PGS chuyên ngành Xây dựng nói tượng đài tiền tỷ gãy đổ "chả khác gì tượng bằng thạch cao"

Hoàng Đan |

"Sức của đứa trẻ chắc chắn không thể nào bằng được tác động của gió lớn, bão mà tượng bằng đá xanh là trường tồn. Như vậy thì rõ ràng độ tin cậy ở đây có vấn đề", PGS Hùng nói.

Khoảng 21h ngày 9/8, khi mọi người đang vui chơi thì một bức tượng nhỏ trong cụm tượng đài chiến thắng tại sân Quảng trường TP Bắc Kạn, phường Sông Cầu, TP. Bắc Kạn bị gãy đổ, gây thương tích cho 1 em nhỏ.

Nguyên nhân sau đó được xác định do bé trai 12 tuổi này đã đu lên cánh tay của bức tượng để xuống.

Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, các tượng đài bằng đá có thể làm nguyên khối hoặc từng khối ghép với nhau, nhưng đều phải có sự tính toán rất kỹ về thiết kế, bố cục, vật liệu và đặc biệt là sự trường tồn với thời gian.

"Các tượng đài khi được xây dựng đều có ý nghĩa lịch sử và phải đảm bảo sự trường tồn, chắc chắn, tức là có thể phơi mưa, phơi nắng, có khả năng chống ăn mòn, chịu được tác động của thiên nhiên như gió, bão, cuồng phong...

Ở cụm tượng đài tại Bắc Kạn, chất liệu làm bằng đá xanh như vậy mà chỉ một đứa trẻ 12 tuổi đu lên mà đã gãy đổ 1 tượng trong đó, thì với những người hiểu về kết cấu xây dựng, công trình xây dựng sẽ băn khoăn, cho rằng có vấn đề và tượng đá nhưng chả khác gì tượng bằng thạch cao...

Bởi sức của đứa trẻ chắc chắn không thể nào bằng được tác động của gió lớn, bão mà tượng bằng đá xanh là trường tồn, như vậy thì rõ ràng độ tin cậy ở đây có vấn đề.

Cá nhân tôi cho rằng, cần thành lập hội đồng chuyên môn, các nhà khoa học vào cuộc để thẩm định, đánh giá lại phần tượng đổ cũng như tổng thể cụm tượng này ", PGS.TS Hùng nói.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cho hay, tượng đài này không phải đục nguyên khối mà ghép từng thớt đá lại với nhau bằng keo dính, mỗi thớt có độ dày từ 50-70cm. Về việc này, PGS.TS Hùng cho rằng, có thể thấy ở đây, keo gắn kết của tượng không đảm bảo chất lượng.

"Rõ ràng, khi gắn kết các thớt đá, người ta đã phải tính toán đến tác động của nhiều thứ như gió, bão đến tượng và phải đảm bảo chất lượng các mối, ghép, nối này không bị ảnh hưởng bời thời tiết.

Nhưng ở đây, mới chỉ một đứa trẻ đu lên mà đã xô lệch, đổ, gãy như thế thì cần xem xét lại chất lượng keo dán cũng như phần đá đó.

Có thể do keo không đảm bảo nên đã không còn độ bám dính, khiến tượng đá khi có tác động đã bị xô lệch, đổ, gãy hoặc cũng có thể do thớt đã bị nứt, thủng nhưng anh không kiểm tra kỹ vẫn đặt lên, khiến keo không bám dính, dẫn đến xô lệch, khi tác động bị gãy, đổ ...", PGS.TS Hùng thông tin.

Cùng trao đổi với PV, một vị nguyên là lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho rằng, rõ ràng chất lượng vật liệu thi công tượng đài ở Bắc Kạn có vấn đề.

"Có thể là do keo kết dính không đảm bảo chất lượng hoặc cũng có thể do đá có vấn đề nên mới xảy ra việc một cậu bé 12 tuổi đu lên đã gãy đổ như vậy.

Còn thực tế, việc ghép các thớt đá vào làm tượng không phải là hiếm nhưng sự cố này là hiếm và các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ", vị này đề nghị.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại