Phi công Mỹ không chiến thua trí thông minh nhân tạo

Ngọc Hòa |

Sau khi phi công lão luyện Mỹ thua trong trận không chiến giả định trước trí thông minh nhân tạo, con người đang mất vị thế trong không chiến hiện đại.

Mỹ bắt đầu ứng dụng

Theo Popular Science, Đại tá Gene Lee thuộc Lực lượng không quân Mỹ có kinh nghiệm hàng chục năm chinh chiến đã thất bại trước hệ thống trí thông minh nhân tạo (AI) trong tất cả những trận không chiến mô phỏng.

Đại tá Lee là một chuyên gia chỉ đạo chiến thuật của không quân Mỹ. Ông từng thực hiện hàng nghìn chuyến bay trong vai trò phi công hoặc chỉ huy nhiệm vụ. Ngoài kinh nghiệm thực chiến, ông còn thực hiện các cuộc không chiến mô phỏng với các hệ thống trí thông minh nhân tạo suốt nhiều thập kỷ.

Theo Đại tá Lee, hệ thống AI tham gia trận chiến lần này có tên ALPHA, hệ thống này rất hung hãn, phản ứng nhanh, năng nổ và đáng tin cậy nhất mà ông từng gặp từ trước tới nay. ALPHA không chỉ giỏi né đạn mà còn bắn hạ đại tá Lee trong mọi lần giao chiến.

"Tôi rất bất ngờ trước khả năng nhận biết và phản ứng của hệ thống. Nó dường như nhận ra mọi ý đồ của tôi và ngay lập tức triển khai ứng phó. Tất cả thay đổi trong đường bay và dự định triển khai tên lửa tấn công của tôi đều bị nó đoán trúng. Hệ thống nhanh chóng chuyển từ thế phòng thủ sang tấn công và ngược lại ngay khi cần", Đại tá Lee nói.

Phi công Mỹ không chiến thua trí thông minh nhân tạo - Ảnh 1.

Phi công Mỹ trong buồng lái giả định.

Bí quyết tạo nên kỹ năng chiến đấu siêu hạng của ALPHA nằm ở hệ thống ra quyết định tối tân kết hợp các thuật toán logic. Hệ thống có thể chia vấn đề lớn thành nhiều vấn đề nhỏ hơn để tiến hành xử lý, bao gồm tấn công, khai hỏa, tránh né hoặc phòng thủ.

Những quyết định phức tạp được đưa ra với tốc độ cực nhanh nhờ cân nhắc phương án phù hợp nhất. Kết quả là phi công nhân tạo có thể tính toán chiến lược tốt nhất nhanh hơn 250 lần cái chớp mắt của đối thủ.

Sau nhiều giờ chiến đấu với ALPHA, Đại tá Lee buộc phải chấp nhận thất bại. "Trở về nhà, tôi cảm thấy thật sự mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Có thể đây chỉ là trí thông minh nhân tạo, nhưng nó mang đến thách thức thực sự", Đại tá Lee chia sẻ.

Được biết, hệ thống trí thông minh nhân tạo ALPHA, được chế tạo bởi công ty Psibernetix của tiến sỹ Nick Ernest ở Đại học Cincinati, kết hợp với Phòng thí nghiệm Nghiên cứu của Lực lượng không quân Mỹ.

Cùng với ALPHA, hiện nay không quân Mỹ cũng đang phát trioeern một hệ thống trí thông minh nhân tạo khác để trang bị trên dòng chiến đấu cơ F-22 và F-35.

Theo Tiến sĩ Arati Prabhakar, Giám đốc DARPA, sắp tới các chiến đấu cơ của Mỹ sẽ được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử sử dụng trí thông minh nhân tạo, có khả năng phân tích, tìm hiểu, nhận dạng các dạng sóng radar mới của đối phương để đề ra biện pháp gây nhiễu thích hợp cho máy bay trong thời gian thực.

Hệ thống AI đang trong giai đoạn thử nghiệm, nếu được đưa vào hoạt động, nó sẽ tiết kiệm cho Bộ Quốc phòng Mỹ khá nhiều thời gian và tiền bạc. Thậm chí AI còn có khả năng cứu mạng phi công nếu họ gặp phải một hệ thống tên lửa phòng không hoặc radar cao tần mới của đối phương.

Hiện nay, nhiệm vụ đối phó với radar của đối phương đang do máy bay F-22 và F-35 thực hiện bởi các loại chiến đấu cơ này đều sở hữu một kho dữ liệu nhận dạng các tín hiệu radar của đối phương, cùng với đó là các biện pháp gây nhiễu đã được lập trình trước đối với từng loại sóng radar.

Nhưng, trong trường hợp những chiến đấu cơ này gặp một tín hiệu radar lạ chưa từng gặp phải, hệ thống các biện pháp gây nhiễu sẽ không thể tìm ra cách đối phó vì chưa được cập nhật, khi đó các máy bay tàng hình này sẽ dễ dàng phát hiện và có thể bị tiêu diệt.

Để giải quyết vấn đề này, Lầu Năm Góc phải sử dụng biện pháp cổ điển, đó là triển khai một máy bay trinh sát điện tử như RC-135V/W thường xuyên thực hiện các chuyến bay trên khắp thế giới thu thập thông tin về các dạng sóng radar mới của mọi đối thủ.

Dữ liệu đó sau đó được gửi đến một phòng thí nghiệm mặt đất để phân tích, sau đó các chuyên gia sẽ dựa trên kết quả để đưa ra các biện pháp gây nhiễu và cập nhật lên hệ thống tác chiến điện tử của các chiến đấu cơ.

Tuy nhiên, biện pháp này rất mất thời gian và thiếu hiệu quả trong bối cảnh công nghệ radar của các đối thủ đang phát triển nhanh chóng. Vì vậy, Mỹ sẽ sớm đưa vào ứng dụng với hệ thống AI trên chiến đấu cơ.

Nga không chịu kém cạnh

Trong khi Mỹ đã có những cuộc thử nghiệm đầu tiên với hệ thống AI của mình thì người Nga mới bắt đầu bước vào cuộc đua này bằng những tuyên bố.

Hồi tháng 3/2016, Cơ quan báo chí Tập đoàn chế tạo hàng không thống nhất Liên bang Nga (UAC) cho biết, hãng chế tạo Sukhoi đang phát triển hệ thống quản lý thông tin trên khoang dành cho máy bay chiến đấu thế hệ 5 PAK FA với việc tích hợp các thành phần mang trí thông minh nhân tạo...

Theo đó, công nghệ trí thông minh nhân tạo mới sẽ được áp dụng trước trên quy trình chế tạo máy bay chiến đấu Su-35S và các tổ hợp máy bay không người lái. Kinh nghiệm thu được từ quá trình trên sẽ được áp dụng vào quá trình sản xuất PAK FA trong tương lai.

Trước đó, hồi tháng 8/2015, lãnh đạo Tổ hợp công nghệ sóng vô tuyến điện, cơ quan phụ trách phát triển hệ thống điện tử trên khoang của PAK FA, Vladimir Mikheev cho biết, PAK FA là sự kết hợp tính năng của một máy bay tiêm kích và cường kích.

Các hệ thống trên PAK FA đều được tự động hóa ở mức độ cao theo tiêu chuẩn phi công nhân tạo (ePilot) để hỗ trợ phi công chính. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ vật liệu composite và hệ thống đối kháng điện tử Himalaya giúp PAK FA có khả năng "tàng hình" trước các hệ thống theo dõi, viễn thám của đối phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại