Vụ 23 bé gái tiểu học bị xâm hại: Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em lên tiếng

Mỵ Lương |

“Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em sẽ kết hợp với cơ quan công an địa phương xác minh làm rõ vụ việc 23 học sinh nữ trong trường bị bảo vệ xâm hại và sẽ xử lý theo luật” - Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết ngày 24.3.

Trước đó, ông Vương Văn Dầu - Chủ tịch xã La Pán Tẩn (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) đã ghi nhận, đối tượng Đỗ Văn Nam (SN 1981, quê Hà Nam), bảo vệ Trường tiểu học bán trú La Phán Tấn (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) đã bị tạm giữ vì bị tình nghi dâm ô với 23 học sinh nữ trong trường.

Trao đổi với PV Dân Việt , ông Nam cho biết, Cục sẽ kết hợp với cơ quan công an địa phương xác minh làm rõ vụ việc. Trường hợp bảo vệ dâm ô với hơn 23 trẻ em trong trường bán trú mang tính chất nghiêm trọng.

Điều này chứng tỏ vụ việc xảy ra trong thời gian dài mà nhà trường không phát hiện ra. Trách nhiệm trước hết thuộc về nhà trường.

“Việc xâm hại tình dục trẻ em từ việc dâm ô, mại dâm trẻ em, khiêu dâm, giao cấu đồng thuận, hiếp dâm, cưỡng dâm đều xử lý theo luật hình sự” – ông Nam cho hay.

Ông Nam cho biết thêm, việc xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian gần đây ngày càng gia tăng với tính chất vụ việc phức tạp.

Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, hàng năm phát hiện khoảng 1.700 vụ án xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục chiếm tới 70% (gần 1.200 em).

Năm 2012, năm 2012 số vụ án xâm hại trẻ em tăng 1,4% so với năm 2011, sang năm 2013 tăng lên tới 17% so với năm 2012 và năm 2014 tăng 6,4% so với năm 2013.

Nguyên nhân chính khiến trẻ em bị xâm hại là do nhận thức của cha mẹ và cộng đồng về nguy cơ xâm hại, bóc lột trẻ em chưa đầy đủ. Hầu hết thủ phạm gây ra các vụ xâm hại là người thân, người quen biết.

Khi vụ việc xảy ra thì gia đình còn giấu diếm, còn thủ phạm tìm cách thoả thuận với người nhà nạn nhân.

Việc quản lý, phát hiện, can thiệp, trợ giúp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bóc lột, sao nhãng, trẻ em có nguy cơ cần sự bảo vệ đặc biệt chưa kịp thời.

Ngoài ra, các dịch vụ tư vấn, bảo vệ khẩn cấp, trị liệu tâm lý, trợ giúp pháp lý, phục hồi cũng còn thiếu thốn, chưa bảo vệ được trẻ em, nhất là các trẻ em đã bị xâm hại.

“Với thầy cô giáo không phải ai cũng nắm bắt, phát hiện ra những hành vi xâm hại trẻ em. Vì vậy, cần tập huấn để thầy cô nhận biết những dấu hiệu trẻ em bị xâm hại.

Đồng thời, cộng đồng xã hội nói chung phải giáo dục pháp luật để mọi người hiểu rằng xâm hại tình dục trẻ em bị xử lý nghiêm, nặng hơn tất cả những hành vi khác. Nếu không hiểu pháp luật, đối tượng không biết sợ và sẽ vi phạm.

Điều quan trọng nhất là ở các em, trang bị cho các em có kỹ năng tự bảo vệ mình. Cần phòng ngừa từ sớm, không để cho sự việc xảy ra rồi mới xử lý thì đã quá muộn” - ông Nam cho hay.

“Đối với các em dân tộc miền núi khó tiếp cận được với dịch vụ tư vấn, chăm sóc bảo vệ tốt thì có thể gọi qua đường dây tư vấn đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em 1800 1567 của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Cán bộ phụ trách sẽ tư vấn hoặc yêu cầu đơn vị ở địa phương phối hợp làm rõ và bảo vệ trẻ em bị xâm hại” – ông Đặng Hoa Nam

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại