Người ở trong khu phong tỏa không đi xét nghiệm xử lý thế nào?

N. Huyền |

“Toàn bộ người trong khu phong tỏa đều phải coi là F1, phải xét nghiệm. Ai không thực hiện thì phải đưa đi cách ly tập trung”, Chủ tịch TP Hà Nội tuyên bố. Người trong khu phong tỏa trốn tránh đi xét nghiệm vi phạm quy định nào?

Tạm thời phong tỏa các ngõ quanh ổ dịch phường Thanh Xuân Trung để tiến hành bóc tách F0 khỏi cộng đồng. (Ảnh minh hoạ)

Tạm thời phong tỏa các ngõ quanh ổ dịch phường Thanh Xuân Trung để tiến hành bóc tách F0 khỏi cộng đồng. (Ảnh minh hoạ)

Tại buổi làm việc với quận Thanh Xuân sáng 25/8, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch TP Hà Nội đã chỉ đạo: “Toàn bộ người trong khu phong tỏa đều phải coi là F1, phải xét nghiệm. Ai không thực hiện thì phải đưa đi cách ly tập trung”.

Trao đổi với phóng viên Infonet về vấn đề này, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng: Tất cả những người trong khu vực phong tỏa thì khi có triệu chứng phải báo ngay để được xét nghiệm sớm, tách F0 ra cộng đồng, tránh nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

“Đây là tuyên truyền vận động. Vì bản chất không phải tất cả người sống trong vùng phong toả đều là F1, mình không bắt làm gì cả.

Những nhóm đối tượng bắt buộc phải làm xét nghiệm mà cố tình không đi thì đã được quy định tại Luật phòng chống truyền nhiễm, Nghị định hướng dẫn luật đã có các quy định, điều khoản hướng dẫn cụ thể rồi”, ông Tuấn nói.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trịnh Thị Việt Kiều (Công ty Luật HTC Việt Nam - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, người dân đang sinh sống tại các khu vực bị phong tỏa do Covid-19 cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của cơ quan có thẩm quyền.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (Covid-19) là “bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu”. Do đó, hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh COVID-19 sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng, quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Theo luật sư, căn cứ khoản 4 điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, mức tiền phạt với vi phạm nêu trên là mức trung bình của khung tiền phạt. Như vậy, trường hợp này, mức trung bình của khung là 2 triệu đồng. Nếu có tình tiết giảm nhẹ, mức tiền phạt có thể giảm xuống, nhưng không được thấp hơn 1 triệu đồng. Nếu có tình tiết tăng nặng, mức tiền phạt có thể tăng lên, nhưng không được quá 3 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định 117/2020/NĐ-CP cũng quy định rất cụ thể, chi tiết về loạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt theo từng chức danh...

Trường hợp trốn tránh, không chịu xét nghiệm Covid-19 mà làm lây lan dịch bệnh cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người", theo Điều 240 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Khung hình phạt thấp nhất với tội danh này là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ một năm đến 5 năm; hình phạt tù cao nhất đến 12 năm tù.

“Hiện nay dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương,… Các biện pháp giãn cách xã hội, xét nghiệm diện rộng, tiêm vắc xin đang được tiến hành nhằm khống chế dịch bệnh. Hành vi trốn xét nghiệm nói riêng và các hành vi vi phạm quy phạm phòng chống dịch nói chung sẽ gây khó khăn cho công tác dập dịch, ảnh hưởng đến bản thân mỗi người cũng như toàn thể cộng đồng”, luật sư Trịnh Thị Việt Kiều nhấn mạnh.

Khu vực không có yếu tố dịch bệnh phát sinh thành ổ dịch

Sáng 25/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại phường Thanh Xuân Trung. Ông Chu Ngọc Anh cho rằng, từ căn cứ khoa học, việc lấy mẫu chưa “quét” trúng vùng đỏ, nhóm đỏ nên mới có chuyện bùng phát dịch bệnh. Vì vậy, quận cần xem xét xét nghiệm theo dịch tễ, di biến động của F0, F1, tranh thủ từng giờ, từng ngày để nhanh chóng sàng lọc.

Lý giải việc lấy mẫu chưa “quét” trúng vùng đỏ, nhóm đỏ, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, mấu chốt nhất hiện nay vẫn là việc người dân có triệu chứng, hoặc thậm chí không có triệu chứng nhưng cảm thấy sức khoẻ có vấn đề, nghi vấn liên quan đến Covid-19 phải khai báo ngay để được lấy mẫu xét nghiệm.

Nếu người dân phối hợp, khai báo thông tin tốt để được lấy mẫu xét nghiệm kịp thời thì vẫn có thể phát hiện được từ trước.

“Nhưng nhiều người dân bây giờ ngại khai báo vì đang giãn cách xã hội. Nếu khai báo đi chỗ này, chỗ kia thì là vi phạm quy định cách ly xã hội. Đó cũng là một khó khăn để phát hiện các ca bệnh”, ông Tuấn nêu vấn đề.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại