Nữ giáo sư 94 tuổi vượt 1.800km, trở về đám cưới ở 'căn hầm hạnh phúc' vương mùi thuốc súng 70 năm trước

Trang Anh |

70 năm sau, nữ giáo sư quay về chiến trường xưa, nơi bà đã từng có một đám cưới đặc biệt với những bức ảnh cưới chụp ngay trên chiếc xe tăng của Pháp bị bắn cháy.

Đám cưới đặc biệt trong hầm chưa hết mùi thuốc súng

Vào những ngày tháng 3 vừa qua, mảnh đất Điện Biên Phủ lịch sử đã đón một vị khách đặc biệt 94 tuổi vượt 1.800km từ TP HCM đến thăm. Đó chính là Giáo sư, Đại tá Nguyễn Thị Ngọc Toản - nữ chiến sĩ quân y tại chiến trường Điện Biên Phủ, vợ của vị tướng lẫy lừng - Trung tướng Cao Văn Khánh (1917-1980), nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ở tuổi 94, người nữ chiến sĩ năm xưa mái tóc đã bạc trắng theo thời gian, tấm lưng cũng đã còng, dáng đi chầm chậm, phải dùng xe lăn di chuyển và có người dìu nhưng ánh mắt vẫn sáng đầy sức sống.

'Bước chân' bà lại một lần nữa đi qua những hàng cây, nơi mà trước kia từng là mặt trận ác liệt, nơi đã chứng kiến tuổi trẻ và sự hy sinh của biết bao đồng đội giờ chỉ còn tiếng gió thổi vi vu. Ký ức về những ngày tháng gian khổ nhưng đầy tự hào dường như vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của người nữ chiến sĩ năm nào.

Ngược lại thời gian, hơn 70 năm trước, nữ sinh Ngọc Toản lúc ấy vốn xuất thân trong một gia đình trâm anh thế phiệt, là một tiểu thư khuê các, xinh đẹp có tiếng, con gái thượng thư Tôn Thất Đàn còn tướng Cao Văn Khánh khi ấy là một giáo viên dạy giỏi có tiếng được nhiều người biết đến.

Nữ giáo sư 94 tuổi vượt 1.800km, trở về đám cưới ở 'căn hầm hạnh phúc' vương mùi thuốc súng 70 năm trước- Ảnh 1.

Hai vợ chồng tướng Khánh và bà Ngọc Toản trong ngày cưới - Ảnh tư liệu

Khi cách mạng bùng lên, cả thầy Khánh lẫn nữ sinh Ngọc Toản đều đi theo tiếng gọi của tổ quốc nhưng được phân công ở hai đơn vị khác nhau. Tình yêu của đôi trẻ chớm nở sau lần gặp nhau năm 1949, khi thầy Khánh lúc đó là Đại đoàn phó Đại đoàn 308 đến thăm trường Đại học Y và nói chuyện với các sinh viên.

Sau đó, cả 2 cùng được điều động lên phục vụ và chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ông trực tiếp chỉ huy Đại đoàn Quân Tiên Phong (Đại đoàn 308), còn bà làm công tác cứu chữa cho thương binh tại khu trọng thương ở Tuần Giáo. Hai người hẹn ước sau Chiến dịch sẽ về Chiến khu Việt Bắc báo cáo gia đình để làm lễ cưới.

Bà Toản kể lại trên báo Nhân Dân, đêm 7/5/1954, ngay khi nghe tin quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, bà cùng đồng đội đã hành quân suốt đêm để vào khu trung tâm chiến trường làm công tác cứu chữa thương binh. Nhiệm vụ cứu chữa thương binh khá nặng nề, còn ông Cao Văn Khánh cũng bộn bề công việc. Ông được Bộ Tư lệnh Mặt trận giao nhiệm vụ chỉ huy một bộ phận chốt lại Điện Biên để giải quyết những vấn đề đặt ra sau chiến thắng. Bởi thế, ý định về Chiến khu Việt Bắc tổ chức đám cưới của ông không thành.

Nữ giáo sư 94 tuổi vượt 1.800km, trở về đám cưới ở 'căn hầm hạnh phúc' vương mùi thuốc súng 70 năm trước- Ảnh 2.

Ảnh cưới của bà Toản được chụp trên chiếc xe tăng bị bắn cháy đã trở thành bức ảnh "để đời" - Ảnh tư liệu

Lúc này, ông Cao Văn Khánh đã gần 40 tuổi. Được nhiều đồng chí cán bộ cấp cao gợi ý, ông bà đã xin phép Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức lễ cưới ngay tại hầm Đề Cát.

Vậy là ngày 22/5/1954, một lễ cưới đặc biệt giữa đại đoàn phó Đại đoàn 308, đại đoàn quân Tiên Phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh đổi độc lập, bao vây sân bay Mường Thanh với nữ y tá đội Điều trị 2 đã được tổ chức ở ngay trong hầm Đề Cát - nơi còn chưa hết mùi thuốc súng của chiến tranh.

Đám cưới đơn sơ khi chú rể mặc nguyên bộ quân phục, cô dâu vội ra bờ suối vuốt lại mái tóc cho gọn gàng. Tấm vải dù có dán dòng chữ "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ" được căng vội lên. Họ hàng hai bên là các cán bộ quân y, cán bộ Đại đoàn 308 và cán bộ chiến sĩ ở lại thu dọn chiến trường. Rồi chú rể hát bài "Bộ đội về làng", cô dâu hát bài "Em bé Mường La" để mừng chiến thắng.

Đặc biệt hơn, trong bối cảnh chiến trường còn chi chít những hố bom, xác đạn, cô dâu chú chú rể chụp ảnh cưới ngay trên chiếc xe tăng của Pháp bị bắn cháy.

Một đám cưới đơn sơ, vội vã nhưng như một minh chứng cho sự khởi đầu mới hòa bình, hạnh phúc của cả đất nước.

Sự trở lại xúc động đúng ngày sinh nhật tuổi 94

Ngày nay, vượt hơn 1.800 km từ TP HCM để quay lại chiến trường xưa, nữ chiến sĩ quân y năm xưa vẫn không nén được xúc động, nghẹn ngào. Bà nhớ lại thời khắc 70 năm trước: "Khi ấy tôi đã nói với anh Khánh rằng, đồng đội của mình, bao nhiêu người còn chưa được yêu nằm xuống cho mình được sống, được hạnh phúc thì phải sống sao cho xứng đáng. Anh Khánh đã đồng ý như vậy, chúng tôi đã nguyện ước thủy chung, sống xứng đáng với đồng chí đồng đội…".

Nữ giáo sư 94 tuổi vượt 1.800km, trở về đám cưới ở 'căn hầm hạnh phúc' vương mùi thuốc súng 70 năm trước- Ảnh 3.

GS, BS Nguyễn Thị Ngọc Toản trên chuyến bay đưa bà thăm lại Điện Biên - Ảnh: Người lao động

70 năm trôi qua, những tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc của đám cưới đặc biệt ấy đã được gia đình trao tặng lại cho Ban Quản lý di tích Điện Biên.

Là người ngoài cuộc và chỉ mới nghe qua câu chuyện tình của ông Khánh, bà Toản qua tư liệu nhưng chị Phạm Thị Thảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích Điện Biên cũng trào dâng một cảm xúc khó tả khi hay tin nữ chiến sĩ quân y năm xưa sẽ về thăm lại Điện Biên.

Bởi từ rất lâu rồi, câu chuyện về đám cưới đặc biệt ấy đã gieo niềm ngưỡng vọng về tình yêu, tình đồng đội, nhiệt huyết tuổi trẻ của người lính trên chiến trường trong trái tim của rất nhiều người trẻ hôm nay.

Nữ giáo sư 94 tuổi vượt 1.800km, trở về đám cưới ở 'căn hầm hạnh phúc' vương mùi thuốc súng 70 năm trước- Ảnh 4.

Cuộc hội ngộ xúc động giữa nữ chiến sĩ Điện Biên năm xưa với cán bộ, thuyết minh viên Ban Quản lý Di tích Điện Biên - Ảnh: Báo Nhân Dân

Chị Ngô Thị Lai, một thuyết minh viên chia sẻ trên báo Nhân Dân rằng bức ảnh cô dâu Ngọc Toản, chú rể Cao Văn Khánh ngồi trên xe tăng ở chiến trường Điện Biên và cuộc hội ngộ với bà Ngọc Toản đã để lại trong cô sự xúc động rất đỗi thiêng liêng. Đã có hơn 10 năm kinh nghiệm hướng dẫn ở điểm di tích hầm Đề Cát, mỗi ngày chị Lai đều kể về diễn tiến chiến dịch và đám cưới đặc biệt của hai người chiến sĩ Điện Biên tại căn hầm nhưng khi được tận mắt thấy, được nghe và được tận tay nâng bước "cô dâu năm ấy" khiến nữ thuyết minh viên xúc động trào nước mắt.

Ông Cao Quý Bảo, con trai Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản, cho biết trên báo Thanh Niên lần gần nhất bà lên thăm lại Điện Biên đã cách đây 40 năm, khi Điện Biên Phủ kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên.

Năm nay, dù sức khỏe bà đã yếu nhưng vẫn ước muốn được trở lại thăm Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông Bảo đã lên Điện Biên trước đó để chuẩn bị đón mẹ cùng em gái bay từ TP.HCM ra. Và chuyến đi lần này ý nghĩa hơn nữa là Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Ngọc Toản trở lại thăm chiến trường xưa đúng ngày sinh nhật 94 tuổi, nên bà càng vui và xúc động.

Ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay Điện Biên Phủ, nguyện vọng đầu tiên của bà Toản là được đi thăm các đồng đội đang yên nghỉ tại nghĩa trang nơi đây. Những người đồng đội năm xưa đã nằm lại nghĩa trang liệt sĩ A1 để đất nước, dân tộc có được hòa bình hôm nay.

Sau đó, bà đến thăm các địa điểm lịch sửa năm xưa và không thể thiếu hầm Đờ Cát, nơi đã trở thành căn phòng hạnh phúc của bà và người chồng, tướng Cao Văn Khánh.

Cao tốc gần 10.000 tỷ đồng sẽ có 3 hầm xuyên núi, cầu dây văng nhịp chính dài nhất Việt NamCao tốc gần 10.000 tỷ đồng sẽ có 3 hầm xuyên núi, cầu dây văng nhịp chính dài nhất Việt Nam

Sau khi hoàn thiện, tuyến cao tốc hứa hẹn tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh về phát triển dịch vụ du lịch tại tỉnh Hoà Bình, Sơn La và vùng Tây Bắc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại