Nikkei: Đầu tư vào trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam chưa đến 1 USD/năm theo bình quân đầu người

Trung Mến |

Tốc độ áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Đông Nam Á hiện đang tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc từ 2 đến 3 năm.

Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng cao hơn, thế nhưng kịch bản đó chỉ có thể xảy ra khi mà các nước thu hẹp được khoảng cách đầu tư vào mảng này.

Tốc độ áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Đông Nam Á hiện đang tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc từ 2 đến 3 năm.

Theo Nikkei trích dẫn báo cáo của Kearney và EDBI của Singapore, nếu các nước Đông Nam Á đẩy nhanh tốc độ áp dụng công nghệ AI, GDP của khu vực có thể tăng thêm gần 1 nghìn tỷ USD từ nay đến năm 2030. EDBI là tổ chức đầu tư thuộc Ban Phát triển Kinh tế Singapore.

Thế nhưng con đường đi còn rất xa.

Trong khi đầu tư vào các giải pháp AI tại Mỹ hiện đang ở mức 155USD/đầu người, con số này tại các nước ASEAN hiện mới chỉ ở mức 2USD/đầu người trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019, theo phân tích của ông Basil Lui, giám đốc bộ phận đầu tư tại EDBI.

Tại Trung Quốc, mức tiền đầu tư trung bình vào AI tính theo dân số hiện là 21USD/người.

Các nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát 110 người sử dụng, nhà cung cấp và nhà đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, cùng lúc họ cũng lấy ý kiến của đại diện 25 doanh nghiệp và cơ quan chính phủ trong khu vực Đông Nam Á. Trong mảng trí tuệ nhân tạo có nhiều ứng dụng bao gồm học hành trên máy, tự động hóa robot, robot thông minh, chatbot, thực tế ảo, máy tính và nhận diện giọng nói.

Singapore đứng đầu khu vực về đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, tính trên tổng mức đầu tư chia cho dân số khoảng 68USD/người trong năm ngoái. Tuy nhiên, đầu tư vào trí tuệ nhân tạo tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines đều dưới 1USD/người.

Nikkei: Đầu tư vào trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam chưa đến 1 USD/năm theo bình quân đầu người - Ảnh 1.

So sánh mức đầu tư vào trí tuệ nhân tạo tại một số nước lớn tại Đông Nam Á - Ảnh: Nikkei

Trong nhóm các nền kinh tế chính tại Đông Nam Á, Việt Nam và Philippines tụt hậu đáng kể về mức đầu tư tính theo bình quân đầu người vào trí tuệ nhân tạo, mức này tại Việt Nam chỉ 3 cent còn Philippines chưa đầy 1 cent.

Dựa trên tính toán của Kearney, AI có thể đóng góp thêm 110 tỷ USD vào kinh tế Singapore, tức tương đương khoảng 18% GDP dự kiến của Singapore vào năm 2030. Đối với Malaysia, con số này được ước tính khoảng 115 tỷ USD tức 14% GDP, Việt Nam 109 tỷ USD và 92 tỷ USD với Philippines - tức khoảng 12% GDP của Việt Nam và Philippines.

Chuyên gia tại Kearney, ông Nikolai Dobberstein, đã chỉ ra rằng một số điểm nghẽn về chính sách trong đó có bao gồm quy định về quyền riêng tư, vấn đề minh bạch và hạn chế chia sẻ dữ liệu hiện đang là những thách thức của việc áp dụng công nghệ AI tại Đông Nam Á.

“Doanh nghiệp và cơ quan quản lý các nước rất cần phải tham gia tích cực vào điều này. Tôi nghĩ các nhà quản lý cần phải có cái nhìn dài hơi hơn và cân bằng rủi ro. Chính vì vậy, có khung chính sách kết hợp thống nhất giữa các nước ASEAN là điều vô cùng cần thiết”, ông Dobberstein nói.

Cũng dựa trên kết quả cuộc khảo sát trên, hoạt động ứng dụng AI tại 83% khu vực Đông Nam Á hiện vẫn ở giai đoạn hết sức sơ khai, tức là các nước không quan tâm đến đầu tư vào công nghệ này, hoặc mới chỉ đang ở giai đoạn ban đầu, hoặc thử nghiệm các sáng kiến trong lĩnh vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại