Mỹ rút quân ở Syria là sự bất lực trước đòn đánh lão luyện của Tổng thống Putin?

Quốc Vinh |

Chiến lược của Nga ở Syria đang được chứng minh là một "cú đánh" lão luyện, một bước đi được xây dựng tốt, được quản lý khéo léo và thực dụng một cách quyết đoán.

Chỉ trong 3 năm, Tổng thống Vladimir Putin đã biến nước Nga từ một quyền lực khu vực tương đối nhỏ trở thành một cường quốc quân sự quan trọng ở Trung Đông.

Ông đã sử dụng cuộc chiến ở Syria để có được một chiến thắng đáng chú ý - điều mà phương Tây nói chung và Tổng thống Mỹ Donald Trump nói riêng đã không thể có được, cây bút Bill Law của trang phân tích Gulf State Analytics đánh giá.

Theo Law, sự can thiệp ban đầu của quân đội Nga vào cuộc xung đột Syria hồi tháng 9/2015 phần lớn là để đảm bảo rằng căn cứ hải quân của họ tại Tartus - căn cứ duy nhất ở nước ngoài của Nga - không rơi vào tay lực lượng phiến quân.

Ở thời điểm đó, Tartus thậm chí không được người Nga coi là một căn cứ hoạt động đúng nghĩa mà chỉ là một cơ sở hỗ trợ kỹ thuật cho các tàu chiến của nước này hoạt động ở Địa Trung Hải.

Vào năm 2017, người Nga đã ký thỏa thuận với Tổng thống Syria Bashar Al Assad để nâng cấp Tartus trở thành cơ sở có khả năng cho phép 11 tàu chiến cập cảng cùng một lúc, bao gồm cả tàu hạt nhân. Quan trọng hơn nữa là trao toàn bộ quyền quản lý căn cứ cho Nga. Đó là một thỏa thuận 49 năm mà Chính phủ Syria không có lý do gì để không đồng ý với Moscow.

Thỏa thuận này gợi nhớ đến một thỏa thuận mà người Mỹ đã ký với Cuba khi kết thúc cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Tây Ban Nha nhằm bảo đảm Guantanamo là một căn cứ hải quân. Thỏa thuận được ký vào năm 1903 và được xác định là không có thời hạn. Nhưng không giống như thỏa thuận Tartus, về lý thuyết nơi đây được Nga nắm toàn quyền vận hành.

Ngoài căn cứ hải quân, Nga đã xây dựng một cách có hệ thống một mạng lưới phòng không tinh vi và tích hợp ở Syria.

Như Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington lưu ý, Nga đã hoàn thành mạng lưới chống truy cập/chống ngăn chặn (A2/AD) tiên tiến ở Syria kết hợp hệ thống phòng không và tác chiến điện tử của riêng mình với các thiết bị hiện đại trước đây do Syria chỉ huy.

Cụm từ quan trọng ở đây là "trước đây do Syria chỉ huy". Trong động thái phản ứng trước sự cố trinh sát cơ Il-20 bị bắn hạ hồi tháng 9 bởi lực lượng phòng không Syria mà Israel bị đổ lỗi, người Nga đã nắm quyền kiểm soát hệ thống phòng thủ tên lửa tại đây.

Mặc dù Moscow cho rằng đây chỉ là một biện pháp tạm thời trong thời gian người Syria được đào tạo, ISW đánh giá rằng động thái của Nga có thể là dài hạn.

Các hệ thống phòng thủ đang được triển khai ở Syria bao gồm S-300 với tầm bắn tối đa 300 km và S-400 – vũ khí được các chuyên gia quân sự coi là "không thể so sánh" và là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa tốt nhất hành tinh.

S-400 có tầm bắn 400 km và có khả năng đánh chặn gần như mọi mục tiêu trên không từ tầm cao cho đến rất cao, từ tên lửa đạn đạo, máy bay tàng hình cho đến thiết bị bay không người lái.

Mỹ rút quân ở Syria là sự bất lực trước đòn đánh lão luyện của Tổng thống Putin? - Ảnh 1.

Nga đã hoàn thành mạng lưới chống truy cập/chống ngăn chặn (A2/AD) tiên tiến ở Syria.

Hơn nữa, người Nga đang sử dụng Syria để thử nghiệm các hệ thống tác chiến điện tử mới.

ISW lưu ý rằng trong số các vũ khí đang được triển khai có cả máy bay không người lái được sử dụng để gây nhiễu điện thoại di động và máy tính bảng trong bán kính 100 km và Krasnukuk-4 - vũ khí có khả năng triệt tiêu khả năng định vị vệ tinh, mạng lưới liên lạc, hệ thống cảnh báo sớm trên không và radar trên mặt đất ở các phạm vi lên tới 300 km.

Cả S-400 và Krasnukha-4 đều được triển khai tại căn cứ không quân Hmeimim gần thành phố ven biển Địa Trung Hải Latakia. Căn cứ không quân này được xây dựng thần tốc vào năm 2015 và trong lúc cao điểm của cuộc chiến đã thực hiện 70 cuộc tập kích mỗi ngày.

Cũng như Tartus, căn cứ này là một sự ưu đãi cho người Nga. Tuy nhiên, thỏa thuận cho thuê vẫn chưa xác định thời gian cụ thể.

Trong vai trò hỗ trợ tối đa cho chính quyền Bashir Al Assad, Nga đã củng cố hiệu quả sự hiện diện về không quân và hải quân ở khu vực, tăng cường đòn bẩy cho các mục đích của chính quyền Tổng thống Putin.

Ngược lại với những điều kiện thuận lợi đó, Tổng thống Trump đã đột ngột tuyên bố rằng ông đang rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria mà không hỏi ý kiến đồng minh. Khi làm như vậy, ông đã đi ngược lại lời khuyên của tất cả các cố vấn cấp cao của mình, bao gồm các đồng minh trung thành của ông, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Trong một động thái mà giới quan sát cho rằng là một sự phản đối quyết định rút quân khỏi Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã từ chức sớm hơn thời gian ấn định.

Về phần mình, cây bút Bill Law tin rằng Tổng thống Putin dường như đã không thể che giấu niềm vui của ông trước quyết định mà Washington đưa ra: "Tôi không nghĩ rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở đó là điều cần thiết. Nếu Mỹ quyết định rút quân, đó sẽ là điều tốt".

Thực sự đó là một tin vô cùng tốt đối với người Nga. Khi siêu cường lớn nhất thế giới từng bước rời bỏ Syria, Nga có thể dự đoán được những lợi ích kinh tế, chính trị và ngoại giao lớn hơn đang chờ đợi họ trong thời gian tới – điều mà người Nga rất khó có được nếu sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của người Mỹ vẫn còn ở đó.

Quyết định của Tổng thống Trump là một sự "đóng băng" của người Mỹ trước sự can thiệp chiến lược của Tổng thống Putin vào cuộc xung đột Syria. Sự can thiệp này đang được chứng minh là một cú đánh lão luyện, một bước đi được xây dựng tốt, được quản lý khéo léo và thực dụng một cách quyết đoán.

Đó cũng là tất cả những tính chất mà người Mỹ không có được trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump, cây bút Bill Law kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại