Mỹ tính gửi thiết bị chế bom thông minh cho Ukraine, chuyên gia Nga nói “vô ích”

Hồng Anh |

Theo chuyên gia quân sự Nga, kế hoạch của Mỹ nhằm cung cấp thiết bị điện tử tiên tiến cho Ukraine để chuyển đổi bom thường thành bom thông minh có thể vô ích vì các lực lượng của Kiev không có máy bay chiến đấu phù hợp để sử dụng những loại bom như vậy.

Washington Post ngày ngày 15/12 trích dẫn nguồn tin từ các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Nhà Trắng đang lên kế hoạch cung cấp cho Ukaine Bộ điều khiển Tấn công Trực diện Phối hợp (JDAM) để có thể chuyển đổi bom thường thành "bom thông minh" nhắm mục tiêu vào các vị trí quân sự của Nga với độ chính xác cao.

Bộ dụng cụ tích hợp thiết bị định vị toàn cầu để đạt được độ chính xác và có thể được gắn vào nhiều loại bom khác nhau.

Mỹ tính gửi thiết bị chế bom thông minh cho Ukraine, chuyên gia Nga nói “vô ích” - Ảnh 1.

Quân nhân Mỹ đang lắp thiết bị JDAM lên máy bay ném bom B-52. Nguồn: Không quân Mỹ

Theo Washington Post, quân đội Mỹ đã sử dụng thiết bị này trên những quả bom có trọng lượng lên tới hơn 900kg, thường phối hợp với máy bay ném bom và máy bay chiến đấu.

"Ukraine liệu có thực sự cần thiết bị này không? Thực ra họ có thể không cần. Bởi vũ khí duy nhất mà họ sử dụng để đối phó với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga là tên lửa. Thời gian gần đây, họ đã sử dụng tên lửa không đối đất tìm diệt radar AGM-88 HARM để cố gắng phá hủy radar của hệ thống phòng không của Nga. Tuy nhiên, người Ukraine rất ít khi thành công và thường mất máy bay mang những tên lửa này", chuyên gia quân sự nổi tiếng của Nga, ông Alexei Leonkov nhận định.

"Không quân Ukraine chưa bao giờ thực hiện cuộc tấn công ném bom", vì thế, theo suy luận của ông Leonkov, kế hoạch của Mỹ về việc trang bị bom thông minh cho Ukraine chỉ hợp lý khi Kiev có khoảng 300 máy bay có khả năng mang vũ khí này.

Hiện chưa rõ Tổng thống Joe Biden hoặc bất cứ quan chức an ninh quốc gia hàng đầu nào của ông có đồng ý với kế hoạch chuyển giao JDAM cho Ukraine hay không. Bên cạnh đó, cũng chưa có thông tin về việc quân đội Ukraine liệu có tích hợp vũ khí này vào những máy bay chiến đấu có từ thời Liên Xô hay các hệ thống vũ khí trên mặt đất hay không.

JDAM do tập đoàn Boeing sản xuất, có giá thành khoảng 25.000 USD, bổ sung thiết bị tìm kiếm và có thể tích hợp với nhiều loại bom không điều khiển có trọng lượng từ 226kg đến hơn 900kg. Cơ chế hoạt động như sau, khi máy bay chiến đấu mang theo bom có gắn JDAM bay trên chiến trường, phi công sẽ nhập tọa độ mục tiêu của đối phương mà họ nhận được từ các đơn vị theo dõi trên mặt đất vào một bảng điều kiển chuyển tiếp dữ liệu thông qua kết nối kỹ thuật số có tên gọi giao diện MIL-STD-1760, để lập trình hướng di chuyển của quả bom. Bom sẽ nhận tín hiệu từ các vệ tinh GPS, xác định vị trí của mục tiêu rồi điều hướng cho đến khi lao vào mục tiêu.

Là một trong những thiết bị có giá thành rẻ và dễ tích hợp, JDAM được cho là đã cách mạng hóa cuộc chiến trên không khi được biên chế cho quân đội Mỹ vào cuối những năm 1990. Ông Pat Ryder – Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc cho biết: "JDAM đóng vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột. Nó có khả năng tiến hành các cuộc tấn công chính xác mục tiêu bất cứ khi nào và bất cứ thời điểm nào, tạo ra lợi thế khác biệt trên chiến trường".

Các máy bay chiến đấu của Ukraine thường phải bay ở độ cao thấp để tránh Hệ thống phòng không của Nga. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tấn công chính xác mục tiêu. Việc mang theo JDAM có thể giúp máy bay chiến đấu của Ukraine ném bom với độ chính xác cao hơn và tấn công đối phương ở khoảng cách xa hơn.

Theo Washington Post, kế hoạch của Mỹ chuyển giao thiết bị điện tử tiên tiến cho Ukraine đến giờ vẫn chưa có điều gì chắc chắc. Bên cạnh đó, trong trường hợp được thông qua, quá trình này sẽ rất phức tạp vì đòi hỏi sự cung cấp phần cứng, bom từ kho dự trữ của Mỹ và một khóa huấn luyện để đào tạo phi công Ukraine. Nếu lực lượng không quân Ukraine sử dụng JDAM, họ cần phải có nguồn cung cấp thiết bị này một cách ổn định cũng như giữ sự kết nối liên tục giữa các phi công với những người lập kế hoạch và các nguồn thông tin tình báo trên mặt đất.

Sau tất cả, chìa khóa của việc sử dụng JDAM là giao diện MIL-STD-1760. Nhưng vấn đề hóc búa đối với Mỹ và Ukraine là giao diện này chỉ dành cho máy bay kiểu phương Tây có hệ thống điện tử, kỹ thuật số tiên tiến. Về cơ bản máy bay chiến đấu và JDAM phải "có cùng ngôn ngữ". Trong khi đó, hầu hết máy bay chiến đấu của Ukraine là máy bay cũ có từ thời Liên Xô không có tính năng này.

Kể từ khi xung đột nổ ra, Ukraine đã nhiều lần kêu gọi phương Tây viện trợ máy bay chiến đấu cho nước này. Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu vẫn ngần ngại do lo sợ leo thang căng thẳng với Nga. Các nước này đã đề xuất kế hoạch nâng cấp và bảo trì máy bay chiến đấu cũ trong kho dự trữ của Ukraine.

Vấn đề thứ hai là sự thiếu hụt JDAM trong kho dự trữ của Mỹ. Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đã mua hàng trăm nghìn thiết bị JDAM, nhưng họ cũng đã sử dụng một số lượng lớn trong các cuộc xung đột và cuộc tập trận kể từ cuối những năm 1990. Một số nhà phân tích cho rằng, kho dự trữ JDAM của Mỹ đã sụt giảm đáng kể thời gian qua. Trong năm tài khóa 2022, Không quân Mỹ chỉ mua 1.900 thiết bị JDAM, giảm 90% so với mức 31.000 thiết bị mà lực lượng này mua trong năm 2019./

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại