Việc lựa chọn bánh trung thu làm quà tặng là một việc làm rất có ý nghĩa trong dịp tết trung thu. Thế nhưng nếu món quà đó không đảm bảo chất lượng thì cũng sẽ đem tới những tình huống gây khó xử cho người tặng.
“Muối mặt” vì mua phải bánh trung thu “mốc” tặng khách
Mới đây, một người đàn ông họ Lưu ở Tự Cống, Tứ Xuyên, Trung Quốc, đã mua 40 hộp bánh trung thu thương hiệu "Alang Food" làm quà cho khách hàng ngoại quốc nhân dịp Trung thu.
Đây là loại do Công ty TNHH Thực phẩm Tứ Xuyên A Lang sản xuất. Mỗi hộp có 8 chiếc, mỗi chiếc được đóng gói riêng trong một túi nhỏ. Ngày sản xuất trên hộp là ngày 30 tháng 8 năm 2023, thời hạn sử dụng là 45 ngày. Tính đến ngày 18/9/2023, anh Lưu đã gửi hơn 20 hộp bánh trung thu tới tay những khách hàng quan trọng của mình.
Không ngờ, một trong những khách hàng nhận được quà phát hiện trên bề mặt bánh có nhiều mốc trắng và báo lại cho anh. Điều này khiến anh Lưu vừa thấy xấu hổ, vừa áy náy, phải liên tục gọi điện xin lỗi đối phương và nhắc nhở những người khách còn lại đừng ăn bánh.
Sau đó, người đàn ông này vội mang số bánh vẫn chưa kịp tặng đi kiểm tra. Tính đến ngày 26/9, anh Lưu phát hiện thêm khoảng 8 chiếc bánh trung thu bị mốc trắng khi quan sát bằng mắt thường, số còn lại cũng có màu sắc bất thường.
Đàm phán bất thành
Vì cảm thấy số bánh trung thu bị hỏng này đã làm mình mất mặt với khách hàng, cùng ngày 18/9, anh Lưu đã liên hệ với nhà sản xuất bánh trung thu để khiếu nại. Phía công ty này đã đồng ý “đổi lại” 40 hộp bánh trung thu mới nhưng không có lời xin lỗi nào được đưa ra. Đến ngày 25/9, anh Lưu mới nhận được phản hồi từ nhân viên hậu mãi, cho biết ngoài việc bồi thường bằng số bánh mới, phía công ty cũng sẽ hoàn lại số tiền của những chiếc bánh đã bị hỏng.
Trong vụ việc này, anh Lưu cho biết, ban đầu, anh tưởng mức bồi thường tối đa là 20 lần, sau này mới biết là 10 lần. Anh yêu cầu nhà sản xuất bánh trung thu bồi thường gấp 10 lần tổn thất, nghĩa là bồi thường lại số tiền gấp 10 lần giá trị của những hộp bánh bị hỏng. Tuy nhiên, yêu cầu này của anh đã bị phía nhà sản xuất bánh từ chối và chỉ đồng ý bồi thường gấp 10 lần đối với số bánh trung thu đã bị hỏng chứ không phải giá trị của nó.
Vì không hài lòng về thái độ và cách giải quyết vấn đề của phía công ty bánh, anh Lưu đã khiếu nại lên cơ quan chức năng và yêu cầu giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Sau đó, công ty đề nghị “hoàn tiền” nhưng anh Lưu không chấp nhận.
Về phía nhà sản xuất bánh trung thu, họ cho biết sau khi nhận được phản hồi của người tiêu dùng rằng bánh trung thu bị mốc, công ty đã xử lý rất nghiêm túc và ngay lập tức thay thế và đổi lại cho khách hàng là anh Lưu 40 hộp bánh trung thu mới.
Đại diện công ty sản xuất bánh cho biết, công ty họ luôn giải quyết vấn đề bằng thái độ đàm phán tích cực và bồi thường theo quy định của pháp luật, tức là “bồi thường gấp 10 lần giá trị của những hộp bánh bị hỏng”. Tuy nhiên, yêu cầu “bồi thường gấp 20 lần” của anh Lưu trước đó là không hợp lý nên việc thương lượng giữa 2 bên không đi đến kết quả.
Ngoài ra, công ty này cũng cho biết họ giải quyết vấn đề bằng cách “đổi mới lấy cũ”. Thế nhưng anh Lưu chỉ gửi lại công ty 15 hộp bánh bị hỏng.
Về mức “bồi thường gấp 20 lần” được công ty sản xuất bánh đề cập, anh Lưu thẳng thắn nói rằng lúc đó anh lầm tưởng mức bồi thường tối đa là 20 lần, nhưng sau này mới biết là “10 lần”. Con số “10 lần” được phía công ty đề cập là đền bù số lượng bánh trung thu bị mốc gấp 10 lần chứ không phải gấp 10 lần giá giao dịch thực tế nên anh không thể chấp nhận.
Luật sư nói gì về vụ việc này?
Trương Bính Nghiêu, luật sư tại Công ty Luật Tung Mục Tứ Xuyên cho biết, tại Khoản 2 Điều 148 "Luật An toàn Thực phẩm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" nêu rõ rằng nếu thực phẩm được sản xuất không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm hoặc thực phẩm không đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nhưng vẫn cố tình bán, người tiêu dùng có thể yêu cầu nhà sản xuất bồi thường gấp 10 lần hoặc gấp 3 lần thiệt hại.
Trong trường hợp "bồi thường gấp 3 lần" sẽ tập trung vào việc công ty sản xuất có gian lận hay không, còn "bồi thường gấp 10 lần" sẽ tập trung vào việc liệu tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đã được đơn vị sản xuất đáp ứng hay chưa.
Nếu số tiền bồi thường ít hơn 1.000 NDT thì người tiêu dùng sẽ nhận được số tiền là một 1.000 NDT. Tuy nhiên, điều này được loại trừ nếu sai sót trên nhãn thực phẩm và hướng dẫn của sản phẩm không ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm và không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Vì vậy, nếu người tiêu dùng mua bánh trung thu bị mốc hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thì có quyền yêu cầu bồi thường gấp 10 lần số tiền thiệt hại.
Căn cứ vào các bằng chứng hiện có, không thể xác định liệu có vấn đề trong quá trình sản xuất bánh trung thu cùng lô hay bị mốc là do rò rỉ không khí trong bao bì nên người tiêu dùng, cụ thể là anh Lưu chỉ có thể yêu cầu bồi thường theo số bánh bị mốc.
Vì bánh trung thu đã được nhà sản xuất đóng hộp trước khi bán nên cách tính “bồi thường 10 lần” phải căn cứ vào số hộp. Tức là chỉ cần có một chiếc bánh trung thu nào trong hộp không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thì có thể coi tất cả bánh trung thu trong hộp đều không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Từ việc tính ra số lượng bánh trung thu bị hỏng mà anh Lưu mua phải, phía công ty sản xuất bánh phải bồi thường cho đối phương gấp 10 lần số tiền mà vị khách này đã bỏ ra khi mua số bánh bị hỏng đó.
Đồng thời, anh Lưu cũng có quyền báo cáo tình hình lên cơ quan chức năng để có thể tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên cùng một lô sản phẩm để xác minh thêm về nguyên nhân bánh trung thu bị mốc. Nếu được xác minh là đúng, cơ quan liên quan cũng có thể xử phạt hành chính theo quy định của Luật An toàn thực phẩm.
Dù việc khiếu nại của anh Lưu chưa có kết quả chính thức, song dưới góc độ pháp lý, luật sư cho rằng yêu cầu bồi thường của người đàn ông này là hợp lý, đúng với pháp luật quy định. Do đó, khả năng anh Lưu khiếu nại thành công là rất cao.
(Theo Sina)