Phiên dịch tiếng Việt của Obama buồn như "nhìn cánh hoa rơi" ngày ông rời Nhà Trắng

Ngọc Anh |

Anh Phạm, người phiên dịch tiếng Việt cho Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam, chia sẻ cảm xúc về vị Tổng thống trong ngày ông kết thúc nhiệm kỳ.

Sinh ra, lớn lên và học hết bậc đại học tại Việt Nam, Facebooker Anh Phạm (tên thật là Phạm Tuấn Anh) là người đã được giao trọng trách phiên dịch chính cho Tổng thống Obama trong hai sự kiện quan trọng liên quan tới Việt Nam.

Đó là chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama vào tháng 5/2016.

Đối với Anh Phạm, việc được làm người phiên dịch cho tổng thống Obama đã trở thành "nhiệm vụ tuyệt vời nhất trong đời".

Phiên dịch tiếng Việt của Obama buồn như nhìn cánh hoa rơi ngày ông rời Nhà Trắng - Ảnh 1.

Anh Phạm là phiên dịch của ông Obama trong chuyến thăm Việt Nam, đồng thời là một trong những người đề xuất nội dung trong bài phát biểu "lay động trái tim người Việt" của vị tổng thống. Ảnh: Tuấn Anh/Zing.vn

"Obama, vì ông là người tốt"

Đúng vào thời khắc bắt đầu bước sang ngày 20/1 (giờ Mỹ), ngày ông Obama khép lại nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai và rời khỏi Nhà Trắng, anh Anh Phạm đã có những chia sẻ cảm động về vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.

Theo lời của Anh Phạm, ban đầu anh chưa có cảm tình gì đặc biệt với ông Obama, thậm chí trong cuộc bầu cử năm 2008, anh còn ủng hộ bà Clinton. Nhưng sau đó anh đã bị chinh phục và cuối cùng là thỏa nguyện mong ước làm việc cho Obama, "vì ông là người tốt".

Phiên dịch tiếng Việt của Obama buồn như nhìn cánh hoa rơi ngày ông rời Nhà Trắng - Ảnh 2.

"Khi mình viết những dòng chia sẻ này thì đã bước sang những phút đầu của ngày thứ Sáu, 20/1/2017, là ngày cuối cùng tại vị của Tổng thống Obama. Mình muốn ghi chép lại một vài suy nghĩ để chia tay người lãnh đạo mà mình kính trọng…

Như đã nói ở đâu đó thì trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008, mình ủng hộ bà Clinton do đã được gặp bà từ hồi năm 2000 khi Tổng thống Clinton đi thăm Việt Nam. Bà Clinton thua Obama ở vòng sơ bộ làm mình tiếc cho bà nhiều và vì thế cũng hơi kém phần thiện cảm với Obama.

Cho tới khi mình gặp Obama lần đầu và mình thực sự bị ấn tượng mạnh bởi những cảm giác con người về vị Tổng thống trẻ tuổi này. Mình thấy đây là một trong những người có lòng nhân ái nhất trong số những người mình đã gặp trong đời - và mình thì đã gặp rất nhiều người trong đời.

Là người từ trẻ đã tự định hướng làm việc công ích và vì thế đề cao tinh thần nhân bản trong những người làm việc công ích/phát triển, mình nhìn thấy ở Obama một phiên bản khác của chính mình. Mình tự nhiên có mong ước được làm việc cùng/cho người lãnh đạo này…", Anh Phạm viết.

"Lý do Obama đã chiếm được sự thán phục, cam kết trung thành của tôi"

Đây không phải là lần đầu tiên anh Anh Phạm viết về con người Obama. Trong chuyến thăm Việt Nam của vị Tổng thống Mỹ vào tháng 5/2016, anh từng chia sẻ những trải nghiệm độc nhất vô nhị của mình trong vai trò là người phiên dịch những thông điệp của ông sang tiếng Việt.

Đó không chỉ là những trải nghiệm cá nhân minh chứng cho sự giản dị, gần gũi giữa một vị tổng thống và nhân viên, mà nó bao gồm cả những quan sát và nhận định. Trong chuyến thăm ấy, điều người phiên dịch - một người vốn đã hiểu rõ Obama - nhận thấy là tình cảm mà Tổng thống Mỹ dành cho Việt Nam.

Nó là "thứ tình cảm anh em đoàn kết, thực lòng như một người bạn đến nhà mình, nhà mình giầu nghèo gì bạn cũng quý mến, nấu món gì đơn giản đến đâu bạn cũng xơi thực lòng đến no phễnh lên thì thôi. Với những người bạn như thế mình không bao giờ phải lo họ xét nét đánh giá, mình sẵn sàng cởi mở tấm lòng ra chia sẻ với họ niềm vui, nỗi buồn…"

Phiên dịch tiếng Việt của Obama buồn như nhìn cánh hoa rơi ngày ông rời Nhà Trắng - Ảnh 3.

Tổng thống thứ 44 của Mỹ Barack Obama.

Là người đóng góp nội dung cho bài diễn văn đáng nhớ mà Tổng thống Obama đọc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội, Anh Phạm chính là người đã gợi ý Tổng thống thêm vào hai câu Kiều để "làm sao tạo ra một thông điệp vừa mạnh mẽ, kiêu hãnh, duy lý, hào sảng kiểu Mỹ lại vừa đằm thắm, duy tình, trọng nghĩa, rưng rưng kiểu Việt Nam". Đó chính là hai câu thơ:

Rằng trăm năm cũng từ đây

Của tin gọi một chút này làm ghi

Người phiên dịch nặng lòng với mối quan hệ Việt - Mỹ này biết rằng, trong những bài diễn văn có tầm quan trọng và vai trò đặc biệt thú vị như thế, để một vị Tổng thống Mỹ đưa ra cam kết "trăm năm" nào đâu phải chuyện đơn giản.

Nhưng mong mỏi của Anh Phạm đã được thực hiện. Khi nhìn lại, anh chỉ có thể giải thích rằng, đó là vì "Obama là người có sẵn cái tình để hiểu những lời nhân ái tình nghĩa kiểu này, để chấp nhận nói những lời hứa hẹn việc trăm năm.

Nhiều năm về sau này ngay cả khi Tổng thống Obama không còn tại vị nữa, mình tin tưởng chắc chắn rằng vào những lúc quan hệ hai nước có khó khăn, người ta có thể mang hai câu này ra để làm bằng chứng cho lời hứa trăm năm và người Mỹ trọng truyền thống và lời hứa ở cấp cao này sẽ hành xử thích hợp với tinh thần của lời hứa đó".

"Obama - Người bạn mến của Việt Nam"

Trở lại với "lời chia tay" viết đúng vào ngày 20/1, Anh Phạm ví von cảm giác buồn man mác của mình như "nhìn cánh hoa rơi" khi lo lắng cho những di sản chính sách của Tổng thống Obama.

Tuy nhiên, anh khẳng định, đối với mình, Tổng thống Obama mãi là "một người anh, một người thầy" truyền cảm hứng. Về tương lai mối quan hệ Việt Nam và Mỹ, anh vẫn thể hiện niềm tin và hy vọng :

"Những ngày gần đây mình đã hiểu được rằng sự chờ đợi này có thể là 4 năm, cùng lắm là 8 năm, nhưng rồi sẽ có lúc mình sẽ lại quay trở lại, cùng những người bạn bè cùng chí hướng giúp thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt theo những cách mà mình làm được. Trong thời gian chờ đợi đó mình sẽ nhìn lên phía Tổng thống Obama, một người anh, người thầy, người bạn để tìm cảm hứng và định hướng…

Bây giờ mong muốn của mình là một ngày nào đó sớm mình sẽ đưa Obama về Việt Nam thăm các bạn. Mình rất vui vì người Việt mình chia sẻ sự quý mến mà mình dành cho Obama. Obama cũng quý mến Việt Nam y như Việt Nam quý bác ấy.

Giã biệt Tổng thống - Người bạn mến của Việt Nam".

Phiên dịch tiếng Việt của Obama buồn như nhìn cánh hoa rơi ngày ông rời Nhà Trắng - Ảnh 4.

Tổng thống Obama dừng chân trú mưa và mua cốm Mễ Trì, Hà Nội - Tháng 5/2016. Ảnh: Getty

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại