Mỹ sắp "hất cẳng" Nga và Trung Quốc khỏi thị trường công nghệ hạt nhân?

Thanh Bình |

Theo Bloomberg, Mỹ có ý định thâm nhập vào thị trường do các công ty Nga và Trung Quốc thống trị, lật đổ họ và chiếm lấy vị trí lãnh đạo mới về xuất khẩu công nghệ hạt nhân tốt nhất thế giới.

Đông Âu, biên giới trong Chiến tranh Lạnh đang trở thành chiến trường cho thị trường nhà máy điện hạt nhân trị giá 500 tỉ USD.

Bốn tháng sau khi dỡ bỏ lệnh cấm tài trợ ở nước ngoài cho các thỏa thuận năng lượng hạt nhân, Mỹ đang tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường năng lượng nước ngoài cho các công ty như General Electric Co., Westinghouse Electric Co. và Bechtel Group Inc.

Trong vòng vài tuần, Mỹ đã ký một bản ghi nhớ với Romania để tài trợ cho việc xây dựng một lò phản ứng mới và các thỏa thuận khác với Ba Lan, cũng như Bulgaria, quốc gia có kế hoạch hồi sinh một dự án lò phản ứng hạt nhân cũ.

Kế hoạch cung cấp cho các công ty Mỹ cơ hội thu hút khách hàng tại thị trường quan trọng về địa chính trị này, vốn được đưa ra dưới thời Donald Trump, có thể vẫn có hiệu lực trong quá trình chuyển đổi sang chính quyền mới dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Đối với các đối tác Đông Âu, đây có thể là động lực để bắt đầu triển khai các dự án năng lượng hạt nhân đang bế tắc.

Lợi thế chính của Mỹ có thể là khả năng tiếp cận tài chính rộng rãi hơn, điều này sẽ chống lại lợi ích của Nga và Trung Quốc trong khu vực này.

“Các dự án ở các nước như Romania, Bulgaria và Ba Lan có thể được đẩy nhanh nếu Mỹ giúp họ tìm được các nguồn tài trợ với giá cả cạnh tranh và cuối cùng là không cần đến sự hỗ trợ hoặc bảo lãnh của chính phủ”, ông Razvan Nicolescu làm việc tại một công ty năng lượng ở Bucharest cho biết.

Các nước Đông Âu, vốn phụ thuộc vào hydrocacbon và các mỏ than từ Nga, thậm chí có nhiều lý do hơn để các nước này tìm cách giải quyết vấn đề năng lượng bằng các lựa chọn hạt nhân. Các động lực bổ sung cũng được tạo ra do nhu cầu tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về khí thải của Liên minh châu Âu (EU).

Những thay đổi quy định gần đây cho phép Mỹ cạnh tranh để giành thêm thị phần, ước tính là 500-740 tỉ USD trong 10 năm tới. Những trở ngại cho việc mở rộng thị trường vẫn còn lớn.

Trung Quốc và Nga dẫn đầu thế giới về cung cấp lò phản ứng hạt nhân mới

Westinghouse, một trong những nhà cung cấp hàng đầu cho ngành công nghiệp hạt nhân ở Mỹ đã phá sản vào năm 2017 khi phải đối mặt với thách thức thanh toán hàng tỉ USD nợ liên quan đến các dự án trong nước ở Georgia và Nam Carolina.

Sau khi dự án tại Nam Carolina bị hủy bỏ vào năm 2017, Nhà máy điện hạt nhân Plant Vogtle của Công ty Southern Co chỉ còn lại hai lò phản ứng duy nhất trên thế giới được xây dựng bằng công nghệ AP1000 tiên tiến của Westinghouse, mặc dù việc triển khai dự án này cũng bị tụt hậu và vượt ngân sách.

Theo Martin Vladimirov, một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu về Dân chủ ở Sofia, luận điệu chính trị dường như chi phối các quyết định đầu tư thực sự.

“Mặc dù Mỹ rất muốn chống lại sự can thiệp kinh tế của Nga và Trung Quốc, nhưng những dự án này có thể không phù hợp với logic thị trường và sẽ cần sự hỗ trợ đáng kể của chính phủ”, ông Vladimirov nói.

“Nga không thấy mối đe dọa nào đối với tập đoàn hàng đầu Rosatom trong các thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ hiện đang tham gia ở châu Âu, vì các công ty Mỹ hiện thiếu nguồn lực cần thiết để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới”, một quan chức giấu tên thân cận với ngành công nghiệp hạt nhân Nga cho biết.

“Các dự án của Mỹ ở châu Âu có thể bị hạn chế bởi các thỏa thuận dịch vụ”, quan chức này nói thêm.

Bloomberg cho rằng, bản thân tập đoàn nhà nước Rosatom cũng đánh giá thấp nguy cơ cạnh tranh gia tăng ở khu vực này bởi vì có cơ hội triển khai nhiều dự án.

Romania cần xây dựng lại một lò phản ứng hiện có, nên Romania là ứng cử viên có nhiều khả năng nhất để huy động vốn của Mỹ hoặc bắt đầu công việc với sự hỗ trợ của Mỹ, Canada và Pháp.

Đối với các sáng kiến ​​trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân do Ba Lan và Bulgaria công bố, có những nghi ngờ nghiêm trọng về cơ hội kinh tế và ý chí chính trị của họ đối với các dự án này.

Tuy nhiên, theo Bloomberg một số nước vẫn trung thành với Nga trên tư cách là đối tác tài chính và công nghệ, chẳng hạn như Hungary với thỏa thuận mở rộng nhà máy điện hạt nhân trị giá 10 tỉ euro (12 tỉ USD).

Các quốc gia khác đã từ bỏ các thỏa thuận truyền thống với Nga và đang chống lại các nỗ lực mới của Trung Quốc trong việc đóng vai trò là nhà tài chính và nhà cung cấp.

Theo nhà phân tích Elchin Mammadov của Bloomberg Intelligence, nguồn vốn sẽ là yếu tố then chốt để xác định liệu các dự án này có thể đi lên thành công hay không. “Đây là một dự án rất rủi ro và tốn kém, khó có thể được tài trợ bởi bất kỳ ai khác ngoài nhà nước”, ông Mammadov nói.

Ngay cả khi có sự hỗ trợ của chính phủ, hầu hết các dự án được công bố trên khắp Đông Âu để thu hút các nhà đầu tư có thể gặp phải vấn đề chậm tiến độ nhiều năm và nhiều dự án cuối cùng có thể bị chấm dứt.

Theo một báo cáo hồi tháng 4 của Bộ Năng lượng Mỹ, Nga và Trung Quốc có lợi thế vì họ đưa ra các thỏa thuận toàn diện. Và Mỹ “hoàn toàn vắng bóng trên thị trường thế giới về việc xây dựng các tổ máy điện mới cho các nhà máy điện hạt nhân”.

“Mỹ đã mất lợi thế cạnh tranh toàn cầu với tư cách là nước dẫn đầu thế giới về năng lượng hạt nhân”, Bộ năng lượng Mỹ kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại