Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khởi công trụ sở Đại sứ quán Mỹ

Tin-ảnh: Dương Ngọc |

Sáng nay 15-4, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cùng dự lễ khởi công khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội

Bày tỏ vui mừng khi dự lễ khởi công, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gửi tới tất cả đại diện của Chính phủ Việt Nam và đội ngũ của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ đang có mặt ở sự kiện, cũng như các các đồng nghiệp từng làm việc và các đồng nghiệp đương nhiệm: "Cảm ơn tất cả các bạn đã nỗ lực để biến ngày lịch sử này trở thành hiện thực".

Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khởi công trụ sở Đại sứ quán Mỹ - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cùng các đại biểu khởi công trụ sở Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội

Theo Ngoại trưởng Mỹ, sự kiện này đã được chuẩn bị trong nhiều năm, và đó là kết quả đỉnh cao có được nhờ sự gắn kết tận tâm và sáng tạo giữa rất nhiều nhà ngoại giao Mỹ và Việt Nam.

"Tôi đã được tận mắt chứng kiến điều này khi đến thăm Hà Nội cách đây vài năm với tư cách Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ; khi đó hai nước chúng ta đang phối hợp tìm đất cho khu phức hợp này.

Giờ đây, lễ khởi công này - và đại sứ quán mới mà chúng tôi sẽ xây dựng ở đây - thể hiện một bước tiến to lớn nữa trong việc tăng cường mối quan hệ đối tác quan trọng giữa hai quốc gia và nhân dân hai nước chúng ta"- ông nói.

Năm 1995, Ngoại trưởng Warren Christopher đến Hà Nội để thực hiện bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam. Khi đó, việc đại sứ quán Mỹ bđi vào hoạt động là một phần quan trọng của nỗ lực đó.

Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khởi công trụ sở Đại sứ quán Mỹ - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại lễ khởi công khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội

"Hồi đó, mọi thứ có vẻ hơi khác ở đại sứ quán Mỹ. Đại sứ quán lúc đó có chưa đến 30 nhân viên người Mỹ. Và họ thực hiện phần lớn công việc của mình bằng một công nghệ thú vị, cho phép họ giao tiếp tức thì với đồng nghiệp trên khắp thế giới, đó là máy fax.

Kể từ đó, một vài điều đã thay đổi. Email đã thay thế fax. Và từ một đội ngũ nhỏ khi Đại sứ quán đi vào hoạt động, đến nay Đại sứ quán của chúng tôi đã phát triển thành một tập thể gồm hơn 600 nhân viên người Mỹ và nhân viên địa phương"- ông hồi tưởng.

Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, trong 27 năm qua, sự kết nối giữa Việt Nam và Mỹ cũng ngày càng bền chặt. "Điều đó có được một phần không nhỏ nhờ là sự hiện diện ngoại giao mới của chúng tôi tại Hà Nội, và nhờ đội ngũ nhân viên xuất sắc của chúng tôi tại Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán tại TP HCM. Họ đã nỗ lực không ngừng để tạo dựng mối quan hệ phát triển mạnh mẽ, năng động và quan trọng, vì lợi ích của nhân dân hai nước, khu vực và thế giới"- ông đánh giá.

Năm nay, hai nước kỷ niệm 10 năm hợp tác thông qua quan hệ Đối tác Toàn diện. Hai nước hợp tác về mọi mặt, từ nâng cao sức khỏe cộng đồng, đến mở rộng các cơ hội kinh tế mang tính bao trùm, đến đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

"Chúng ta đang thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, kết nối, thịnh vượng, an toàn và có sức chống chịu mạnh mẽ, một khu vực hòa bình và đạt được những điều này từ sự tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Và chúng ta đang tiếp tục hợp tác để giải quyết các vấn đề chiến tranh để lại ở Việt Nam"- Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Ông cho rằng trong gần 3 thập kỷ qua, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội có vai trò quan trọng đối với những nỗ lực chung này, và nhiều nỗ lực khác nữa. "Khu phức hợp Đại sứ quán mới này sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp nối nền tảng đó trong nhiều thập kỷ tới, để đáp ứng những thách thức hiện đại và mang lại lợi ích cho người dân của hai nước chúng ta"- ông Blinken kỳ vọng.

Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khởi công trụ sở Đại sứ quán Mỹ - Ảnh 3.

Phối cảnh trụ sở khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội

"Tòa nhà mới của Đại sứ quán sẽ cao 8 tầng và đủ lớn để tập hợp toàn bộ nhân sự của chúng tôi về dưới một mái nhà, điều này sẽ giúp đội ngũ phối hợp thuận tiện và hiệu quả hơn. Chúng tôi sẽ có thể tăng số quầy làm thủ tục lãnh sự lên gấp 4 lần hiện nay, nhờ đó chúng tôi có thể cấp thị thực và hộ chiếu cho nhiều người hơn và nhanh chóng hơn. Và ước tính trong 6 năm xây dựng, dự án xây dựng này sẽ cung cấp việc làm chất lượng cho khoảng 1.800 lao động địa phương, đồng thời đóng góp thêm 350 triệu USD cho nền kinh tế Việt Nam"- Ngoại trưởng Mỹ nói.

Ông cho biết kiến trúc của Đại sứ quán cũng là sự kết hợp của văn hóa và hai quốc gia chúng ta. Khu phức hợp do một công ty Mỹ thiết kế và được lấy cảm hứng từ sự kết hợp giữa cảnh quan Việt Nam và kiến trúc đô thị Hà Nội.

Phần nền móng của tòa nhà sẽ được làm từ đá bazan – một loại đá có mặt ở cả Việt Nam và Mỹ. Kiến trúc của Đại sứ quán cũng là minh chứng cho cam kết chung của hai quốc gia đối với việc đảm bảo tính bền vững về môi trường và khả năng chống chịu mạnh mẽ với biến đổi khí hậu. Phần lớn khu phức hợp Đại sứ quán được xây dựng bằng vật liệu tái chế và thiết kế của Đại sứ quán sẽ vừa tiết kiệm năng lượng vừa giảm thiểu nguy cơ bị ngập khi có bão lớn.

"Năm 1995, khi Bộ trưởng Christopher khai trương tòa nhà Đại sứ quán của chúng tôi tại Hà Nội, ông đã nói về việc xây dựng cầu nối hợp tác giữa hai quốc gia chúng ta. Vào thời điểm đó, không ai có thể hình dung về những bước phát triển mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa hai nước chúng ta, điều mà ngày nay, sau gần ba thập kỷ, chúng ta đều thấy rõ. Đây cũng là những điều mà tòa nhà Đại sứ quán, cũng chính là nhịp cầu giữa hai nước, đã góp phần mang lại. Với khu phức hợp mới này, chúng tôi sẽ có thể thúc đẩy nhiều kết nối hơn nữa, cùng với đó là các mối quan hệ, sự đổi mới và cơ hội"- Ngoại trưởng Mỹ kết thúc bài phát biểu trong tiếng vỗ tay của các đại biểu dự lễ khởi công.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh dự án là nỗ lực đã được thực hiện trong nhiều năm của 2 nước với sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan. Ngay trước chuyến thăm của ngoại trưởng, TP đã vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết phần còn lại của Khu đô thị mới Cầu giấy tỷ lệ 1/500 tại ô quy hoạch ký hiệu D30 – đây là điều kiện quan trọng để triển khai các thủ tục liên quan nhằm thực hiện thoả thuận xây dựng trụ sở Đại sứ quán. UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, Đại sứ quán Mỹ trong quá trình xây dựng, hỗ trợ dự án đạt được mục tiêu, tiến độ đề ra.

Trước đó, ngày 25-8-2021, trong chuyến thăm Việt Nam, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã dự lễ ký thoả thuận thuê đất để xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.

Khu đất là Lô D30, đường Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Thời hạn cho thuê đất 99 năm.

Trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ có quy mô xây dựng 39.000 m2 trên diện tích 3,2 ha. Ngân sách xây dựng trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ dự kiến là 1,2 tỉ USD.

Tập đoàn EYP Architecture & Engineering có trụ sở tại Washington D.C là đơn vị phụ trách kiến trúc, cùng phối hợp với một đội ngũ các chuyên gia để cung cấp những giải pháp thiết kế và kỹ thuật tiên tiến nhất.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 14-4 đến 16-4 theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Theo chương trình, hôm nay 15-4, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Nhà khách Chính phủ; tiếp kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trụ sở Trung ương Đảng; tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại trụ sở Chính phủ; hội kiến với Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Lê Hoài Trung; dự Lễ động thổ khởi công xây dựng trụ sở Đại sứ quán mới của Mỹ tại quận Cầu Giấy, gặp mặt báo giới và có một số hoạt động khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại