"Ngày vui" kết thúc ở Syria, TT Putin và TT Erdogan sắp "đối đầu"?

Mạnh Kiên |

Các cuộc nói chuyện giữa hai nhà lãnh đạo Erdogan và Putin đã không còn. Tổng thống Erdogan buộc phải thay đổi vì Nga không quan tâm đến lợi ích Thổ Nhĩ Kỳ.

Xói mòn lòng tin

"Nga tất nhiên là một đối tác chiến lược. Bạn sẽ mất bao nhiêu giờ để đi đến Washington? Còn mất bao lâu để đến Moscow?", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng nói về sự ưu tiên trong quan hệ với Nga cách đây hai năm trước.

"Chúng tôi có các khoản đầu tư chiến lược chung, từ đường ống dẫn năng lượng đến lò phản ứng hạt nhân. Chúng tôi có lợi ích chung trong ngành công nghiệp quốc phòng, tăng cường thương mại song phương và du lịch, v.v…"

Thời điểm đó đánh dấu một mốc cao trong quan hệ giữa ông Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Hai nhà lãnh đạo thường xuyên điện đàm để định hình chiến lược cho cả hai nước.

Có thời điểm, họ đã đạt đến mức độ tin tưởng đến nỗi đích thân ông Putin sẽ đích thân trình bày những quan điểm đặc biệt cho ông Erdogan.

Theo Middle East Eye, không có gì lạ khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có mối quan hệ hữu nghị, vì hai nước đã có xu hướng "đồng thuận trong sự bất đồng" suốt nhiều thập kỷ.

Nhưng mối quan hệ đang phát triển giữa cá nhân ông Erdogan và ông Putin là điều đặc biệt, đặc biệt là vì cả hai từng đối đầu đến mức không nhìn mặt nhau vào năm 2015 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn chiến đấu cơ của Nga.

Tổng thống Erdogan vỡ mộng với phương Tây và đang tìm kiếm một chính sách đối ngoại độc lập hơn sau âm mưu đảo chính năm 2016 - điều mà ông cho rằng được chính phương Tây hậu thuẫn.

Với Tổng thống Putin, ông Erdogan có những lợi ích chung, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng Syria, nơi cả hai nước đang tận dụng lợi thế quân sự của mình để hạn chế sự hiện diện của Mỹ trong mục tiêu hỗ trợ người Kurd. Moscow nỗ lực hỗ trợ chính quyền Syria và từng bước giành quyền kiểm soát lãnh thổ, trong khi Mỹ là một trở ngại.

Đối với Ankara, các lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn có liên hệ với đảng Công nhân Kurdistan (PKK) ở Syria là một mối đe dọa hiện hữu dọc theo biên giới của nước này, đặc biệt khi phe đối lập Syria giờ không còn ở vị thế chiến thắng trong cuộc nội chiến.

Ngày vui kết thúc ở Syria, TT Putin và TT Erdogan sắp đối đầu? - Ảnh 2.

Nga không hài lòng vì Thổ Nhĩ Kỳ không loại bỏ các phần tử cực đoan ở Idlib.

Một chiến lược mới là cần thiết để ngăn chặn cuộc khủng hoảng người tị nạn trong khi ngăn chặn sự xuất hiện của một "nhà nước PKK" dọc theo toàn bộ biên giới phía Bắc.

Erdogan rất thích "tình bạn" với Putin vì ông cảm thấy rằng, không giống như các tổng thống và quan chức Mỹ, nhà lãnh đạo Nga luôn tôn trọng những lời hứa của mình và thực hiện trong nhiều lĩnh vực, từ việc bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 gây tranh cãi đến các dự án đường ống năng lượng.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, mối quan hệ này đang gặp nhiều sóng gió. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang bị cuốn vào một cuộc cạnh tranh khu vực chống lại Nga ở ba quốc gia riêng biệt, trải dài từ Bắc Phi đến Trung Đông và Caucasus.

Các máy bay không người lái có vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ đã phá hủy các hệ thống phòng không do Nga sản xuất ở ba khu vực xung đột nói trên.

Sự xói mòn lòng tin giữa ông Erdogan và ông Putin đã đóng một vai trò quan trọng trong việc khiến hai nước chống lại nhau.

Khủng hoảng Libya

Những rạn nứt đầu tiên trong mối quan hệ song phương bắt đầu xuất hiện vào tháng 1, khi Nga không thực hiện được lệnh ngừng bắn ở Libya. Tướng Khalifa Haftar của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đột ngột rời hội nghị thượng đỉnh ở Moscow sau khi Chính phủ Hiệp ước Quốc gia Libya (GNA) đã đồng ý cho một thỏa thuận.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng ông Putin vẫn tiếp tục ngầm ủng hộ lãnh đạo LNA về mặt quân sự để bảo vệ chỗ đứng ở Libya

Đáng chú ý, bản thân ông Erdogan đã thể hiện sự tức giận khi nói với báo chí rằng Nga thực sự đang ủng hộ lực lượng của tướng Haftar bằng cách triển khai lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner trên thực địa, mặc dù phía Moscow đã không lên tiếng gì về cáo buộc này.

Khi các lực lượng liên kết với GNA hồi đầu năm nay chấm dứt cuộc bao vây Tripoli do tướng Haftar triển khai, Nga cũng được cho là đã triển khai thêm máy bay chiến đấu và lính đánh thuê từ Syria tới Libya trong nỗ lực giữ lấy khu vực Sirte giàu dầu mỏ .

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Putin và Erdogan chỉ thực sự đi xuống sau khi cuộc khủng hoảng Syria gia tăng ở Idlib. Chính quyền Syria và Nga đã chấm dứt lệnh ngừng bắn mong manh ở pháo đài cuối cùng của phe đối lập tại Idlib, sau khi Putin nhận ra rằng, ông đã đạt được mục tiêu của mình ở Syria vào năm ngoái.

Ngày vui kết thúc ở Syria, TT Putin và TT Erdogan sắp đối đầu? - Ảnh 3.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường thêm quân lực ở Idlib.

Thỏa thuận giữa ông với Erdogan đã hết hiệu lực vào tháng 10 năm ngoái, khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các chiến dịch giải phóng một phần lớn đất Syria của các chiến binh dân quân người Kurd.

Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh rút các lực lượng Mỹ khỏi miền Bắc Syria, nhường lãnh thổ cho Nga kiểm soát. Cùng với đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã mất đi đòn bẩy chính với Nga. Tổng thống Putin không còn cần Thổ Nhĩ Kỳ để cân bằng sự hiện diện của Mỹ ở Syria, bởi vì Washington đã rút khỏi cuộc chơi.

Idlib leo thang

Nga tiếp tục làm nóng mọi thứ ở Idlib, với các cuộc tấn công không thường xuyên nhằm chiếm thêm lãnh thổ và xóa bỏ pháo đài cuối cùng của phe đối lập. Khi các cuộc tấn công của Syria và Nga vào Idlib leo thang vào tháng 3, các trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu được tăng cường lực lượng.

Khi cuộc giao tranh tiến triển, ông Erdogan gọi điện cho ông Putin nhưng không có kết quả. Khi ông Erdogan kêu gọi ngừng tấn công, ông Putin vẫn giữ quan điểm quân đội Syria chỉ đang tiến hành chiến dịch chống khủng bố, vì Ankara đã thất bại trong việc loại bỏ các phần tử cực đoan, cụ thể là nhóm Ha'yat Tahrir al-Sham (HTS) ra khỏi Idlib.

Ông Erdogan đe dọa đáp trả quân sự để chiếm lại lãnh thổ đã mất. Những cuộc điện thoại căng thẳng. Không bên nào lùi bước, và lần đầu tiên, Tổng thống Putin không nhún nhường.

Một phái đoàn Nga tới thăm Ankara trong những ngày tiếp theo thậm chí còn yêu cầu các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi Afrin, đe dọa một cách rõ ràng đối với quyền kiểm soát mà Thổ Nhĩ Kỳ đang thiết lập dọc theo biên giới phía Bắc.

Cuộc xung đột vào tháng 2 và tháng 3 cuối cùng đã dẫn đến cái chết của hơn 59 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng, một cuộc tấn công của không quân Nga là nguyên nhân trực tiếp khiến hàng chục binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.

Tổng thống Erdogan giữ vững lập trường của mình, nhưng đã tiến hành một cuộc phản công trong bối cảnh gia tăng lo ngại về đại dịch Covid-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nhận ra rằng phía Tổng thống Putin không quan tâm đến những lo ngại chính của Ankara về cuộc khủng hoảng nhân đạo và làn sóng tị nạn đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Kể từ đó, ông đã quay lại quyến rũ Washington, đình chỉ việc kích hoạt hệ thống S-400 và ban hành các miễn trừ xuất khẩu đặc biệt để vận chuyển máy thở và thiết bị y tế cần thiết đến Mỹ.

Thay đổi cân bằng

Hiện tại, các cuộc nói chuyện giữa hai nhà lãnh đạo Erdogan và Putin hầu như không còn. Các nhà ngoại giao Nga và các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ hiếm khi đạt được sự thấu hiểu - chưa nói đến một thỏa thuận - về bất kỳ vấn đề nào.

Nhưng cuộc phiêu lưu của Tổng thống Erdogan ở Syria và Libya đã mang lại cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ một kỹ năng chưa từng có trước đây. Việc sử dụng máy bay không người lái vũ trang và lực lượng ủy nhiệm được hỗ trợ bởi năng lực quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi trạng thái cân bằng ở Idlib và trên các chiến trường ở Libya.

Đó là lý do tại sao Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng nhiều hơn và trực tiếp tham gia vào các cuộc đụng độ mới nhất của Armenia và Azerbaijan. Lần này, Tổng thống Erdogan không lùi bước khi Baku yêu cầu giúp đỡ.

Ankara tỏ ra tự tin hơn trong các hoạt động ở nước ngoài khi cảm thấy rằng các động thái của ông Putin chống lại lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Erdogan buộc phải thay đổi vì ông tin rằng Nga không quan tâm đến lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại