Một góc nhìn về cảnh đồng đội hối hả cào tuyết để Quang Hải ghi bàn

Nguyễn Hằng |

Đây cũng chính là một trong những khoảnh khắc xúc động nhất trong trận chung kết khó khăn và đầy tự hào của U23 Việt Nam trước U23 Uzbekistan.

Hiếm khi nào bóng đá châu Á lại có một trận cầu vừa kỳ lạ vừa giàu cảm xúc như trận chung kết của đội tuyển U23 Việt Nam với U23 Uzbekistan.

Trước một đội bóng có nhiều lợi thế về thể lực, kinh nghiệm, trong điều kiện khắc nghiệt, đội tuyển U23 Việt Nam đã đưa trận đấu đến tận phút 119, và chỉ chịu về nhì khi đội bạn vẫn còn quá khỏe. 

Và đọng lại trong tâm trí người hâm mộ Việt Nam chắc chắn không thể thiếu cảnh này: chúng ta được hưởng quả đá phạt trực tiếp trước vòng cấm địa, do tuyết lấp mặt sân, các cầu thủ như đội trưởng Xuân Trường, Văn Thanh... đã hì hụi dùng tay cào tuyết lên để trơ lớp cỏ, và Quang Hải thực hiện siêu phẩm gỡ hòa 1-1.


Cảnh tượng vừa thú vị vừa xúc động này cũng đã lay động hàng triệu cư dân mạng và nhiều hãng thông tấn quốc tế. 

Nhìn dưới góc độ của một số nhà khoa học, sự phối hợp, tương trợ và tinh thần đồng đội này là thứ vô cùng đặc biệt, không có thứ máy móc nào đo đếm cụ thể được, và đôi khi nó có thể tạo ra những hiệu quả thật sự trên thực địa, chứ không chỉ đơn giản là một liệu pháp tinh thần.

Giani Boldeanu, một huấn luyện viên tinh thần nổi tiếng ở Anh, khẳng định sự gắn kết giữa các cầu thủ được cho là chìa khóa then chốt hướng tới thành công của một đội bóng, chứ không phải là những ngôi sao bom tấn.

Ông nói: "Chúng ta có thể có những cầu thủ tốt nhất trên thế giới, nhưng nếu không có sự gắn kết thì họ có thể sẽ chơi như một đội bóng trung bình".

Nói đến đây, chắc chắn chúng ta nhớ đến sự đăng quang của đội tuyển Hy Lạp ở châu Âu - và trùng hợp là có một số tờ báo thể thao cũng đã ví con đường của Việt Nam đến trận chung kết tương tự như Hy Lạp vậy. 

Bên cạnh sự gắn kết, yếu tố cảm xúc cũng đóng vai trò không nhỏ giúp các cầu thủ trong một đội bóng vượt qua sự cạnh tranh và nhiều áp lực của trận đấu.

Theo Jim Taylor, tiến sĩ tâm lý học tại Đại học San Francisco (Mỹ), cảm xúc thi đấu tích cực giúp cơ thể của các cầu thủ có thể thư giãn thể chất ở mức cao và dễ đạt được mục tiêu vì khả năng tập trung cao độ. 

Và thực tế là chúng ta đã thấy U23 Việt Nam tập trung cao độ không chỉ trong 120 phút chung kết mà tới 3 lần 120 phút cam go, căng thẳng, mệt mỏi (cả tứ kết, bán kết). 

Một góc nhìn về cảnh đồng đội hối hả cào tuyết để Quang Hải ghi bàn - Ảnh 1.

U23 Việt Nam vỡ òa niềm vui khi Quang Hải gỡ hòa 1-1. Ảnh: AFC

Đội tuyển U23 Việt Nam đã làm nên thành tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử bóng đá Việt Nam, nhưng, như các bình luận viên VTV nói đi nói lại trong suốt một ngày "marathon" dù mệt nhoài mà hạnh phúc để đón chào, vinh danh U23 Việt Nam: 

Chúng ta không còn nhớ gì về trận chung kết nữa, không phải chiếc cúp mà chính cách các cầu thủ chiến đấu vì màu cờ sắc áo, đem lại niềm tự hào lớn lao cho Tổ Quốc, đã lay động tất cả. 

* Bài viết tham khảo nhiều nguồn: Sportandpsychology, Psychologytoday

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại