Phát bắn B40 hiệu lệnh nổ súng đánh cầu Rạch Chiếc

HÙNG KHOA (ghi theo lời kể cựu chiến binh Nguyễn Đức Thọ) |

Những ngày tháng Tư lịch sử, cựu chiến binh Nguyễn Đức Thọ (ngụ quận 8, TP Hồ Chí Minh) lại cùng đồng đội thuộc Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động năm xưa họp mặt ôn lại những tháng ngày chiến đấu hào hùng. Ông cũng không quên đến viếng bia tưởng niệm tại chân cầu Rạch Chiếc, tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh. Cách đây 43 năm, nơi này đã in dấu nhiều kỷ niệm đối với ông Thọ.

Năm 1972, người thanh niên Nguyễn Đức Thọ (quê Thanh Hóa) hăng hái lên đường nhập ngũ đánh đuổi quân xâm lược. Nhờ có sức khỏe, ông được tuyển chọn huấn luyện ở đơn vị đặc công nước. Sau Hiệp định Paris (27-1-1973), cấp trên chuyển hướng đào tạo để sử dụng bộ đội đặc công cho trận đánh cuối cùng quyết định giải phóng Sài Gòn – Gia Định.

Tháng 3-1974, ông Thọ được biên chế vào phân đội Z23 của Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động, hành quân vào Sài Gòn.

Đơn vị của ông Thọ được giao nhiệm vụ trú tại khu vực quận 9 và chờ đánh vào mục tiêu Bộ tư lệnh Hải quân ngụy tại bến Bạch Đằng (quận 1). Đơn vị Z23 đã đóng chốt ở vùng Bình Trưng Tây, ngay bên cạnh căn cứ của địch ở cầu Rạch Chiếc. Địa hình khu vực phần lớn là sình lầy, mấy rặng dừa nước dọc theo sông.

Ban ngày, ông cùng đồng đội trú ẩn trong rặng dừa nước, ban đêm bơi ra sông để trinh sát nắm tình hình địch. Tuy nhiên, nhằm không cho bộ đội giải phóng hoạt động tại đây, địch đã rải chất độc, chất phát quang khiến cây cối không sống được.

Suốt nhiều tháng trời, các chiến sĩ đặc công thay phiên nhau, chỉ bằng phương tiện là tay chân bơi lặn dưới nước vào thám thính bên trong Bộ tư lệnh Hải quân ngụy.

Phát bắn B40 hiệu lệnh nổ súng đánh cầu Rạch Chiếc - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Thọ (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội sau ngày chiến thắng 30-4-1975. Ảnh tư liệu.

Đến trưa ngày 25-4-1975, đơn vị của ông Thọ nhận lệnh của cấp trên hủy bỏ đánh mục tiêu Bộ tư lệnh Hải quân của địch. Z23 sẽ đánh chiếm cầu Rạch Chiếc mở đường cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn – Gia Định.

Đây là con đường huyết mạch để tiến vào trung tâm thành phố Sài Gòn. Tại khu vực cầu, địch có một tiểu đoàn gồm 400 lính giữ cầu với hệ thống lô cốt, công sự dày đặc và hệ thống vũ khí tối tân.

Ở trận đánh này, cựu chiến binh Nguyễn Đức Thọ được trao nhiệm vụ bắn phát đạn B40 đầu tiên tiêu diệt khẩu đại liên trên chòi canh của địch đóng ở đầu cầu phía Bắc. Bởi trên chòi canh có hệ thống đèn cao áp rọi sáng và hỏa lực đại liên rất mạnh.

Nếu tiêu diệt ngay bắn phát đầu tiên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị tiến công địch. Đồng thời, phát bắn đầu tiên của ông cũng là hiệu lệnh tiến công cho cả đơn vị.

Ông Thọ kể: "Khi bản thân được chọn bắn phát súng đầu tiên mở màn trận đánh, tôi cảm thấy rất tự hào. Các anh em xác định đây là trận đánh ác liệt, có thể hy sinh bất cứ lúc nào bởi cụm phòng thủ cầu Rạch Chiếc được xem là bức tường lửa vững chắc của địch.

Anh em đã bàn phương án đánh chu đáo, phân công nhiệm vụ đến từng người cũng như thống nhất các tín hiệu, ký hiệu hiệp đồng".

Theo ông Thọ, chiều 26-4, sau khi ăn cơm xong, các chiến sĩ chuẩn bị sẵn sàng súng đạn đến vị trí tập kết để tiếp cận mục tiêu. Riêng ông thì mang 10 quả đạn B40, 16 quả thủ pháo, 2 quả lựu đạn.

Mỗi người còn mang theo một nắm cơm, hộp sữa và cuộn bông băng. Luồn lách qua sông rạch, khi bước sang thời khắc ngày mới, đơn vị của ông đã tiếp cận sát hàng rào căn cứ địch, sẵn sàng chờ lệnh chiến đấu.

Đúng 3 giờ 15 phút sáng 27-4-1975, ông Thọ nằm sát mé nước, nâng khẩu B40 nổ phát súng đầu tiên. Tuy nhiên, do ở tư thế nằm và bắn hướng lên cao nên quả đạn đầu đã không đích.

Ông bồi hồi nhớ lại: "Vừa bắn xong, biết là không trúng, tôi bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh, đứng thẳng người dậy, lấy đường ngắm nhanh, chuẩn và bóp cò. May mắn là quả đạn thứ hai đã trúng mục tiêu, khẩu đại liên của địch bị vô hiệu hóa. Cờ cắm trên đỉnh chòi canh cũng đổ xuống, chiếc điện thoại trong chòi rơi ra treo lơ lửng".

Sau khi phát súng B40 của ông Thọ, toàn lực lượng đặc công Z23 hiệp đồng cùng Z22, D81 thuộc Lữ đoàn 316 đồng loạt tấn công vào lô cốt, công sự của địch. Trận đánh được chuẩn bị kỹ nên diễn ra thuận lợi. Trong vòng nửa tiếng đồng hồ, đơn vị ông đã chiếm được cầu Rạch Chiếc, địch không kịp phản ứng, bỏ chạy và một số bị ta bắt sống.

Trong trận đánh, không có đồng đội nào hy sinh. Tuy nhiên, sáng sớm cùng ngày, pháo của địch ở các căn cứ khác liên tục bắn vào trận địa cầu Rạch Chiếc, đồng thời địch đưa trực thăng, xe tăng từ trong nội thành ra phản kích dữ dội.

Do địch sử dụng vũ khí tối tân và lực lượng quá đông nên cán bộ, chiến sĩ của ta bị thương vong nhiều. Sau một ngày chiến đấu giằng co với địch, đơn vị ông được lệnh rút lui về sau để củng cố lực lượng.

Phát bắn B40 hiệu lệnh nổ súng đánh cầu Rạch Chiếc - Ảnh 2.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thọ nhớ lại những tháng ngày chiến đấu ác liệt ở cầu Rạch Chiếc.

Đêm 29-4-1975, đơn vị của ông tiếp tục được lệnh quay lại đánh chiếm cầu Rạch Chiếc. Yêu cầu lần này là phải chiếm được cầu và không để sập cầu để mở đường cho quân giải phóng tiến vào trung tâm Sài Gòn.

Sáng sớm ngày 30-4-1975, toàn đơn vị ông nổ súng. Do lực lượng đặc công chỉ còn gần 30 chiến sĩ nên anh em hạ quyết tâm rất cao "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Thời điểm này, địch thất thủ từ khắp chiến trường như Xuân Lộc, Trường sĩ quan Thủ Đức, căn cứ Thái Lan… chạy về đây nên tinh thần chiến đấu không quyết liệt nữa.

Tuy vậy, trận đánh cũng ác liệt, không tránh khỏi hy sinh, mất mát. Bản thân ông Thọ bị mảng đạn pháo văng trúng. Chứng kiến đại quân giải phóng của Quân đoàn 2 qua cầu Rạch Chiếc, tiến thẳng vào Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất), ông Thọ và các đồng đội rất phấn khởi khi biết thời khắc chiến thắng cuối cùng đã gần kề.

Những chiến sĩ đặc công sau khi chiếm giữ cầu Rạch Chiếc đã chia làm hai nhóm, một giữ kho quân nhu, một qua nhà máy điện Thủ Đức vận động công nhân tiếp tục làm việc để Sài Gòn không bị cắt điện.

Ông Thọ bồi hồi: "Trong lúc đến nhà máy điện, anh em chúng tôi nghe radio và biết được tên tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

Niềm vui mừng chiến thắng đã hóa thành những giọt nước mắt hạnh phúc, những cái ôm thắm thiết của những con người đã luôn sát cánh cùng nhau đến trận đánh cuối cùng. Tiếc thay, nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh ngay trước giành độc lập thống nhất đất nước".

Với niềm đau đáu với đồng đội, một trong những hoạt động ý nghĩa lớn mà cựu chiến binh Nguyễn Đức Thọ vẫn tham gia thời gia qua là đi kêu gọi và hỗ trợ tìm lại hài cốt các đồng đội hy sinh trong cuộc chiến.

Ông cũng có đóng góp lớn trong việc làm hồ sơ để Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Liệt sĩ Nguyễn Văn Thất (cùng đơn vị Z23 của ông Thọ) hy sinh trong trận đánh cầu Rạch Chiếc 43 năm về trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại