Dương Chí Dũng bị đề nghị án tử hình

Tuệ Minh |

(Soha.vn) - Từ những nội dung trong lời luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đã đề nghị HĐXX tuyên phạt Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc tử hình về 2 tội danh.

Sáng nay, 13/12, phiên xét xử Dương Chí Dũng cùng 9 đồng phạm tiếp tục với phần xét hỏi bị cáo Mai Văn Phúc. Khi được HĐXX hỏi về cáo buộc của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội, nhận hối lộ 10 tỷ đồng, bị cáo Mai Văn Phúc trả lời rằng bị cáo Dũng và bị cáo Phúc chưa bao giờ có chuyện thỏa thuận với nhau về chuyện ăn chia. Đồng thời bị cáo này cũng không nhận việc 3 lần nhận tiền với tổng số tiền là 10 tỷ đồng từ bị cáo Trần Hải Sơn như bị cáo Sơn nói.

Trước đó, bị cáo Dương Chí Dũng cũng đã phủ nhận việc mình nhận số tiền 10 tỷ đồng từ bị cáo Trần Hải Sơn làm 2 lần, mỗi lần 5 tỷ đồng. Đến chiều cùng ngày, phần xét hỏi tại phiên xét xử kết thúc, phiên xét xử chuyển sang phần tranh luận. Mở đầu phần tranh luận, các công tố viên đã đọc bản luận tội.

Bị cáo Dương Chí Dũng và các bị cáo khác trước vành móng ngựa (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bị cáo Dương Chí Dũng và các bị cáo khác trước vành móng ngựa (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo lời luận tội, các bị cáo đã tham ô hơn 28 tỷ đồng và cố ý làm trái, gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Dương Chí Dũng cùng đồng phạm đã cố ý làm trái trong việc phê duyệt dự án sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam và việc mua ụ nổi 83M. Khi chưa được Thủ tướng phê duyệt, năm 2007 ông Dũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy Sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỷ đồng, trong đó có hạng mục mua, lắp đặt ụ nổi…

Sau đó, bị cáo Mai Văn Phúc có văn bản trình và được bị cáo Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt nâng tổng mức đầu tư lên thành 6.489 tỷ đồng. Tương tự, việc mua sắm ụ nổi cũng đã bị đội giá từ hơn 14 triệu USD lên thành 19,5 triệu USD. Trong đó, các bị cáo đã nâng khống giá ụ nổi từ 2,3 triệu USD lên 9 triệu USD để chia chác.

Theo bản luận tội, việc làm trên của các bị cáo trái với quyết định của Thủ tướng, trái Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư... gây lãng phí, thiệt hại cho Nhà nước khoảng 366 tỷ đồng và tham ô 28 tỷ đồng qua thương vụ mua ụ nổi 83M. Trong đó, Dương Chí Dũng tham ô 10 tỷ đồng; Mai Văn Phúc tham ô 10 tỷ đồng; Trần Hải Sơn tham ô gần 8 tỷ đồng; Trần Hữu Chiều tham ô 340 triệu đồng.

Từ những nội dung trong lời luận tội trên, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đã đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo với mức án nghiêm khắc để đủ sức răn đe.

Cụ thể, công tố viên đề nghị xử phạt bị cáo Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines) tử hình về 2 tội danh Tham ô tài sản và tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Mai Văn Phúc (cựu Tổng giám đốc Vinalines) cũng bị đề nghị tử hình về 2 tội danh Tham ô tài sản và tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Trần Hữu Chiều (cựu Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban quản lý dự án mua ụ nổi 83M) 22-24 năm tù về 2 tội danh Tham ô tài sản và tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Trần Hải Sơn (cựu Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) 28-30 năm tù về 2 tội danh Tham ô tài sản và tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Công tố viên cũng đề nghị tuyên phạt các bị cáo còn lại với mức như sau:

Bị cáo Bùi Thị Bích Loan (cựu kế toán trưởng Vinalines) 6-8 năm tù.

Bị cáo Lê Văn Dương (đăng kiểm viên) 6-8 năm tù.

Bị cáo Mai Văn Khang (cán bộ Ban quản lý dự án Vinalines) 8-10 năm tù.

Các cán bộ Chi cục Hải quan Tân Phong gồm Lê Ngọc Triện bị đề nghị 6-8 năm tù.

Bị cáo Lê Văn Lừng 6-8 năm

Bị cáo Huỳnh Hữu Đức 6-8 năm tù...cùng về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền đã tham ô.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại