Triều Tiên "vượt mặt" LHQ, xây dựng thành trì vũ khí giá rẻ ở Sừng châu Phi

Thi Anh |

Tình hình chính trị bất ổn ở Somalia, thế cô lập của Eritrea và sự nghèo đói của Ethiopia là "tấm thẻ bảo đảm" cho thị trường vũ khí giá rẻ của Triều Tiên.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc ngày 14/11/2017, một tàu chiến của Pháp đã thu giữ một lô súng máy của Triều Tiên vào năm 2016. Lúc đó, số hàng này đang được một chiếc thuyền của Iran vận chuyển tới Somalia.

Mặc dù các nước trên khắp châu lục đều có liên quan tới các thỏa thuận mua bán vũ khí với Triều Tiên nhưng Sừng châu Phi là khu vực hoạt động đặc biệt tích cực.

Trong bài viết đăng tải trên Diplomat, cây viết Samuel Ramani cho rằng: Các liên kết kinh tế và ngoại giao giữa Triều Tiên và Sừng châu Phi có thể được lý giải bởi những "di sản" hợp tác từ thời Chiến tranh Lạnh, yếu tố làm gia tăng mức độ tín nhiệm Triều Tiên như một đối tác quân sự trong quân đội Ethiopia, Eritrea và Somali.

"Di sản" từ thời Chiến tranh Lạnh

Kể từ những năm 1970, Triều Tiên đã duy trì mối quan hệ ngoại giao bền chặt với các nước ở Sừng châu Phi. Somalia là đối tác đầu tiên của Bình Nhưỡng trong khu vực. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1970 và Mogadishu đã củng cố quan hệ ấy bằng cách cử Tổng thống Siad Barre tới Bình Nhưỡng năm 1971.

Vì chuyến đi này, và vì muốn trả đũa sau khi Ethiopia ủng hộ Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên, quân đội Triều Tiên đã quyết định hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các lực lượng của Somalia, giúp nước này chống lại Ethiopia.

Vụ lật đổ vua Ethiopia Haile Selassie năm 1974 đã khiến Liên Xô điều chỉnh nguồn lực quân sự của mình từ Mogadishu hướng về xây dựng đồng minh với Addis Ababa. Triều Tiên cũng đi theo hướng đó và hỗ trợ các lực lượng của Ethiopia trong nỗ lực đẩy lùi quân Somalia thời kỳ Chiến tranh Ogaden 1977-78.

Tới năm 1991, chính quyền ở Somalia và Ethiopia sụp đổ. Triều Tiên buộc phải áp dụng một hướng đi cân bằng hơn trong khu vực.

Trong suốt thập niên 90, Triều Tiên đã trợ giúp Ethiopia trong nỗ lực chống quân nổi dậy tại Eritrea và Tigray bằng cách cung cấp đạn dược, lựu đạn và bệ phóng rocket.

Mặc dù Mỹ đã tìm cách thuyết phục Ethiopia tuân thủ lệnh cấm vận nhằm vào Triều Tiên nhưng quân đội nước này vẫn tiến hành một thương vụ mua bán vũ khí lớn với Triều Tiên năm 2007, thắt chặt thêm quan hệ Bình Nhưỡng - Addis Ababa.

Khi Eritrea trở thành một nhà nước độc lập năm 1993, Triều Tiên lại tìm cách xóa bỏ quá khứ tiêu cực trước đây khi nước này bắt tay với Ethiopia trong chiến tranh bằng cách thiết lập quan hệ ngoại giao cởi mở với Asmara.

Những mối quan hệ ngoại giao này nhanh chóng chuyển thành hợp tác quân sự. Eritrea mua công nghệ thông tin của Triều Tiên nhằm cải thiện độ chính xác của các nhiệm vụ hàng hải trên biển Đỏ.

Al-Shabaab (theo tiếng Ả Rập là "Thanh niên" hoặc "Giới trẻ") là một tổ chức nổi dậy Hồi giáo tại Somalia, sinh ra trong nội chiến Somalia. Đây hiện là một trong hai tổ chức Hồi giáo lớn nhất Somalia.

Việc chính quyền ở Somalia sụp đổ cũng có lợi cho Triều Tiên. Từ đầu những năm 1990, Bình Nhưỡng đã bán thiết bị quân sự cho các lực lượng chính phủ Somalia cũng như các nhóm phiến quân. Năm 2013, VOA đưa tin, Triều Tiên đã sử dụng Somalia như một căn cứ để chuyển súng máy và thiết bị nổ cho al-Shabaab.

Triều Tiên vượt mặt LHQ, xây dựng thành trì vũ khí giá rẻ ở Sừng châu Phi - Ảnh 2.

Nhóm Hồi giáo Al-Shabaab. Ảnh: Reuters

"Thẻ bảo đảm" cho thị trường vũ khí Triều Tiên

Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục gia tăng cấm vận nhằm vào Triều Tiên và cái giá phải trả nếu vi phạm cũng sẽ đắt hơn.

Điều này có thể sẽ khiến Ethiopia, đối tác quan trọng của Mỹ ở Đông Phi phải tuân thủ, đồng thời tránh bị Ai Cập cắt viện trợ. Ngày 5/8/2017, chính quyền Ethiopia đã công bố quyết định hạn chế số lượng tài khoản ngân hàng mà các chính khách Triều Tiên nắm giữ ở nước này.

Để thể hiện sự cam kết của mình vào một giải pháp hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, Ethiopia cũng đã chủ trì phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi tháng 9 vừa qua để thảo luận về vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Triều Tiên.

Mặc dù đã có những bước đi tích cực như vậy nhưng thiện ý của Ethiopia trước động thái cấm vận vẫn chưa thực sự rõ ràng. Hồi tháng 6, Triều Tiên đã cử một phái đoàn ngoại giao tới Ethiopia, động thái tái khẳng định mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa hai bên.

Tình hình chính trị bất ổn ở Somalia, thế cô lập của Eritrea và sự nghèo đói của Ethiopia là "tấm thẻ bảo đảm" cho thị trường vũ khí giá rẻ của Triều Tiên.

Năm 2009, Liên Hợp Quốc áp đặt cấm vận đối với quân đội Eritrea để phản đối sự ủng hộ mà lực lượng này dành cho Al-Shabaab. Và Triều Tiên là một trong số ít những nước sẵn sàng bán vũ khí cho Eritrea.

Trong khi đó, mối quan hệ Mogadishu - Bình Nhưỡng nảy nở là do mong muốn hợp tác của phía Mogadishu liên quan tới nỗ lực chống cướp biển. Vụ tàu Triều Tiên Dai Hong Dan bị hải tặc Somalia tấn công vào tháng 10/2007 đã khiến Bình Nhưỡng coi khủng hoảng cướp biển ở Somalia là một mối đe dọa an ninh.

Triều Tiên sở hữu những vũ khí có thể giúp Somalia chống lại nạn cướp biển. Hợp tác với Bình Nhưỡng vì thế có lợi cho nỗ lực khống chế tội phạm có tổ chức ở nước này.

Không thể phủ nhận những bước đi nhằm hạn chế quan hệ với Triều Tiên của Ethiopia nhưng việc Sừng châu Phi bị cô lập với thị trường vũ khí thế giới đã khiến nơi này trở thành một "thành trì" cho hoạt động buôn bán vũ khí của Triều Tiên ở châu Phi hạ Sahara.

Triều Tiên "né" cấm vận của Liên Hợp Quốc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại