Muốn "cởi trói" khỏi năng lượng giá rẻ Nga, EU phải trả cái giá quá đắt: 210 tỷ euro!

An An |

Chưa kể có gói trừng phạt của EU đối với năng lượng Nga đã bị phản đối bởi chính thành viên trong khối, vốn là một trong những khách hàng năng lượng lớn của Moscow.

Hệ thống đường ống năng lượng của Nga sang châu Âu

Hệ thống đường ống năng lượng của Nga sang châu Âu

Theo tờ Euronews (Pháp), Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với một tình huống khó xử vô cùng hiếm gặp: Làm thế nào để cắt giảm sự phụ thuộc nặng nề và tốn kém vào năng lượng Nga trong khi vẫn giữ được ánh sáng cho người dân và doanh nghiệp trên khắp lục địa. 

Năm ngoái, khối này đã chi gần 100 tỷ euro cho nhập khẩu năng lượng của Nga.

Trước tình hình hiện tại, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng - REPower EU (Tái cung cấp năng lượng cho EU -  nhằm hoàn toàn độc lập năng lượng với Nga từ năm 2027.

Ủy viên phụ trách năng lượng của EU Kadri Simson nói rằng: "Cởi trói châu Âu khỏi nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của khối sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế của việc chấm dứt sự phụ thuộc sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí ngắn hạn của kế hoạch REPowerEU".

Đối với một khách hàng đã hàng thập kỷ quen với nguồn cung cấp giá rẻ và đáng tin cậy từ Nga, việc ngừng nhập khẩu hoàn toàn sẽ kéo theo những thách thức to lớn như: Đa dạng hóa các nhà cung cấp, thiết kế lại cơ sở hạ tầng, giảm thiểu việc tăng giá, thúc đẩy các giải pháp thay thế tái tạo và trên hết, đảm bảo các hộ gia đình và nhà máy vẫn được cung cấp điện mà không bị gián đoạn.

"[Tình hình xung đột] đang phá vỡ thị trường năng lượng toàn cầu", bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch EC, cho biết khi trình bày kế hoạch vào chiều 18/5. "Nó cho thấy chúng ta phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu như thế nào và chúng ta dễ bị tổn thương như thế nào khi phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu hóa thạch từ Nga".

Mọi con mắt đều đổ dồn vào LNG

Nga là nhà cung cấp khí đốt chính của EU, chiếm 45% tổng nguồn cung cấp khí đốt - 155 tỷ mét khối (bcm) - vào năm 2021.

Brussels nhận thức rõ rằng lượng khí khổng lồ này sẽ không biến mất trong một sớm một chiều hoặc bị thay thế bởi các năng lượng xanh, vì vậy ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm nguồn cung khác để lấp đầy khoảng trống do dừng nhập khẩu từ Nga.

Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nổi lên như một giải pháp sẵn có nhất cho tình trạng khó khăn này. LNG là khí đã được làm lạnh và được vận chuyển bằng tàu, sau đó bốc dỡ các bồn chứa bằng các thiết bị đầu cuối phức tạp rồi biến chất lỏng trở lại thành khí.

Điều này mang lại một lợi thế lớn cho các quốc gia ven biển có thiết bị đầu cuối, như Tây Ban Nha, Ý và Hà Lan, và có thể tăng lượng mua hàng một cách tương đối dễ dàng. EU đã phá kỷ lục nhập khẩu LNG kể từ đầu năm 2022, đạt 12,4 bcm vào tháng 4.

Tuy nhiên, LNG rất đắt và thị trường toàn cầu rất cạnh tranh, đặc biệt khi những khách mua châu Á đã mạnh tay chi ra số tiền lớn trước đó. Nó cũng đặt các quốc gia không giáp biển vào thế bất lợi vì họ không thể tiếp cận các cảng và buộc phải nhận nguồn cung cấp khí đốt thông qua các đường ống, hầu hết do Nga vận hành.

Theo kế hoạch REPower EU, có tới 2/3 lượng khí đốt của Nga - khoảng 100 bcm - có thể bị cắt giảm vào cuối năm nay. Một nửa trong số này - 50 bcm - sẽ được thay thế bằng LNG, trong khi 10 bcm sẽ đến từ các đường ống không phải của Nga, bao gồm cả các đường ống từ Na Uy, Azerbaijan và Algeria.

EU hiện đang tập trung vào việc ký kết các thỏa thuận và quan hệ đối tác với các nhà sản xuất LNG hàng đầu. Dựa trên một thỏa thuận gần đây mới được thiết lập, Mỹ sẽ cung cấp cho khối này thêm 15 bcm LNG.

Brussels cũng hợp tác với Qatar, Ai Cập, Israel và Australia để đảm bảo nguồn cung bổ sung và muốn khám phá tiềm năng của các nước châu Phi như Nigeria, Senegal và Angola.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy thay thế khí đốt của Nga bằng quá nhiều LNG đã bị các tổ chức môi trường chỉ trích bởi theo các tổ chức này, LNG sẽ kéo dài sự phụ thuộc của khối vào nhiên liệu gây ô nhiễm và gây khó khăn cho việc thực hiện các mục tiêu khí hậu.

Nhà vận động năng lượng tại Greenpeace EU Silvia Pastorelli cho biết: "Những kế hoạch này sẽ tiếp tục chảy vào túi của những gã khổng lồ năng lượng như Saudi Aramco và Shell, những người đang kiếm được lợi nhuận kỷ lục sau [xung đột], trong khi người dân ở châu Âu phải vật lộn để trả các hóa đơn".

Muốn cởi trói khỏi năng lượng giá rẻ Nga, EU phải trả cái giá quá đắt: 210 tỷ euro! - Ảnh 1.

Thống kê nhập khẩu khí đốt Nga của EU

27 trong 1

Để vượt qua sự cạnh tranh khốc liệt về LNG, Brussels muốn 27 quốc gia thành viên mua với tư cách một khách hàng duy nhất và khai thác sức mạnh tổng hợp của họ như một thị trường chung lớn nhất thế giới.

Khối đã thiết lập nền tảng năng lượng EU, một kế hoạch tự nguyện nhằm tổng hợp nhu cầu và điều phối nhập khẩu, lần đầu tiên có hiệu lực vào đầu tháng 4.

Brussels đặt mục tiêu tiến thêm một bước nữa và tạo ra một "cơ chế mua chung", một liên doanh tập thể để thay mặt các quốc gia thành viên đàm phán các hợp đồng khí đốt.

Cơ chế này sẽ là tự nguyện và được xây dựng dựa trên các bài học kinh nghiệm từ việc mua vắc xin COVID-19, mà EC đã chỉ đạo để có được hàng triệu liều với giá cả phải chăng.

Ý tưởng mua chung khí đốt nổi lên vào mùa thu năm ngoái, khi cuộc khủng hoảng điện bắt đầu khiến hóa đơn tiền điện tăng vọt. Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp và Romania trước đó đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng mua chung, cho rằng nó sẽ hạ giá sản phẩm và tăng cường an ninh năng lượng.

"Điều này rất quan trọng đối với tất cả các quốc gia thành viên, bắt đầu từ các quốc gia lớn", Simone Tagliapietra, một thành viên cấp cao tại Bruegel, nói với Euronews. "Nó còn có lợi đối với các nước nhỏ, cụ thể là ở phía Đông, có thể gặp vấn đề nhập khẩu khí đốt trong trường hợp dòng chảy của Nga bị gián đoạn. Nó sẽ bảo vệ an ninh năng lượng tổng thể ở châu Âu".

Khó khăn lớn

Vì khí đốt là một mặt hàng có nhu cầu cao nhưng rất hạn chế nên EU cần tìm các nguồn tài nguyên khác có thể bù đắp cho sự hao hụt nhiên liệu của Nga.

REPower EU được coi là một lớp bổ sung của Thỏa thuận Xanh Châu Âu và tập trung rõ rệt vào năng lượng tái tạo. EC đề xuất đẩy nhanh việc triển khai các hệ thống năng lượng mặt trời và gió với mục đích thay thế hơn 20 bcm khí đốt của Nga trước cuối năm nay.

Nhưng mục tiêu này phải đối mặt với bức tường lớn: Trung bình xây dựng các trang trại điện gió mất 9 năm để hoàn thành trong khi các tấm pin mặt trời cần từ 4 đến 5 năm để hoàn thiện hệ thống. Quá trình này rất phức tạp và đòi hỏi nhiều ủy quyền liên quan đến các tiêu chuẩn xây dựng, năng lượng, môi trường và kiến ​​trúc.

Trong một khuyến nghị mới, Brussels yêu cầu các quốc gia thành viên đẩy nhanh tiến độ và thiết lập thời hạn tối đa ràng buộc cho tất cả các giai đoạn liên quan. Năng lượng tái tạo trở thành một "lợi ích công cộng quan trọng" tạo áp lực cho tiến trình cấp phép được diễn ra nhanh hơn.

Alex Mason, người đứng đầu chính sách năng lượng tại văn phòng WWF EU, cho biết  đẩy nhanh tốc độ cấp phép là một ý tưởng hay nhưng các thủ tục còn khá rườm rà.

EC đề xuất nâng mục tiêu tái tạo của EU vào năm 2030, từ 40% lên 45% tổng năng lượng được sản xuất trên toàn khối và bắt buộc sử dụng các tấm pin mặt trời trong tất cả các tòa nhà công cộng và thương mại mới vào năm 2025 và trong tất cả đơn vị ở vào năm 2029.

Muốn cởi trói khỏi năng lượng giá rẻ Nga, EU phải trả cái giá quá đắt: 210 tỷ euro! - Ảnh 2.

Bảng số liệu EU nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga

Câu hỏi về 'thay đổi hành vi'

Việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga về năng lượng sẽ đòi hỏi EU đầu tư nhiều hơn vào LNG và các tấm pin mặt trời nên mục tiêu lớn của khối cũng sẽ cần "thay đổi hành vi" trong cách tiêu thụ điện của người châu Âu.

Trong đó có các đề xuất như sử dụng nhiều phương tiện công cộng, giảm tốc độ trên đường cao tốc, giảm hệ thống sưởi và điều hòa không khí, làm việc tại nhà và lựa chọn các thiết bị gia dụng tiết kiện điện.

"Tiết kiệm năng lượng là cách rẻ nhất, an toàn nhất và sạch nhất để giảm sự phụ thuộc của chúng ta vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga", tài liệu của EC viết.

Theo Euronews, không có đề xuất nào trong số này có tính ràng buộc pháp lý và cũng chỉ lặp lại các lời kêu gọi trước đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Brussels ước tính việc áp dụng các biện pháp này sẽ làm giảm nhu cầu điện và xóa bỏ nhu cầu 13 bcm khí đốt của Nga trong ngắn hạn.

Nhưng vì các đề xuất này thiếu sức nặng về mặt pháp luật nên không rõ các hộ gia đình và công ty châu Âu, những người đang phải đối phó với các hóa đơn cao ngất trời và lạm phát tăng vọt, sẽ sẵn sàng thực hiện như thế nào.

EC dự định làm việc với IEA, các chính phủ quốc gia và chính quyền địa phương để phát triển các chiến dịch thông tin nhằm thúc đẩy hành vi sử dụng năng lượng hiệu quả.

Cái giá quá đắt

Theo ước tính của EC, khối EU sẽ phải trả một cái giá khá đắt: Việc độc lập với năng lượng của Nga sẽ tiêu tốn 210 tỷ euro đầu tư bổ sung từ năm 2022 đến năm 2027.

Hơn 110 tỷ euro sẽ dành cho việc triển khai năng lượng tái tạo và hệ thống hydro, trong khi 10 tỷ euro sẽ được sử dụng để đa dạng hóa nguồn cung LNG và hệ thống đường ống khí đốt. Brussels đã đề xuất phần lớn số tiền nên đến từ các khoản vay chưa sử dụng của quỹ phục hồi COVID-19 .

Khi các nhà lãnh đạo EU đồng ý đẩy mạnh quỹ vào năm 2020, họ đã chia quỹ thành 312,5 tỷ euro cho các khoản viện trợ không hoàn lại và 360 tỷ euro cho các khoản vay lãi suất thấp. Vì các khoản vay đã được hoàn trả dần dần, nên phần lớn các quốc gia thành viên đã từ bỏ chúng và chỉ yêu cầu phần tài trợ được phân bổ của họ.

Quỹ này còn dư 225 tỷ euro và hiện có thể được khai thác để tài trợ cho việc thiết kế lại các mạng lưới năng lượng. Doanh thu từ hệ thống giao dịch khí thải có thể mang lại thêm 20 tỷ € tiền tài trợ.

"Sự kết hợp giữa vốn viện trợ mới với các khoản cho vay chưa sử dụng có thể trở nên rất hấp dẫn", một quan chức cấp cao của EC cho biết và nhấn mạnh, những thách thức kinh tế do xung đột gây ra chắc chắn sẽ đòi hỏi nhiều tài chính hơn.

Đáng chú ý, ước tính chi phí của EC bao gồm ​​2 tỷ euro để cải tạo cơ sở hạ tầng dầu mỏ.

Là một phần của gói trừng phạt mới, các quốc gia thành viên hiện đang thảo luận về lệnh cấm đối với dầu mỏ của Nga, nhưng đề xuất này vẫn bị mắc kẹt khi Hungary - khách hàng năng lượng lớn của Nga ở châu Âu, yêu cầu sự hỗ trợ kinh tế đa dạng và kéo dài hơn

Hungary phản đối gói trừng phạt thứ 6 của EU với Nga

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với kênh truyền hình Rai News 24 (Italia), Ủy viên phụ trách kinh tế EU Paolo Gentiloni cho biết, gói lệnh trừng phạt thứ sáu của khối nhằm vào Nga đã không được thông qua.

"Chúng tôi đã thông qua 5 gói trừng phạt rất nhanh chóng và đều đạt được sự nhất trí, nhưng gói thứ 6 vẫn bị trì hoãn vì những lý do đã lường trước. Tuy nhiên, tôi lạc quan về triển vọng tìm kiếm một thỏa hiệp", ông Gentiloni nói.

Quan chức EU giải thích rằng chính phủ Hungary không phản đối quyết định áp đặt lệnh cấm vận năng lượng với Nga nhưng nhấn mạnh những khó khăn riêng của nước này về vị trí địa lý và mô hình cung cấp năng lượng.

Theo TASS (Nga), Hungary tuyên bố sẽ ngăn chặn bất kỳ đề xuất trừng phạt nào của EU bao gồm những lệnh cấm nhằm vào năng lượng Nga và gọi đó là "lằn ranh đỏ" với lợi ích của Hungary. Quốc gia Trung Âu này nhập 85% khí đốt tự nhiên và hơn 60% dầu từ Nga.

Hiện nay, các đại diện thường trực của các nước EU vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, bao gồm dự thảo lệnh cấm vận dầu mỏ. Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) có kế hoạch giảm dần sự phụ thuộc vào dầu Nga trong vòng sáu tháng sau khi gói trừng phạt thứ 6 có hiệu lực. Đồng thời, EC cũng đề xuất cho phép Hungary và Slovakia mua dầu của Nga cho đến cuối năm 2024.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại