Nhà khoa bảng trẻ nhất triều Nguyễn và bài học 'ngậm miệng, trói lưỡi'

Trần Hòa |

Nổi tiếng là 'thiếu niên đăng cao khoa', Ông Ích Khiêm được xem là nhà khoa bảng trẻ nhất triều Nguyễn.

Tuy nhiên, cuộc đời ông cũng lắm gian nan chỉ vì bộc trực, thẳng tính.

Tuổi trẻ tài cao

Ông Ích Khiêm sinh ngày 25/1/1829 tại làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Tài năng của Ông Ích Khiêm không chỉ được khẳng định qua thi cử, mà đặc biệt trong suốt cuộc đời làm quan.

Ông Ích Khiêm vốn là người dân tộc miền núi xuống định cư làm ruộng ở miền xuôi. Thuở nhỏ, ông vừa chăn trâu cắt cỏ, vừa theo học với người chú là Ông Văn Trị. Có giai thoại kể rằng, có hôm đang học thì có khách đến, ông được chú sai đi đun nước pha trà. Khách thấy học trò mới thử tài: “Chú là sinh đồ, vịnh thử cái công việc nấu nước chè của chú xem nào?”.

Lúc đó, trong tay Ông Ích Khiêm đang nắm một nắm chè khô, bèn ứng khẩu ngay: “Giang sơn một nắm trong tay/Phần lo việc nước, phần hay nỗi trào”. Ông khách giật mình, thầm phục nói với Ông Văn Trị: Khẩu khí này tỏ rõ là một võ tướng hơn một văn quan.

Khoa thi năm 1847 dười thời vua Thiệu Trị, Ông Ích Khiêm cùng chú mình vượt qua kỳ thi Đầu xứ ở địa phương. Cả hai chuẩn bị lều chõng để tham dự kỳ thi Hương. Tương truyền, lần đó Ông Văn Trị đi thi là chính, dẫn Ông Ích Khiêm đi thi chỉ để “cho cháu quen dần với trường thi”.

Khoa thi Hương năm 1847 ở trường thi Thừa Thiên là khoa thi đặc biệt. Đáng lý đây chỉ là ân khoa vì thi không đúng theo lệ 3 năm một lần mà là khoa thi liền sau khoa thi Hương năm 1846 và cùng năm với khoa thi Hội. Sở dĩ như vậy vì năm 1846 là năm “tứ tuần đại khánh” của vua Thiệu Trị (1807 - 1847) nên tất cả khoa thi đều được cho là ân khoa.

“Sách Quốc triều Hương khoa lục” của Cao Xuân Dục nói về khoa thi năm 1846 như sau: “Nhân dịp tứ tuần đại khánh của vua nên mở ân khoa, tăng số lấy đậu, chính khoa thì triển hạn năm sau”.

Mặt khác từ khoa này, vua Thiệu Trị ra lệnh cho nâng số người đỗ lên 50 người (thay vì 38 người như cũ) vì “kinh sư là đất đứng đầu tất cả” và “gần đây văn phong ngày một chấn khởi, sĩ số lại nhiều thêm lên”. Tuy nhiên, các khảo quan cũng chỉ chọn được có 46 người.

Khoa thi này, vua Thiệu Trị ngự giá đến ngự lãm một số bài thi - một điều rất hiếm đối với các khoa thi Hương. Sách “Đại Nam thực lục” viết: “Vậy các quan tư xem ngay bên ngoài trường chỗ nào cao ráo rộng rãi, dựng vọng lâu đến kỳ đệ nhị ta sẽ thân đến coi… Truyền chỉ cho quan trường đợi sau khi chấm quyển xong, chọn những quyển văn có thể xem được, lấy dăm ba quyển phong kín tiến lãm”.

Đề thi do Tiến sĩ Đỗ Quang ra: “Cúc thủy nguyệt tại thử” (Vốc nước trông thấy mặt trăng ở lòng bàn tay) bị nhà vua và các đại thần chê, dù Đỗ Quang đang giữ chức Tham tri bộ Lễ. Đọc đề thi, vua Thiệu Trị cho rằng: “Đó là cái hư huyễn rất khó làm ra bài. Không biết sĩ tử cấu tứ thế nào cho hay”. Còn Trương Đăng Quế thì bảo: “Đề bài ấy dầu sĩ tử ở ngoài đến 2 - 3 ngày làm cũng không đủ khả quan được”.

Ông Ích Khiêm năm ấy mới chỉ 15 tuổi. Chủ khảo trường thi năm ấy là Trạng nguyên Vũ Duy Thanh khi xem bài đã chấm đỗ với lời phê: “Bài này tuy lời văn không được chải chuốt, chữ viết xấu nhưng ý tứ dồi dào. Qua bài này, ta thấy thí sinh phải là người có lòng yêu dân thương nước cao, có chí ngang tàng, có lòng cương trực thì mới viết được như thế”.

Nhà khoa bảng trẻ nhất triều Nguyễn và bài học 'ngậm miệng, trói lưỡi'- Ảnh 1.

Ông Ích Khiêm được xem là nhà khoa bảng trẻ nhất triều Nguyễn. Ảnh minh họa: IT.

Giả trộm để chọn vợ

Đối với Quảng Nam, khoa thi này lại càng đặc biệt: Quảng Nam có đến 9 người đỗ, chiếm 20% số người thi đỗ của cả trường Thừa Thiên. Đây cũng là khoa có “ngũ phụng” của Duy Xuyên (5 người cùng đỗ).

Lại có thí sinh nhỏ tuổi nhất của khoa và có lẽ của lịch sử khoa cử nhà Nguyễn thi đỗ. Đó chính là Ông Ích Khiêm, chỉ mới 15 tuổi, người mà sau này trở thành một nhân vật lịch sử đặc biệt. Còn người thầy - cũng là người chú Ông Văn Trị lại thi trượt.

Khi danh sách sĩ tử đỗ đạt trình lên, vua Thiệu Trị thấy có sĩ tử mới 15 tuổi thì cảm thấy lạ, liền cho người đưa Ông Ích Khiêm đến để thi ngay trước mặt vua. Đầu đề nhà vua đưa ra là “thiếu niên đăng cao khoa” có nghĩa là tuổi trẻ đỗ cao. Dù lần đầu vào triều, lại phải diện kiến và làm bài thi trước mặt nhà vua, cậu thiếu niên vẫn không hề sợ hãi.

Sự kiện này được ghi chép trong “Đại Nam chính biên liệt truyện” như sau: Ông Ích Khiêm đỗ Hương tiến mới 15 tuổi. Vua Thiệu Trị cho mời vào điện cho thử lại bằng bài thơ lấy đầu đề là “Thiếu niên đăng cao khoa”. Bài làm của ông được vua ban khen, nhưng có điều tuổi còn ít chưa thể cho ra làm quan, làm hại cả tư chất tốt. Hãy chuẩn cho về quê học tập đợi sau trưởng thành tiến lên cũng chưa lấy gì làm trễ.

Giai thoại kể rằng, từ khi thi đỗ, nhiều người vai vế có ý định gả con gái cho Ông Ích Khiêm, trong đó có ông Tú Quyết họ Trương ở làng Châu Lâu, Điện Bàn. Ông Tú Quyết có hai cô con gái, nhưng Ông Ích Khiêm lại muốn xem mặt và tính tình trước mới quyết định.

Vốn tinh nghịch nên Ích Khiêm quyết định vào làng Châu Lâu, cố ý vào bẻ trộm vườn mía nhà ông Tú Quyết, để đám tuần phu bắt được dẫn vào trong nhà, hôm sau giải lên cho quan xét xử.

Hai cô con gái ông Tú Quyết cũng tò mò muốn xem kẻ nào dám to gan đột nhập vào vườn mía. Cô chị có lời khinh bỉ và dặn gia nhân phải bỏ đói cho chừa thói ăn trộm. Trong khi đó cô em có phần thương cảm, lén đưa cơm nước cho tên trộm ăn. Từ việc này mà Ông Ích Khiêm chọn được vợ.

Sáng hôm sau, trước khi dẫn tên trộm lên huyện xét xử, ông Tú Quyết cho người báo cho các hương chức biết để cử một vị đến nghe. Vị hương chức đến nơi, thấy Ông Ích Khiêm bị trói giữa sân, liền vội sụp lạy mà nói “Tại sao quan Cử lại đến như thế này”. Lúc này mọi người mới biết kẻ trộm là ai, vội vàng cởi trói và xin lỗi rối rít, hỏi rõ mới biết ngọn ngành câu chuyện.

Nhà khoa bảng trẻ nhất triều Nguyễn và bài học 'ngậm miệng, trói lưỡi'- Ảnh 2.

Cuộc đời làm quan của Ông Ích Khiêm gắn liền với những cuộc dẹp loạn. Ảnh minh họa: IT.

Tướng tài chịu vạ oan

Sinh ra ở Đà Nẵng nhưng cuộc đời làm quan của Ông Ích Khiêm lại gắn bó nhiều các tỉnh phía Bắc. Chức quan đầu tiên ông được bổ nhiệm là Tri huyện Kim Thành (Hải Dương).

Năm 1861, Tạ Văn Phụng tự xưng là con cháu nhà Lê, dấy binh nổi loạn nhằm lật đổ nhà Nguyễn. Quân nổi loạn chiếm đóng một vùng rộng lớn ở Quảng Yên (thuộc Quảng Ninh) và Hải Dương. Vua Tự Đức sai quân đánh dẹp, hao tổn binh tướng suốt 4 năm chưa dẹp được.

Năm 1865, Ông Ích Khiêm đưa quân phá được, dẹp yên nổi loạn, thu phục được Quảng Yên và Hải Ninh. Với chiến công này, ông được thăng làm Hồng lô tự khanh Biện lý bộ Lễ.

Năm 1867, vua Tự Đức thăng ông làm Thị lang bộ Binh. Lúc này ở Bắc Ninh có đám thổ phỉ từ Trung Quốc kéo sang, triều đình sung thêm cho ông chức Tiễu phủ sứ đến Bắc Ninh đánh dẹp. Ông đã dẹp đám thổ phỉ, giúp dân chúng nơi đây được bình yên.

Năm 1868, dư đảng Thái Bình Thiên Quốc là Ngô Côn cho quân tấn công chiếm được Cao Bằng. Ông Ích Khiêm được phong làm Tán lý quân thứ Lạng Bình, cùng các tướng đưa quân đến Cao Bằng.

Tại đây ông lập công, Ngô Côn thua trận phải chạy trốn. Năm 1869, Ngô Côn cho quân bất ngờ vây chặt thành Bắc Ninh. Ông Ích Khiêm đang ở huyện Kim Anh (nay thuộc Sóc Sơn, Hà Nội) đưa quân đến ứng cứu, kết quả đánh bại và tiêu diệt được Ngô Côn.

Giai đoạn này đám phỉ ở miền Bắc từ nhà Thanh tràn sang rất nhiều, suốt từ năm 1870 - 1874, Ông Ích Khiêm cầm quân đánh phỉ các nơi, lập công trạng, bắt nhiều tướng phỉ, đặc biệt là chiến công đánh bại quân Cờ Vàng, bắt sống thủ lĩnh Hoàng Sùng Anh.

Nhìn thấy bọn quan quân nhà Thanh nghênh ngang, và trong cảnh triều đình phải chấp nhận lấy lương thực, tiền bạc của dân nuôi cánh quân này. Ông Ích Khiêm đã làm bài thơ chê trách bọn quan “bất tài vô tướng” của triều Nguyễn và cảnh báo triều đình về hậu họa đối với chủ trương “mở cửa cho quân Thanh tiễu phỉ”.

Nhà khoa bảng trẻ nhất triều Nguyễn và bài học 'ngậm miệng, trói lưỡi'- Ảnh 3.

Khu lăng mộ Ông Ích Khiêm.

“Áo chúa cơm vua đã bấy lâu/Đến khi có giặc lại thuê Tàu/Từng phen võng giá mau chân nhảy/Đến bước chông gai thấy mặt đâu!/Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp/Trâu dê ngày hiến đứa răng bầu/Ai ơi! hãy chống trời Nam lại/Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu!”.

Ông Ích Khiêm nổi tiếng là người văn võ song toàn, chính trực, làm tướng lắm mưu lược và yêu thương binh sĩ. Tuy nhiên, ông là người chính trực, ghét xu nịnh, hơn nữa cách ăn nói bốc đồng đã khiến ông không được ban thưởng xứng đáng, lại lắm lần bị trách phạt, biếm chức.

Đầu năm 1884, Ông Ích Khiêm dẫn quân đi tiễu trừ cuộc nổi dậy của dân thiểu số ở Trà My (Quảng Nam). Dẹp yên xong, ông đem 50 lính đi thẳng về quê nhà, bị Ngự sử đàn hặc là “tự tiện bắt binh mã đi, giao thông với phủ đệ” nên ông bị cách chức đày đi an trí ở Bình Thuận.

Tại đây, ông viết bài thơ: “Mình ốc mang rêu rửa sạch ai/Rung cây nhát khỉ thói quen hoài/Mèo quào phên đất chi khờn sức/Sứa vượt qua đăng mới gọi tài/Cậy mạnh chớ quen rờ dái ngựa/Mình cao đừng ỷ đứng đầu voi/Truông qua chứa khỏi đừng khinh khái (cọp)/ Chim xổ lồng ra để đó coi!”.

Tháng 6 năm ấy, vua Kiến Phúc đột ngột băng hà khiến trong và ngoài triều hết sức xôn xao. Ở trong quân lao Bình Thuận, Ông Ích Khiêm hay tin liền nhịn đói luôn bốn ngày, viết di chúc rồi uống thuốc độc chết.

Bản di chúc căn dặn các con của mình, trong đó có đoạn: “Hàng em, hàng con, mỗi người nên ngậm miệng, trói lưỡi, chớ có khinh dễ lạm dụng lời nói; hãy lấy ở ta mà làm gương soi sáng thì tránh xa tai vạ đấy”.

Nhà khoa bảng trẻ nhất triều Nguyễn và bài học 'ngậm miệng, trói lưỡi'- Ảnh 4.

Bản di chúc của Ông Ích Khiêm dặn con cháu 'ngậm miệng, trói lưỡi'.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại