Mỹ-Trung chia phe đối đầu: "Quân cờ chiến lược" vùng Vịnh sẽ theo chân ai?

Mạnh Kiên |

Bằng cách điều phối quan hệ thận trọng giữa hai siêu cường, các quốc gia vùng Vịnh vẫn đang “sống ổn” - với tư cách là người đứng ở giữa - ít nhất là cho đến bây giờ. Tuy nhiên, tương lai "thế cờ chiến lược" sẽ ra sao?

Căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng đang có những ảnh hưởng sâu rộng đến trật tự quốc tế, gây ra nhiều vấn đề không chỉ cho các cường quốc phương Tây mà còn cho các quốc gia nhỏ hơn đang rơi vào vùng ảnh hưởng. Điều này bao gồm cả các quốc gia vùng Vịnh, vốn đang ngày càng bị chèn ép giữa sự cạnh tranh của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Từ lâu, các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) gồm Saudi Arabia, Kuwait, Oman, Qatar, Bahrain và UAE về mặt lịch sử đã bám rễ vào phạm vi ảnh hưởng của Mỹ.

Nhưng ngày nay, họ đang tạo dựng một mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với Trung Quốc, tận dụng một cách kỹ lưỡng các đặc điểm về vị trí địa chiến lược, sức mạnh tài chính và nguồn tài nguyên năng lượng.

Bằng cách điều phối quan hệ thận trọng giữa hai siêu cường, các quốc gia vùng Vịnh vẫn đang "sống ổn" - với tư cách là người đứng ở giữa - ít nhất là cho đến bây giờ.

Động lực

Kể từ khi Thế chiến II kết thúc, Mỹ đã thúc đẩy một trật tự quốc tế tự do dựa trên nguyên tắc thị trường tự do. Điều này đã mang lại lợi ích cho các nền kinh tế tư bản tiên tiến, đặc biệt là Mỹ. Nhưng ảnh hưởng của trật tự tự do này cũng như sự kìm kẹp của Mỹ đối với các động lực quyền lực quốc tế đang bắt đầu suy yếu.

Trung Quốc đã đưa ra một giải pháp thay thế cho chủ nghĩa thị trường tự do của phương Tây, thách thức vị thế thống trị của Mỹ trong các ngành chiến lược cao, bằng cách đầu tư ồ ạt vào công nghệ và đổi mới.

Ngày càng có nhiều lo ngại ở Washington về việc nếu Mỹ mất vị trí dẫn đầu thế giới về công nghệ, thì quyền bá chủ toàn cầu của nước này sẽ suy yếu.

Tình hình này càng thêm phức tạp bởi chủ nghĩa biệt lập và lập trường đối đầu của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc, cũng như sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, cả hai cường quốc đều không thích công khai đối đầu quân sự với nhau, bất chấp họ đã có những va chạm trên nhiều mặt, vì nền kinh tế của hai bên phụ thuộc lẫn nhau rất nhiều, trong đó Trung Quốc là quốc gia nằm sâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cho đến nay, căng thẳng đã dẫn đến một kiểu Chiến tranh Lạnh mới, nơi hai đối thủ xung đột trên các mặt trận ủy nhiệm như chiến tranh thương mại, Covid-19…Tuy nhiên, kiểu Chiến tranh Lạnh mới giờ đây đang lan tỏa ra các khu vực trên toàn cầu.

Ảnh hưởng ngày càng tăng

Sự trỗi dậy của Trung Quốc ở vùng Vịnh diễn ra khi ảnh hưởng của Mỹ đang dần suy yếu. Hiện tại, Mỹ vẫn có sự hiện diện quân sự đáng kể ở Vùng Vịnh.

Ảnh hưởng của nước này trong lĩnh vực an ninh có thể sẽ vẫn bền vững, nhờ vào hàng thập kỷ các quốc gia khu vực thấm nhuần triết lý quân sự theo định hướng phương Tây và mua vũ khí. Các trung tâm tài chính phương Tây cũng sẽ vẫn là một trọng điểm cho các khoản đầu tư của Vùng Vịnh.

Mỹ-Trung chia phe đối đầu: Quân cờ chiến lược vùng Vịnh sẽ theo chân ai? - Ảnh 2.

Vùng Vịnh đang đứng giữa hai siêu cường.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng đáng kể ở khắp mọi nơi, với một nền tảng ngày càng chắc chắn.

Vùng Vịnh phụ thuộc vào Trung Quốc trong vai trò khách hàng mua năng lượng hàng đầu, cũng như ngành công nghiệp của Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào lượng nhập khẩu dầu từ bên ngoài. Dựa trên điểm chung này, đầu tư của Trung Quốc tại các quốc gia vùng Vịnh cũng có sự tịnh tiến.

Vùng Vịnh là một trung tâm quan trọng trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc, một động lực thúc đẩy cạnh tranh giữa các quốc gia trong việc tìm kiếm các khoản đầu tư từ Trung Quốc.

Các khoản đầu tư cho vùng Vịnh đã và đang đa dạng hóa trong những năm gần đây, đến từ phía Đông thay vì truyền thống quen thuộc từ phương Tây.

Trong lĩnh vực an ninh, Trung Quốc đóng vai trò cứu cánh quan trọng. Các quy định quốc tế không cho phép các quốc gia phương Tây bán một số thiết bị đặc thù như máy bay không người lái, vì vậy Saudi Arabia và UAE mua chúng từ Trung Quốc, triển khai vũ khí hữu hiệu này trong các cuộc xung đột, chẳng hạn như ở Yemen và Libya.

Mặc dù hoạt động buôn bán vũ khí dạng tương tự có khả năng gia tăng, nhưng triển vọng nào về việc quân đội Trung Quốc đóng một vai trò rộng lớn hơn trong khu vực được coi là khó xảy ra.

Các lực lượng Trung Quốc thiếu quy mô lớn để can dự vào khu vực một cách đáng kể và học thuyết của Trung Quốc cũng không cho thấy họ muốn bị lôi kéo vào những rắc rối ở nước ngoài.

Đặc biệt hơn, Trung Quốc sẽ kiên quyết không đứng về phía nào trong các cuộc tranh chấp khu vực, bao gồm giữa các quốc gia GCC và Iran - một quốc gia cung cấp năng lượng quan trọng khác cho Trung Quốc.

Thách thức và cơ hội

Bị mắc kẹt giữa hai siêu cường có thể dẫn đến những lựa chọn khó khăn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi lịch sử hiện nay, cùng với những biến động địa chính trị, mang lại cả thách thức và cơ hội. Ở giai đoạn này, vị trí của các thành viên GCC có vẻ thuận lợi hơn so với các quốc gia khác.

Quyền lực kinh tế và chính trị ở vùng Vịnh không tách biệt rõ ràng như ở châu Âu. Điều này giúp giảm thiểu những căng thẳng đã gây chia rẽ trong EU. Và trong khi châu Âu có đủ nguồn lực để tự bảo vệ mình, giúp Mỹ không cần bỏ ra nhiều công sức, thì Vùng Vịnh lại luôn phụ thuộc vào sự bảo vệ của Mỹ.

Các quốc gia vùng Vịnh là những "đồng minh đắt giá", khiến Mỹ buộc phải giữ sự hiện diện an ninh cần thiết để tiếp tục bán vũ khí.

Ở phía ngược lại, các thành viên GCC cũng ít có lý do không hài lòng khi tạo dựng mối liên kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Trong khi phương Tây thường lấy cớ chỉ trích Trung Quốc về cái gọi là "nhân quyền", thì các quốc gia vùng Vịnh lại hoàn toàn toàn tôn trọng đối tác.

Trong khi xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc có một số điểm tương đồng với Chiến tranh Lạnh, sự phân bổ quyền lực trên toàn cầu không còn mang tính lưỡng cực như trong Chiến tranh Lạnh lần đầu tiên.

Đối với các thành viên GCC, họ có thể đi theo một trong hai cách. Họ có thể tiếp tục gặt hái những lợi ích an ninh khi Mỹ tiếp tục hiện diện trong khu vực, đồng thời tận hưởng sự hợp tác kinh tế của Trung Quốc.

Nhưng nếu căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục gia tăng trên khắp thế giới, Vùng Vịnh có thể trở thành nhân tố thu hút như một đại diện tiêu biểu trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại