Ngoài Nga, Mỹ sẽ cạnh tranh với đối thủ nào để bán vũ khí cho VN?

Ly Vy |

Ngoài Nga là nhà cung cấp vũ khí chủ lực lâu năm, Việt Nam còn mua sắm trang thiết bị quân sự từ một số quốc gia khác.

TASS cho biết, vào ngày 23/05 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

Điều này cho phép Hà Nội đa dạng hóa các nguồn cung cấp vũ khí và tạo cơ hội cho các công ty quốc phòng Mỹ mở rộng thị trường.

Song, các chuyên gia đánh giá, ngoài Nga, Mỹ sẽ gặp phải nhiều đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường Việt Nam.

Greg Poling, chuyên gia châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết, Việt Nam đã mua radar từ Israel, tàu tuần tra của Nhật Bản, Hàn Quốc và có thể mua tên lửa từ Ấn Độ.

Danh sách này chưa dừng lại tại đó. Để có cái nhìn toàn cảnh hơn về thị trường vũ khí Việt Nam, hãng tin TASS đã thống kê những quốc gia đã, đang và sẽ cung cấp các trang thiết bị vũ khí cho Hà Nội.

Ngoài Nga, Mỹ sẽ cạnh tranh với đối thủ nào để bán vũ khí cho VN? - Ảnh 1.

Theo Báo cáo chuyển giao vũ khí thông thường của Liên Hiệp Quốc, trong giai đoạn 1995 - 2015, Việt Nam đã nhập khẩu số lượng vũ khí như sau:

- 5 xe chiến đấu bọc thép

- 69 máy bay các loại

- 8 tàu chiến bao gồm cả tàu ngầm

- 143 hệ thống tên lửa

Trong giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam đã nhập khẩu vũ khí và thiết bị quân sự với giá trị lên đến 4,1 tỷ USD (đứng thứ 8 trên thế giới, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm).

So sánh với giai đoạn 2006 - 2010, khối lượng mua sắm của Việt Nam đã tăng gấp 7 lần.

Các nhà cung cấp vũ khí cho Việt Nam bao gồm:

1. Nga

Theo truyền thông, hơn 90% vũ khí nhập khẩu của Việt Nam là từ Nga.

- Tàu ngầm đề án 636.1:

Năm 2009, Việt Nam và Nga đã ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm diesel-điện thuộc đề án 636.1 lớp Kilo. Tổng giá trị hợp đồng (bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo thủy thủ đoàn,...) lên đến 4 tỷ USD.

Ngoài Nga, Mỹ sẽ cạnh tranh với đối thủ nào để bán vũ khí cho VN? - Ảnh 2.

Tàu ngầm Kilo Thành phố Hồ Chí Minh.

Hải quân Việt Nam đã đưa vào biên chế 4 tàu đầu tiên, chiếc tàu thứ 5 đã được đưa tới căn cứ Cam Ranh còn chiếc thứ 6 hiện đang được thử nghiệm cấp nhà máy.

Các tàu ngầm thuộc đề án 636.1 có lượng giãn nước 3.100 tấn và được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm, có thể phóng được tên lửa thuôc tổ hợp Klub-S (phiên bản xuất khẩu của hệ thống Kalibr).

Các tên lửa này có tầm bắn 300km và có thể tiêu diệt mục tiêu là tàu chiến mặt nước hoặc trên đất liền.

- Tàu Gepard:

Từ năm 2007, nhà máy đóng tàu Zelendolsk thuộc nước Cộng hòa Tatarstan - Nga đã đóng 4 tàu đề án 11661E lớp Gepard 3.9 cho Việt Nam.

Hợp đồng 2 tàu đầu tiên được ký vào năm 2006 với giá trị 350 triệu USD và hợp đồng 2 tàu tiếp theo ký vào năm 2013 với giá trị khoảng 700 triệu USD.

Ngoài Nga, Mỹ sẽ cạnh tranh với đối thủ nào để bán vũ khí cho VN? - Ảnh 3.

Tàu Gepard 3.9 thứ 3 và thứ 4 của Việt Nam.

Hai tàu đầu tiên hiện đang trong biên chế Hải quân Việt Nam, chiếc tàu thứ 3 vừa được hạ thủy vào hồi tháng 4 vừa qua và dự kiến chiếc thứ 4 sẽ hạ thủy trong tháng 5 này.

Các tàu đề án 11661E có lượng giãn nước đầy tải 2.100 tấn. Vũ khí trang bị gồm 8 tên lửa chống hạm Uran-E có tầm bắn 130km, pháo hạm AK-176M, 2 pháo AK-630M, tàu cũng được trang bị sàn đáp cho trực thăng Ka-28.

- Kể từ giữa những năm 1990, nhà máy đóng tàu Vympel, Nga đã chuyển giao 4 tàu tên lửa thuộc đề án 1241RE cho Việt Nam, giá trị hợp đồng này không được công bố.

- Tàu tên lửa thuộc đề án 1241.8:

Năm 2006, Nga và Việt Nam đã ký hợp đồng trị giá 1 tỷ USD, theo đó Nga đóng 2 tàu tên lửa thuộc đề án 1241.8 tại nước này và đóng 6 tàu tại Việt Nam.

2 tàu cuối cùng đã được hạ thủy lần lượt vào ngày 14, 15/04 vừa qua và hiện tại đang tiến hành thử nghiệm.

Ngoài Nga, Mỹ sẽ cạnh tranh với đối thủ nào để bán vũ khí cho VN? - Ảnh 4.

Tàu tên lửa thuộc đề án 1241.8 mang số hiệu 380 của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Các tàu tên lửa thuộc đề án 1241.8 có lượng giãn nước đầy tải 517 tấn và trang bị 16 tên lửa chống hạm Uran-E.

- Lực lượng Phòng không Không quân Việt Nam trong giai đoạn 2004 - 2012 đã nhận từ Nga 24 máy bay Su-30MK2 trong 3 hợp đồng riêng biệt.

- Năm 2013, Việt Nam ký hợp đồng với Tập đoàn Rosoboronexport - Nga để mua thêm 12 chiếc Su-30MK2 với giá trị lên đến 600 triệu USD.

Dự kiến, 4 chiếc Su-30MK2 cuối cùng trong hợp đồng này sẽ được chuyển giao cho Việt Nam trong năm 2016.

2. Mỹ

- Tháng 10/2014, Chính quyền Tổng thống Obama đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam từ năm 1984.

- Vào tháng 06/2015, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam 18 triệu USD để mua 6 tàu tuần tra do công ty Metal Shark của nước này chế tạo.

Ngoài Nga, Mỹ sẽ cạnh tranh với đối thủ nào để bán vũ khí cho VN? - Ảnh 5.

Máy bay tuần thám biển P-3C Orion hiện đang được Việt Nam quan tâm.

3. Israel

- Trong giai đoạn 2013 - 2014, Việt Nam đã mua 2 radar cảnh giới ELM-2288ER do Israel chế tạo.

Ngoài Nga, Mỹ sẽ cạnh tranh với đối thủ nào để bán vũ khí cho VN? - Ảnh 6.

Radar ELM-2288ER.

4. Các quốc gia khác

- Năm 2006, Việt Nam mua từ Ukraine 4 tiêm kích-bom Su-22, vào năm 2010 mua 4 máy bay huấn luyện Yak-152 từ Romania.

- Năm 2013, thông tin cho biết Tập đoàn đóng tàu Damen của Hà Lan và Việt Nam đã tiến tới thỏa thuận đóng 2 tàu hộ vệ tên lửa Sigma 9814, giá trị hợp đồng này dự tính lên đến 500 triệu Euro.

- Năm 2015, nhà máy đóng tàu tư nhân Marine Projects của Ba Lan đã đóng cho Hải quân Việt Nam tàu buồm huấn luyện Lê Quý Đôn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại