Mỹ cũng đua sản xuất bom thông minh giá rẻ

Thùy Dung |

Truyền thống Nga-Mỹ có chiến lược quân sự khác nhau. Vì vậy, sản xuất vũ khí cũng khác. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi Mỹ sản xuất vũ khí giá rẻ.

Vũ khí giá rẻ

Tạp chí Defense News ngày 6/3 dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, nhà sản xuất quốc phòng Lockheed Martin vừa chính thức cho ra mắt thế hệ vũ khí thông minh giá rẻ mới - bom Paragon.

Theo giới thiệu của nhà sản xuất, bom Paragon được thiết kế để sử dụng hệ dẫn đường hỗn hợp giữa ghi nhớ vị trí quán tính, định vị vệ tinh và bám chùm laser. Với công nghệ tiên tiến này, Paragon có thể tấn công chính xác các mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả khi nó đang di chuyển.

Ngoài ra, Paragon còn có sự khác biệt với hầu hét các loại bom của Mỹ hiện nay là chúng có giá thành rẻ nên vũ khí này hứa hẹn sẽ xuất khẩu tới những khách hàng có ngân sách dành cho quốc phòng eo hẹp của Mỹ.

Căn cứ vào những hình ảnh được công bố cho thấy, Paragon có thiết kế bên ngoài khá giống với bom LGB do Lockheed Martin sản xuất. Như vậy, vũ khí này có thể dễ dàng tích hợp lên nhiều loại chiến đấu cơ khác nhau. Đặc biệt, do thiết kế đặc biệt nên việc lắp đặt và bảo trì cũng rất dễ dàng với khách hàng sử dụng.

Nhà sản xuất cho biết, hiện vũ khí này đã được thử nghiệm thành công trên tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet. Và theo kế hoạch, bom Paragon sẽ tiếp tục được thử nghiệm otreen tiêm kích F-16 vào cuối năm 2017.

Trước khi Mỹ công khai loại bom thông minh giá rẻ này, Nga cũng đã thành công với nhiều chương trình vũ khí thông minh giá rẻ của mình. Mới đây nhất là chương trình vũ khí đặc biệt với sự kết hợp giữa hệ thống SVP-24 với những máy bay thế hệ cũ.

Không quân Nga tiết lộ, dù không phải là máy bay mới nhưng cường kích Su-24/25 của Nga tại Syria vẫn tấn công chính xác mục tiêu gần như tuyệt đối. Để làm được điều đó, máy bay nga được trang bị bộ não hệ thống SVP-24 và module đặt trên mặt đất của nó.

Nhờ hệ thống SVP-24, những quả bom giá rẻ không điều khiển biến thành thứ vũ khí điều khiển chính xác. Ngoài ra, hệ thống SVP-24 thường xuyên đo các thông số môi trường: áp suất, độ ẩm, tốc độ gió, so sánh các thông số đó với tốc độ của máy bay. Nó có thể lấy thêm thông tin từ các máy bay khác và các trạm trên mặt đất.

Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ bay, hệ thống còn được đồng bộ hoá với các module chỉ huy các đơn vị bộ binh trên mặt đất. Việc trao đổi dữ liệu trong hệ thống diễn ra không có lời nói nhằm loại bỏ khả năng phạm lỗi do chất lượng liên lạc kém và yếu tố con người.

Nhờ tín hiệu kỹ thuật số đã mã hoá chỉ cần 0,3 giây có thể truyền mệnh lệnh đồng thời lên màn hình các hệ thống chỉ huy của các lực lượng ở mặt đất và trên không. Toàn bộ dữ liệu trong chương trình đảm bảo phần mềm thống nhất được truyền theo tín hiệu vô tuyến kỹ thuật số bằng các đài vô tuyến tiêu chuẩn thông thường có trên mọi vật thể bay.

Thông tin đã mã hoá không tới tai nghe của các kíp lái, mà vào thẳng thiết bị trên máy bay, nơi sẽ tính toán và xử lí các thông tin đó. Sau đó kết quả sẽ được đưa vào thiết bị ngắm bắn. Kết quả là, SVP-24 tính toán một lộ trình gồm tốc độ, tọa độ và đường bay để đến một thời điểm quả bom sẽ tự động rơi xuống mục tiêu với sai số chỉ 3-5 mét.

Khác biệt Nga - Mỹ

Theo Russia & India Report, truyền thống của Nga và Mỹ luôn có chiến lược quân sự khác nhau. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ dựa vào các phi cơ trên tàu sân bay để thể hiện sức mạnh ở tây Thái Bình Dương, và chiến lược này được duy trì đến ngày nay.

Ngược lại, Nga cho rằng sân bay nổi sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu của các tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa tầm xa triển khai trên bờ. Chiến lược của Nga rất đơn giản nhưng đầy hiệu quả.

Theo cách tính của Nga, trung bình một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ trị giá vài tỷ USD, trong khi tên lửa hành trình chống hạm có giá trung bình khoảng một triệu USD hoặc thấp hơn.

Theo tính toán của người Nga, số tiền để chế tạo một hàng không mẫu hạm có thể dùng để sản xuất hàng nghìn tên lửa hành trình. Ngay cả khi Moscow khai hỏa một phần trong số đó, tất cả tàu sân bay Mỹ hoàn toàn có nguy cơ bị đánh chìm.

Không chỉ có tàu sân bay, để đối phó mối đe dọa từ Nga, người Mỹ đang sử dụng F-35 như một sát thủ với dàn vũ khí tối tân. Cả nghìn tỷ USD đã được chi cho dự án này, tuy nhiên dự án đắt đỏ này bị cho rằng dễ dàng bị tổ hợp phòng không S-400 hạ gục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại