"Phòng vệ tàn bạo" và việc "tẩy chay" THP có vi phạm pháp luật?

Hoàng Đan |

Tại sao luật sư Lê Văn Thiệp từ chối bảo vệ cho Tân Hiệp Phát? Người tiêu dùng đang tẩy chay THP có vi phạm pháp luật?

Tẩy chay: Không vi phạm

Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đưa vụ án này xét xử sơ thẩm, tuyên Võ Văn Minh, người "tố con ruồi" trong chai nước của Tân Hiệp Phát (THP) mức án 7 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Cùng với mức án này đối với anh Minh thì những hành động của Tân Hiệp Phát trong thời gian qua đang khiến cho dư luận hết sức quan tâm với nhiều ý kiến trái chiều khác nhau.

Chưa hết, trên nhiều trang mạng, không ít người đã bày tỏ quan điểm "tẩy chay" sử dụng các sản phẩm của THP hay một số nhà hàng, cửa hàng cũng trưng biển nêu rõ không phục vụ, không bán các sản phẩm nước giải khát THP....

Thậm chí, ở mạng xã hội facebook, nhiều nhóm, fanpage "tẩy chay" các sản phẩm của THP cũng đã được lập và thu hút đông đảo các thành viên.

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc người tiêu dùng bày tỏ quan điểm về việc "tẩy chay" các sản phẩm khi có lỗi, đúng sự thật là quyền của người tiêu dùng.

"Trong trường hợp của THP, thông tin về con ruồi là có thật và cách hành xử gài bẫy thiếu khôn ngoan, hơi tàn nhẫn của hãng cũng là có.

Do vậy, việc người tiêu dùng bày tỏ quan điểm tẩy chay ở đây là không có gì sai với quy định của pháp luật", luật sư Thiệp nói.

Luật sư Lê Văn Thiệp.
Luật sư Lê Văn Thiệp.

Cũng theo luật sư Thiệp, nếu lập các diễn đàn để thực hiện các hành vi như là kêu gọi tẩy chay hay thực hiện các việc khác khi chưa có quyết định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chưa có bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án về việc đúng sai.

"Hành vi đó đương nhiên là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Nếu như gây hậu quả nghiêm trọng và THP có thể tố cáo ra cơ quan công an để truy tìm ra cái nguồn gốc đó và yêu cầu khởi kiện để yêu cầu đòi bồi thường nếu như không có dấu hiệu hình sự…", luật sư Thiệp cho hay.

Luật sư Nguyễn Đức Long (Hà Nội) cũng bày tỏ, luật quy định cấm đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

"Nhưng trong trường hợp của THP việc con ruồi trong chai là có thật, việc đàm phán, rồi anh Minh bị bắt, đưa ra xét xử là có thật...

Như vậy, việc người tiêu dùng nêu quan điểm tẩy chay các sản phẩm của hãng này là không vi phạm", luật sư Long nêu.

"Phòng vệ tàn bạo"

Nêu thêm quan điểm của mình đối với vụ việc của THP, luật sư Lê Văn Thiệp nhấn mạnh, việc ông từ chối bảo vệ cho Tân Hiệp Phát không phải sợ dư luận "mà vì cách phòng vệ tàn bạo của họ khiến lương tâm tôi cắn rứt, không đành".

Luật sư Thiệp cũng chia sẻ, ông và tất cả các luật sư, sau những người ruột thịt, người thân của bị can, bị cáo sẽ là người mong muốn thân chủ của mình không phạm tội, không phải chịu hình phạt và được tự do hơn bất kỳ ai.

"Luật pháp là luật pháp, nếu luật pháp bị tác động bởi bầy đàn thì không phải là luật pháp nữa", luật sư Thiệp nêu.

Để xác định Võ Văn Minh là có tội hay không, theo luật sư Thiệp cần xem xét khái niệm "người bị hại" trong vụ án này.

Theo Điều 51 Bộ luật TTHS Việt Nam quy định: “Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra”.

Bị cáo Võ Văn Minh - Ảnh: Thanh Tú
Bị cáo Võ Văn Minh - Ảnh: Thanh Tú

"Nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là một vụ việc dân sự nhưng đánh giá theo nghĩa rộng thì việc xác định vụ việc trên là quan hệ pháp luật hình sự phù hợp với pháp luật hình sự Việt Nam", luật sư Thiệp cho hay.

Cũng theo luật sư Thiệp, Võ Văn Minh cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể (quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân), nhưng chủ yếu là quan hệ tài sản.

"Trên cơ sở của nhận thức và cách tiếp cận vấn đề, dấu hiệu mà các luật sư của bị cáo Minh xoáy sâu và gần như duy nhất trong vụ án này đó là đối tượng tác động của tội phạm?

Tức là hành vi đó có đe dọa đến con người hay tác động đến pháp nhân là Tân Hiệp Phát?

Vì nếu là đe dọa pháp nhân thì không thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm và xác lập quan hệ pháp luật khác không phải quan hệ pháp luật hình sự vì pháp nhân không phải "người"?", luật sư Thiệp đặt câu hỏi.

Luật sư Thiệp nhấn mạnh, pháp nhân được thành lập, hoạt động bởi con người khi tuân thủ những điều kiện pháp lý.

"Đối tượng tác động của hành vi đe dọa mà bị cáo Minh thực hiện là những con người có chức vụ, quyền hạn cụ thể của Tân Hiệp Phát.

Hành vi dùng dị vật trong sản phẩm để nhằm đe dọa những người là chủ sở hữu THP là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự", ông Thiệp nhìn nhận.

Cũng theo luật sư Thiệp, Võ Văn Minh đã nhận 500 triệu đồng nên bị truy tố theo khoản 4 điều 135 BLHS với khung hình phạt từ 12-20 năm tù.

Tại tòa, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1, 2 điều 46 Bộ luật Hình sự đã được Tòa án xem xét, áp dụng hết như nhân thân tốt, số tiền chiếm đoạt đã được thu hồi và trả lại cho bị hại, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, bị hại xin HĐXX xem xét giảm án cho bị cáo nên cũng cần xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt.

HĐXX cũng đã áp dụng Nghị quyết số 01/2000 /HĐTP - TANDTC và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với Võ Văn Minh.

"Dù vậy, việc giảm nhẹ cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Do đó, việc HĐXX tuyên phạt Võ Văn Minh 7 năm tù là đúng theo các quy định của pháp luật.

Còn về việc khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì dù THP có rút đơn thì cơ quan tố tụng cũng vẫn khởi tố Võ Văn Minh bình thường", luật sư Thiệp nhấn mạnh.

VP luật sư phạm hồng hải
luật sư phạm hương giang
Trong luật cạnh tranh có quy định cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Nếu THP chứng minh được doanh nghiệp hoặc cá nhân nào có hành vi đó thì có thể tố cáo để xử lý nhưng nếu THP không chứng minh được có sự giật dây tẩy chay thì cũng không ai bị xử lý cả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại