Mỹ thử nghiệm giải pháp chăn nuôi bền vững

Lê Tuyển - Hoàng Hải |

Mới đây, một trang trại nuôi dê ở bang Virginia của Mỹ đã áp dụng công nghệ mới để hạn chế các tác động đến môi trường của đàn gia súc.

Đi vào hoạt động từ những năm 1750, đến nay trang trại của gia đình Molly vẫn còn nhiều công trình cổ kính được bảo tồn, như căn nhà kho bằng đá. Nhưng cũng ở trang trại này, nhiều công nghệ khoa học tiên tiến nhất cũng đang được áp dụng, một trong số đó là những chiếc vòng mà mỗi chú dê đang đeo trên cổ.

Chị Molly Kroiz - Chủ trang trại Georges Mill, bang Virginia, Mỹ cho biết: "Những chiếc vòng này nặng khoảng 4,5 lạng nên lũ dê thực sự không chú ý đến việc đeo nó. Sợi xích là nơi dòng điện đi qua để cảnh báo đàn dê nếu chúng vượt qua ranh giới, nó thực sự hiệu quả hơn hàng rào điện về nhiều mặt. Như trước đây, bằng cách này hay cách khác, lũ dê vẫn vượt qua được hàng rào điện".

Từ tháng 4 năm nay, những chiếc vòng cổ trang bị công nghệ định vị GPS, hoạt động bằng năng lượng mặt trời đã thay đổi hoàn toàn cách quản lý đàn dê trên mảnh đất rộng 36 ha. Bây giờ, chỉ qua một chiếc điện thoại di động, chủ trang trại có thể khoanh vùng chăn thả để chất thải từ đàn dê không thể tiếp cận với nguồn nước tự nhiên.

Mỹ thử nghiệm giải pháp chăn nuôi bền vững - Ảnh 1.

Ông Matt Kowalski - Nhà khoa học môi trường, Quỹ Chesapeake Bay đánh giá: "Trang trại của gia đình Molly đang sử dụng phương pháp chăn thả luân phiên như một cách để tối đa hóa sản lượng, phương pháp này giúp các loại thực vật dùng làm thức ăn có thời gian để phục hồi. Việc sử dụng các vòng cổ GPS cho đàn dê cũng góp phần tạo ra một vùng đệm giữa dòng suối và cánh đồng. Khi trời mưa, các chất thải từ đàn gia súc sẽ được cây cối ở vùng đệm hấp thu mà không bị chảy ra sông".

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, phân bón trồng trọt và chất thải gia súc đổ ra các dòng sông là nguyên nhân hàng đầu khiến tảo phát triển quá mức, sử dụng hết oxy và tạo ra các vùng nước chết. Việc sử dụng vòng định vị GPS để quản lý khu vực chăn thả sẽ giải quyết được vấn đề này và tiết kiệm được thời gian so với phương pháp truyền thống là khoanh vùng bằng hàng rào điện. Bên cạnh đó, việc chăn thả ở nhiều khu vực luân phiên cũng giúp gia súc khỏe mạnh hơn do ít có khả năng nhiễm ký sinh trùng từ chất thải khi nuôi tập trung dài ngày ở cùng một chỗ.

Tại khu vực vịnh Chesapeake, bang Virginia - cửa sông lớn nhất của nước Mỹ, các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi là nguồn gây ô nhiễm hàng đầu. Hiện nay, có 43 trang trại đang thí điểm sử dụng vòng cổ GPS để quản lý đàn gia súc. Dự kiến, công nghệ này sẽ được mở rộng sang nhiều trang trại khác vào năm tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại