Nhiều sự kiện thiên văn đáng chờ đợi trong tháng 11

Nguyễn Diệu Linh |

Tháng 11 sẽ xuất hiện nhiều hiện tượng thiên văn đặc biệt như 2 trận mưa sao băng cùng hiện tượng trăng tròn đẹp mắt và trăng mới kỳ thú.

Nhiều sự kiện thiên văn đáng chờ đợi trong tháng 11 - Ảnh 1.

Ngày 4, 5 tháng 11 - Mưa sao băng Taurids

Taurids là một trận mưa sao băng nhỏ kéo dài chỉ tạo ra khoảng 5 - 10 sao băng mỗi giờ. Đặc biệt ở chỗ nó bao gồm hai chùm riêng biệt. Chùm thứ nhất được tạo ra bởi các hạt bụi do Tiểu hành tinh 2004 TG10 để lại.

Chùm thứ hai được tạo ra bởi các mảnh vụn do sao Chổi 2P Encke để lại. Mưa sao băng diễn ra hàng năm từ ngày 7 tháng 9 đến ngày 10 tháng 12, và đạt cực đại vào đêm ngày 4 tháng 11. Năm nay trăng gần tròn sẽ làm lu mờ tất cả trừ những ngôi sao băng sáng nhất.

Nhưng nếu kiên nhẫn, bạn vẫn có thể quan sát được một vài ngôi sao sáng. Thời điểm quan sát tốt nhất sẽ là ngay sau nửa đêm từ một địa điểm tối, cách xa ánh đèn thành phố. Các sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Kim Ngưu, nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.

Ngày 8 tháng 11 - Trăng tròn

Mặt trăng sẽ nằm ở phía đối diện của Trái đất so với Mặt trời và mặt của nó sẽ được chiếu sáng hoàn toàn. Giai đoạn này xảy ra lúc 18 giờ 3 phút giờ Việt Nam. Kỳ trăng tròn này được các bộ lạc thổ dân châu Mỹ thời kỳ đầu gọi là Trăng Hải Ly vì đây là thời điểm trong năm để đặt bẫy hải ly trước khi các đầm lầy và sông ngòi đóng băng. Nó còn được gọi là Trăng Sương Giá và Trăng Đen.

Ngày 8 tháng 11 - Nguyệt thực toàn phần

Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt trăng đi qua vùng bóng tối của Trái đất, hay còn gọi là umbra. Trong thời gian diễn ra loại nguyệt thực này, Mặt trăng sẽ tối dần và sau đó có màu gỉ sắt hoặc đỏ như máu. Kỳ Nguyệt thực này sẽ có thể được quan sát thấy trên khắp miền Đông nước Nga, Nhật Bản, Australia, Thái Bình Dương, và một phần của miền Tây và Trung Bắc Mỹ.

Ngày 9 tháng 11 - Sao Thiên Vương ở vị trí xung đối

Hành tinh màu lam này sẽ ở vị trí gần Trái đất nhất và bề mặt của nó sẽ được Mặt trời chiếu sáng hoàn toàn. Nó sẽ sáng hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong năm và có thể quan sát thấy suốt đêm. Đây là thời điểm tốt nhất để ngắm sao Thiên Vương. Do ở khoảng cách xa, nó sẽ chỉ xuất hiện dưới dạng một chấm nhỏ màu xanh lục - lam trong tất cả các kính thiên văn, trừ những kính thiên văn mạnh nhất.

Ngày 17 tháng 11 - Mưa sao băng Leonids

Leonids là một trận mưa sao băng trung bình, tạo ra khoảng 15 sao băng mỗi giờ vào lúc cực điểm. Trận mưa sao băng này đặc biệt ở chỗ nó đạt đỉnh tốc khoảng 33 năm một lần, thời điểm có thể nhìn thấy hàng trăm sao băng mỗi giờ. Lần gần đây nhất xảy ra vào năm 2001.

Leonids được tạo ra bởi các hạt bụi do sao Chổi Tempel-Tuttle để lại, được phát hiện vào năm 1865. Trận mưa sao diễn ra hàng năm từ ngày 6 đến ngày 30 tháng 11. Cực đại của năm nay là vào đêm 17 rạng sáng ngày 18. Trăng tròn sẽ che khuất nhiều sao băng mờ trong năm nay.

Nhưng khó có thể đoán trước được Leonids nên vẫn có khả năng chúng ta sẽ được chứng kiến một màn trình diễn ngoạn mục. Người xem quan sát tốt nhất từ một địa điểm tối sau nửa đêm. Các sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Sư Tử, nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.

24 tháng 11 - Trăng mới

Mặt trăng sẽ nằm ở cùng phía Trái đất so với Mặt trời và sẽ không thể quan sát thấy trên bầu trời đêm. Giai đoạn này xảy ra lúc 5 giờ 58 phút (giờ Việt Nam). Đây là thời điểm tốt nhất trong tháng để quan sát các vật thể mờ nhạt như các thiên hà và các cụm sao bởi chúng sẽ không bị ảnh hưởng bởi ánh trăng.

Sang tháng 12, các hiện tượng thiên văn thú vị vẫn tiếp diễn. Có thể kể đến là sự kiện ngày 8/12, sao Hỏa ở vị trí xung đối. Hành tinh Đỏ sẽ nằm ở vị trí gần Trái đất nhất và bề mặt của nó sẽ được Mặt trời chiếu sáng hoàn toàn. Nó sẽ sáng hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm và có thể quan sát thấy suốt đêm.

Ngày 13, 14/12 - Mưa sao băng Geminids là trận mưa lộng lẫy nhất trên bầu trời, tạo ra tới 120 sao băng mỗi giờ với vô vàn sắc màu vào lúc cực đại. Năm nay, trăng khuyết cuối tháng sẽ che khuất nhiều sao băng mờ.

Nhưng mưa sao Geminids có số lượng lớn và sáng rực nên đây vẫn là một buổi trình diễn tuyệt vời. Người xem quan sát tốt nhất từ một vị trí tối sau nửa đêm. Các sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Gemini, nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.

Ngày 21, 22/1, mưa sao băng Ursids là một trận mưa sao băng nhỏ tạo ra khoảng 5 - 10 sao mỗi giờ. Nó được tạo ra bởi các hạt bụi do sao Chổi Tuttle để lại, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1790. Trận mưa diễn ra hàng năm từ ngày 17 đến 25 tháng 12.

Cực đại năm nay vào đêm ngày 21, rạng sáng ngày 22. Năm nay, trăng non sẽ nhường lại bầu trời tối cho một màn trình diễn ngoạn mục. Người xem quan sát tốt nhất sẽ là ngay sau nửa đêm từ một địa điểm tối, xa ánh đèn thành phố. Các sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Ursa Minor (Gấu Nhỏ), nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại