NATO bị hạ knock-out trong đại dịch COVID-19?

Kiệt Linh |

Sự tồn tại của NATO được cho là đang bị đặt dấu chấm hỏi khi vai trò của liên minh quân sự mạnh nhất thế giới bị đánh giá là mờ nhạt trong bối cảnh các nước thành viên của họ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mang tên đại dịch COVID 19.

NATO - một liên minh đang vật lộn để chứng minh sự tồn tại của nó là cần thiết, đã tìm thấy vai trò mới của họ trong cuộc chiến không mệt mỏi nhằm chống lại đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, NATO dường như đang đóng một vai trò mờ nhạt, chưa đủ để chứng minh liên minh này là không thể thiếu trong các cuộc khủng hoảng.

Trong cuộc họp trực tuyến giữa Ngoại trưởng các nước NATO được tổ chức đầu tháng này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, "NATO được tạo ra để đối phó với các cuộc khủng hoảng. Vì thế, chúng ta có thể trợ giúp và liên minh đang đóng vai trò của mình". NATO đang hành động.

Nhưng chính xác là họ đang làm gì? Đây là những phát biểu của ông Stoltenberg: NATO sẽ cung cấp "sự trợ giúp về hậu cần, vận tải và y tế" cho các nước thành viên đang chiến đấu chống lại đại dịch COVID-19.

Hôm 30/3, một máy bay chở hàng từ Trung Quốc đã hạ cánh ở Czech để cung cấp máy thở và khẩu trang. "Đây là chuyến bay thứ ba như vậy từ Trung Quốc đến Czech... dưới sự hỗ trợ của NATO", NATO đã thông báo như vậy.

Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ - một nước thành viên của NATO được cho là phải cung cấp các mặt hàng y tế cho hai nước thành viên của NATO là Tây Ban Nha và Italia. Tổng thư ký NATO Stoltenberg bày tỏ ông này "tự hào khi chứng kiến các thành viên NATO trợ giúp lẫn nhau trong đại dịch thông qua trung tâm cứu trợ thảm họa của liên minh".

Tuy nhiên, trên thực tế, ông Stoltenberg không đả động đến việc Tây Ban Nha khiếu nại việc Thổ Nhĩ Kỳ giữ hàng trăm máy thờ và các thiết bị vệ sinh mà Tây Ban Nha đã trả tiền.

Các máy thở được sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ trên danh nghĩa một công ty của Tây Ban Nha và nhập nguyên liệu từ Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ cũng ra lệnh cho các nhà sản xuất khẩu trang nội địa chỉ sản xuất cho nước này.

Sự thiếu hợp tác giữa các nước thành viên NATO đã trở thành "đại dịch". Ở Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump đã ra lệnh cho công ty thiết bị y tế 3M ngừng xuất khẩu khẩu trang N95 đến Canada và Châu Mỹ Latin.

Đáp lại, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã đe dọa trả đũa. "Chúng tôi có rất nhiều sản phẩm thiết yếu cho Mỹ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19." Ông Trudeau cho hay, Canada đã cung cấp cho các bác sĩ, y tá Mỹ bộ thử và các nguyên liệu thiết yếu để sản xuất khẩu trang N95.

Trong khi đó, Đức cáo buộc Mỹ "giở trò cướp biển thời hiện đại" khi làm đổi hướng chuyến hàng chở 200.000 khẩu trang y tế từ Bangkok, Thái Lan dự kiến đến Đức lại thành đến Mỹ. 

Pháp cũng khiếu nại khi Mỹ giành chuyến hàng chở khẩu trang đến cho Pháp từ Trung Quốc. "Lô khẩu trang đó đang trên một máy bay ở cảng Thượng Hải... thì những người mua Mỹ xuất hiện và trả giá gấp ba lần Pháp’, tờ Guardian đưa tin.

Đến lượt Đức, nước này ban đầu cũng cấm xuất khẩu khẩu trang y tế và các bộ đồ bảo hộ khác sang Italia.

Mặc dù Đức sau đó bớt gay gắt trong vấn đề này thì cường quốc hàng đầu Châu Âu cũng không nhượng bộ trước lời khẩn cầu của Tây Ban Nha, Italia và Pháp về vấn đề chia sẻ khoản nợ gây ra từ virus corona dưới hình thức trái phiếu corona. Sự khước từ của Đức khiến người Italia giận dữ.

Một nhóm thị trưởng và chính khách của Italia đã mua một trang trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung để nhắc nhở Đức rằng nước này đã không bị bắt phải trả các khoản nợ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.

Những gì đang diễn ra ở trên cho thấy, NATO chưa thực sự đóng vai trò xứng đáng trong đại dịch COVID-19 và các nước thành viên NATO đang khiến người ta nghi ngờ về tính đoàn kết, chia sẻ trong một liên minh quân sự vốn nổi tiếng là bền chặt và mạnh nhất thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại