Ông lớn Alibaba, Tencent bị sờ gáy và thông điệp của ông Tập: Mối lo mới của ban lãnh đạo Trung Quốc

Thúy |

Tháng 12 luôn là thời điểm quan trọng ở Trung Quốc. Đó là khi các nhà lãnh đạo quốc gia này họp bàn và quyết định đường lối cho năm sau.

Ảnh: Nikkei

Ảnh: Nikkei

Cuộc họp "chống độc quyền" - Alibaba và Tencent bị "sờ gáy"

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì 2 phiên họp các quan chức cao cấp vào ngày 11/12: một cuộc họp và một phiên nghiên cứu cho các thành viên của Bộ Chính trị Trung Quốc.

Tại cuộc họp của Bộ Chính trị, việc "tăng cường nỗ lực chống độc quyền và ngăn chặn mở rộng ảnh hưởng một cách mất trật tự" đã được đề cập. Bên cạnh đó, tại phiên nghiên cứu, ông Tập nhấn mạnh sự cần thiết của "an ninh quốc gia", "an ninh chính trị" và "an ninh của quyền lực nhà nước và hệ thống chính trị."

Nikkei Asian Review chỉ ra, đây là lần đầu tiên việc "tăng cường các nỗ lực chống độc quyền" và "ngăn chặn sự bành trướng của quyền lực" được thảo luận tại cuộc họp Bộ Chính trị. Đồng thời cho biết, những nội dung này sẽ được đưa vào chương trình nghị sự tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương sắp tới của đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là một cuộc họp thường niên quan trọng thảo luận về định hướng các chính sách kinh tế năm tới.

Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Trung Quốc năm nay đặc biệt có ý nghĩa vì 2021 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm tiếp theo và các kế hoạch sẽ tạo ra ảnh hưởng cho chính sách của ông Tập trong thời kì này. Mặc dù không có cái tên cụ thể nào được nhắc đến nhưng Nikkei cho biết, chắc chắn Alibaba Group Holding và người sáng lập Jack Ma sẽ bị "sờ gáy".

Alibaba đã có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Trung Quốc và cho đảng khi bản thân người sáng lập Jack Ma là một đảng viên. Nhưng có vẻ, những ngày trên đỉnh của "đế chế thương mại điện tử" đang dần trôi qua.

Ông lớn Alibaba, Tencent bị sờ gáy và thông điệp của ông Tập: Mối lo mới của ban lãnh đạo Trung Quốc - Ảnh 1.

Jack Ma - người sáng lập Alibaba. Ảnh: AP

Đầu tháng trước, vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) kỷ lục của công ty công nghệ tài chính Trung Quốc Ant Group bất ngờ bị dừng tại cả hai sàn Thượng Hải và Hồng Kông.

Hôm 14/12 - ba ngày sau cuộc họp của Bộ Chính trị, nhà chức trách Trung Quốc đã phạt Alibaba và một công ty con của Tencent - "gã khổng lồ công nghệ" sở hữu ứng dụng mạng xã hội WeChat vì cáo buộc không khai báo các giao dịch mua lại trước đây theo luật chống độc quyền của Trung Quốc.

Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường phạt Alibaba 76.500 USD vì tăng cổ phần của mình trong chuỗi cửa hàng bách hóa Intime Retail Group vào năm 2017 "mà không báo trước cho chính quyền".

Nhà xuất bản sách điện tử Văn học Trung Quốc cũng bị phạt số tiền tối đa như vậy.

"Mặc dù số tiền phạt không cao, nhưng những hình phạt phát tín hiệu về việc giám sát chống độc quyền nghiêm ngặt hơn trong lĩnh vực internet. Các động thái này đóng vai trò như biện pháp răn đe," Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức của cơ quan trên.

Alibaba có gì khiến giới lãnh đạo lo lắng?

Thông qua các công ty liên kết của mình, Alibaba đã đầu tư vào nền tảng truyền thông xã hội, gồm các tiện ích chia sẻ và phát trực tuyến video, cùng các trang báo. Sự ảnh hưởng của Alibaba đã phát triển mạnh mẽ đến mức được gọi là "đế chế truyền thông".

Các cơ quan công quyền đã lo lắng trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Alibaba. Họ lo sợ rằng sự kiểm soát lớn mạnh của tập đoàn này trong mảng truyền thông sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự kiểm soát của các công ty nhà nước.

Ông lớn Alibaba, Tencent bị sờ gáy và thông điệp của ông Tập: Mối lo mới của ban lãnh đạo Trung Quốc - Ảnh 2.

Alibaba được gọi là "đế chế truyền thông". Ảnh: SCMP

Còn vấn đề về "ngăn chặn mở rộng ảnh hưởng một cách mất trật tự", ý tưởng này liên quan tới những khu vực tư nhân. Tại Trung Quốc, cuộc tranh luận về việc các công ty tư nhân nên được đối xử thế nào trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đã kéo dài.

Ông Tập kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước phải "mạnh hơn và lớn hơn". Chính vì thế, việc các công ty nhà nước mua lại các công ty tư nhân đang gia tăng mạnh mẽ ở Trung Quốc.

Tại phiên nghiên cứu của Bộ Chính trị, ông Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh quốc gia. 

Trung Quốc cần "cách tiếp cận toàn diện đối với an ninh quốc gia," nhà lãnh đạo nói, đồng thời kêu gọi các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội cần được nhìn theo góc độ an ninh quốc gia.

Ông nói thêm: "Cần đặt ưu tiên hàng đầu cho an ninh chính trị để bảo vệ an ninh của quyền lực nhà nước và hệ thống chính trị."

Theo Nikkei, thuật ngữ "an ninh chính trị" chỉ có ở Trung Quốc. Nó mô tả việc các chủ thể chính trị không bị xâm phạm hoặc phải đối mặt với các mối đe dọa do các yếu tố trong nước và quốc tế. Cuộc họp Bộ chính trị Trung Quốc vào hôm 11/12 có thể phản ánh mối quan ngại về tương lai.

Nikkei nhận định, các lãnh đạo Trung Quốc lo lắng rằng nếu không có biện pháp ngăn chặn tình trạng bành chướng của các "đế chế" thông qua tăng cường quản lý kinh tế và chỉ đạo đầy đủ của đảng đối với các công ty tư nhân, đường lối của nhà nước sẽ bị ảnh hưởng.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại