnh lại rất đông, số lượng thượng tướng nhiều không kể xiết. Tình hình này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh chung mà còn thách thức hiệu quả chiến đấu của quân đội. Vì vậy, Chính phủ Quốc dân Trung Hoa Dân quốc quyết định đánh giá lại cấp bậc quân hàm nhằm khắc phục tình trạng hỗn loạn về quân hàm.

Kỳ lạ chuyện quân hàm của Quốc Dân đảng (Trung Quốc): Đứa trẻ 12 tuổi được phong đại tá - Ảnh 2.

Hiệu quả chiến đấu của quân Quốc Dân đảng tương đối yếu, nhưng số lượng tướng lĩnh lại rất đông. Ảnh: Baidu

Chỉnh đốn hệ thống quân hàm của Quốc Dân đảng

Theo blogger Fushuo Lishi, do sự hỗn loạn trong hệ thống quân hàm, chính phủ của Quốc Dân đảng đã quyết định đánh giá lại cấp bậc quân hàm vào năm 1934. Tháng 3/1935, hệ thống phân cấp quân hàm mới được ban hành, chia quân hàm thượng tướng thành thượng tướng đặc cấp, thượng tướng cấp một, thượng tướng cấp hai và trung tướng. Có 6 cấp và 18 bậc trong toàn bộ hệ thống phân cấp quân hàm của Quốc Dân đảng, bao gồm các cấp tá, úy, chuẩn úy, sĩ và binh.

Thượng tướng đặc cấp là quân hàm cao nhất và chỉ được trao cho các chỉ huy quân sự cao nhất của Lục quân, Hải quân và Không quân. Trên thực tế, quân hàm này được lập ra cho Tưởng Giới Thạch. Từ năm 1935 đến năm 1975, Tưởng độc quyền nắm giữ quân hàm này trong 40 năm. Sau khi ông ta qua đời vào năm 1975, quân hàm này đã bị giới chức Đài Loan (Trung Quốc) bãi bỏ vào năm 1980.

Có tổng cộng 13 thượng tướng cấp một và 50 thượng tướng cấp hai. Ngoài ra, có những trường hợp đặc biệt như trung tướng mang quân hàm thượng tướng, cũng như truy tặng quân hàm thượng tướng.

Kỳ lạ chuyện quân hàm của Quốc Dân đảng (Trung Quốc): Đứa trẻ 12 tuổi được phong đại tá - Ảnh 3.

Quân hàm cao nhất là thượng tướng đặc cấp, chỉ dành cho Tưởng Giới Thạch. Ảnh: Baidu

Thăng cấp và truy tặng quân hàm thượng tướng

Về việc thăng quân hàm, chính phủ Trung Hoa Dân quốc đã ban hành "Quy định tạm thời về việc thăng cấp trung tướng" vào năm 1936, trong đó quy định rằng các trung tướng lục quân có đủ điều kiện thăng quân hàm thượng tướng sẽ được ưu tiên; đợi vị trí thượng tướng cấp hai còn trống, rồi chọn ra người phù hợp trong số các trung tướng này để chính thức thăng quân hàm thượng tướng. Tuy nhiên, quy định thăng quân hàm này chỉ giới hạn trong các trung tướng lục quân, các quân chủng và cấp bậc quân hàm khác không được thăng cấp.

Trung tướng mang quân hàm thượng tướng có thể mặc quân phục và đeo quân hàm thượng tướng. Tuy nhiên, trung tướng mang quân hàm thượng tướng và thượng tướng không hoàn toàn giống nhau, trung tướng mang quân hàm thượng tướng chỉ mang tính tạm thời và chỉ dùng để biểu thị rằng trung tướng đó có đủ tiêu chuẩn mang quân hàm thượng tướng. Việc thăng cấp thượng tướng chính thức chỉ có thể được thực hiện khi khuyết một vị trí thượng tướng.

Về việc truy tặng quân hàm thượng tướng chủ yếu xảy ra sau khi quân Quốc dân đảng thất bại trong cuộc nội chiến với Đảng Cộng sản Trung Quốc và chạy sang đảo Đài Loan vào năm 1949. 

Nhiều tướng lĩnh cấp cao của Quốc Dân đảng đã chết hoặc nghỉ hưu trong cuộc nội chiến đã được "truy tặng" quân hàm thượng tướng dựa trên những đóng góp và địa vị của họ trong cuộc chiến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại