Nga bán tên lửa Kornet cho Lebanon: Israel mất ngủ

Tuấn Hưng |

Việc Lebanon muốn mua tên lửa Kornet có thể khiến Israel lo lắng bởi dòng tên lửa này từng hủy diệt hàng loạt tăng Mỹ, Nga qua thực chiến tại Syria, Iraq...

Thêm lý do khiến Israel mất ngủ

Trang Sputnik dẫn lời Đại sứ Lebanon ở Nga Chawki Bou Nassar cho biết, nước này đã yêu cầu Moskva cung cấp tổ hợp tên lửa chống tăng Kornet, xe tăng T-72, trang bị pháo binh và mong đợi nhận được những vũ khí này sớm nhất có thể.

Nói về mục đích muốn mua vũ khí Nga, Đại sứ Nassar cho biết: "Lebanon cần vũ khí để chống lại quân khủng bố,...Kornet, các khẩu pháo và xe tăng T-72 mặc dù cũ - nhưng Nga hứa là sẽ tân trang, nâng cấp các xe tăng trước khi chuyển giao".

Theo vị đại sứ này, vũ khí Nga đang rất cần cho Lebanon trong nhiệm vụ đối phó với quân khủng bố nhưng việc Moskva có đồng ý bán cho Beirut những vũ khí này hay không lại là chuyện khác. Nhưng chỉ với đề xuất này của phía Lebanon cũng đã đủ khiến Israel toát mồ hôi.

Nga bán tên lửa Kornet cho Lebanon: Israel mất ngủ  - Ảnh 1.

Tên lửa 9M133 Kornet.

Tên lửa Kornet có tên đầy đủ là 9M133 Kornet là vũ khí chống tăng hạng nặng được thiết kế để tiêu diệt hầu hết các loại xe tăng chủ lực hiện tại và cả tương lai. Nó do phòng thiết kế KBP phát triển, đơn giá 125.000 USD/bệ phóng tái sử dụng và 75.000 USD/quả tên lửa.

Một tổ hợp tên lửa chống tăng Kornet gồm ba thành phần chính: đạn tên lửa 9M133 Kornet; giá phóng ba chân 9P163-1 (ảnh) và kính ngắm nhiệt 1PN79-1. Nó được vận hành bởi kíp pháo thủ 2 người, hoặc có thể gắn lên các loại xe cơ giới và kể cả tàu chiến.

Kornet sử dụng hệ dẫn đường laser lái bán tự động (SACLOS). Theo đó, khí tài trên bệ phóng sẽ làm nhiệm vụ chiếu chùm tia laser liên tục vào mục tiêu, một cảm biến ở phía sau cho phép tên lửa lái bám theo chùm tia laser đến mục tiêu.

Hệ thống điều khiển có thể chống được các biện pháp chế áp điện tử của đối phương, nhiễu thụ động và chủ động, và hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, ngày hoặc đêm.

Đạn tên lửa 9M133 Kornet nặng 27kg, dài 1,2m, đường kính thân 152mm, sải cánh 460mm. Tầm bắn của tên lửa Kornet đạt từ 100m tới 5.000m, độ chinh xác <5m.

Đầu đạn của Kornet là kiểu liều nổ kép (Tandem) có khả năng xuyên giáp thép đồng nhất 1.000-1.200mm ở sau giáp phản ứng nổ (ERA). Sức mạnh của tên lửa chống tăng Kornet đã được chứng minh trong thực chiến, ít nhất một chiếc xe tăng Merkava của Israel đã bị chiến binh Hezbollah dùng tên lửa Kornet phá hủy trong cuộc chiến tranh Lebanon 2006.

Ngoài ra, theo số liệu Tạp chí quốc phòng Jane's Defence Weekly (Anh) có được, chỉ trong thời gian từ đầu tháng 1/2014 đến tháng 4/2014, tên lửa Kornet đã nướng chín khoảng 28 chiếc tăng Abrams của quân đội Iraq.

Xe tăng Israel có dễ bị bắn hạ?

Theo thông tin mới nhất vừa được Bộ Quốc phòng Israel công khai, toàn bộ xe tăng - thiết giáp của nước này đã được lắp hệ thống phòng thủ chủ động Trophy-A - hệ thống được coi là khắc tinh của vũ khí chống tăng.

Nhà sản xuất Rafale của Israel cho biết, bộ phận quan trọng của Trophy ASPRO-A là radar EL/M 2133 băng tần F/G, có nhiệm vụ phát hiện, kiểm soát, phân loại các mối đe dọa từ tên lửa chống tăng. Radar có 4 ăng ten được gắn trên xe, cung cấp trường quan sát 360 độ, được hỗ trợ bởi các cảm biến.

Khi một tên lửa chống tăng hay đạn pháo chống tăng được bắn vào xe, máy tính trên xe dựa vào tín hiệu thu được về tên lửa thông qua radar và hệ thống cảm biến, sẽ thiết lập tính toán quỹ đạo bay, góc độ mà tên lửa sẽ tiếp cận xe tăng.

Khi mối đe dọa được xác định, máy tính sẽ tính toán thời gian và kích nổ hệ thống phóng các viên kim loại nhỏ về phía tên lửa chống tăng và vô hiệu hóa nó ở khoảng cách an toàn.

Hệ thống kích nổ bố trí hai bên hông của xe, sử dụng một tay robot nạp tự động đặt bên trong xe. Cánh tay được lập trình sẵn để hướng vụ nổ về phía mục tiêu.

Trong trường hợp tên lửa chống tăng không bị phá hủy hoàn toàn, năng lượng từ vụ nổ cũng làm giảm đáng kể, khiến quả đạn không thể thực hiện nhiệm vụ xuyên thủng vỏ giáp như mong muốn.

Trong hầu hết các cuộc thử nghiệm của Rafale, Trophy ASPRO-A hoành thành xuất sắc nhiệm vụ. Thậm chí, vụ thử được diễn ra trong một phạm vị hẹp vừa đủ để tiêu diệt tên lửa mà không gây tổn hại đến bộ binh đi kèm.

Theo giới thiệu của nhà sản xuất, hệ thống có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, có khả năng đối phó hiệu quả với nhiều mối đe dọa từ tên lửa chống tăng cùng lúc từ mọi hướng.

Ngoài chức năng bảo vệ chủ động cho xe tăng, hệ thống còn giúp phát hiện ra chổ trú ẩn của đối phương ngay sau khi tên lửa được phóng ra. Từ đó, đơn vị tham chiến có thể nhanh chóng tiêu diệt đối phương, loại bỏ mối nguy hiểm cho đơn vị.

Hiện nay, Trophy ASPRO-A được Israel trang bị nhiều nhất trên xe tăng Merkava Mk-4. Ngoài ra, hệ thống phòng thủ này còn được tích hợp trên một số dòng xe chiến đấu bộ binh của quân đội nước này.

Với cách đánh chặt của Trophy ASPRO-A, rất khó để những tên lửa như Kornet tấn công. Cần phải nhớ rằng, tại thời điểm loạt tăng Abrams của Iraq bị phá hủy, trên dòng tăng do Mỹ sản xuất này chưa được trang bị hệ thống phòng vệ đáng tin cậy.

Chính vì vậy, hiện nay, Mỹ đang nổ lực đàm phán với Israel để mua về công nghệ của Trophy ASPRO-A, tiến hành sản xuất và trang bị loạt trên dòng tăng chủ lực hiện nay của mình là M1A2 SEP.

Clip tên lửa 9M133 Kornet phá hủy xe tăng tại Syria:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại