Minh Nhí: Tôi chấp nhận đóng vai chính trong sự đau khổ, bị thầy chửi, bạn bè ganh tỵ

Cao Thanh Hương |

"Khi tôi về trường giảng dạy, nhiều người không ưa. Họ ghét thầy Phúc nên ghét lây tôi vì cả hai thầy trò đều "mắc bệnh" nói thẳng...", nghệ sĩ Minh Nhí kể.

Đây là lần đầu tiên nghệ sĩ Minh Nhí kể về người thầy của mình. Người mà anh kính trọng nói "cho tới giờ phút này, thầy là người tôi biết ơn sâu sắc nhất..."

Cuộc trò chuyện giữa tôi và nghệ sĩ Minh Nhí diễn ra trong một buổi chiều trời mưa tầm tã. Gần như trong suốt buổi trò chuyện, tôi phải căng tai hết cỡ mới nghe được đủ lời đủ ý của anh khi mà tiếng mưa như cố tình làm loãng mọi thanh âm xung quanh!

"Thầy chỉ tôi đi con đường chính đạo, không hại người, không mưu mô xảo trá"

Thầy Nguyễn Văn Phúc là người đã phát hiện ra tôi từ lúc tôi bắt đầu luyện thi vào trường Sân khấu. Thầy khuyên tôi nên thi lớp đạo diễn vì nếu tôi thi lớp diễn viên thì chắc chắn rớt do... lùn quá, không đủ tiêu chuẩn ngoại hình.

Kỷ niệm về thầy rất nhiều nhưng tôi nhớ nhất là lúc thi tốt nghiệp. Học 4 năm, chúng tôi phải thi tốt nghiệp lớp diễn viên và học thêm 1 năm để tốt nghiệp đạo diễn.

Vở tốt nghiệp lớp diễn viên, thầy Phúc dựng "Quan thanh tra". Thầy đưa tôi đóng vai chính nhưng tôi sợ không làm được nên đòi vai nhỏ.

Minh Nhí: Tôi chấp nhận đóng vai chính trong sự đau khổ, bị thầy chửi, bạn bè ganh tỵ - Ảnh 1.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Phúc - thầy của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tại Việt Nam. Một trong những "trò cưng" của thầy Phúc là nghệ sĩ Minh Nhí.

Minh Nhí: Tôi chấp nhận đóng vai chính trong sự đau khổ, bị thầy chửi, bạn bè ganh tỵ - Ảnh 2.

Nhờ đi theo sự chỉ dẫn của thầy Phúc mà hiện nay, nghệ sĩ Minh Nhí cũng là thầy của rất nhiều học trò nổi tiếng, trong số đó có Việt Hương, Tiết Cương, Hạnh Thuý, Thuý Nga, Cao Minh Đạt, Xuân Nghị...

Thầy giận, mắng: "Người ta phải chiến đấu, tranh giành để được đóng vai chính còn con được đóng vai chính lại từ chối. Nếu con chỉ chọn vai dễ thì con sẽ không bao giờ thành danh được. Con phải bỏ ngay cái suy nghĩ đó đi".

Vậy là tôi phải chấp nhận đóng vai chính trong sự đau khổ, bị thầy chửi, bị bạn bè ganh tỵ nhưng cũng nhờ vai đó mà tôi đi lên.

Năm 2005, khi tôi đi Mỹ về và dính sự cố bị cấm diễn, bị đình chỉ giảng dạy thì thầy là người gọi điện cho tôi hàng ngày, an ủi, động viên, kêu rút kinh nghiệm và cẩn thận.

Nhiều năm sau vẫn vậy. Từ lúc tôi 19 tuổi đến bây giờ là 56 tuổi, thầy vẫn dõi theo tôi từng đường đi nước bước.

Thầy không chỉ dạy tôi làm nghề mà còn dạy về đạo đức. Thầy chỉ tôi phải đi con đường chính đạo, không hại người, không mưu mô xảo trá khi làm nghề này.

Bản thân thầy cũng là người đi con đường chính đạo nên thầy rất lận đận. Thầy trầy da tróc vảy mới được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú dù thầy đào tạo ra rất nhiều nghệ sĩ ngôi sao như anh Công Ninh, Trần Cảnh Đôn, Xuân Phước, Thanh Thuỷ, Đại Nghĩa...

Tôi nhớ hồi đó mỗi lần xét duyệt Nhà giáo Ưu tú, thầy luôn bị loại từ trường, tên thầy không nằm trong danh sách được gửi ra Bộ. Sau rất nhiều năm, khi không còn lý do để cản trở nữa thì thầy mới được phong tặng danh hiệu này.

Có nhiều lúc tôi nghĩ, số phận thầy trò tôi giống nhau. Thầy rất mẫu mực trong việc dạy học trò nhưng không phải ai khi thành đạt cũng nhớ tới ơn thầy. Tôi thương thầy nhiều hơn cũng bởi lẽ đó.

Minh Nhí: Tôi chấp nhận đóng vai chính trong sự đau khổ, bị thầy chửi, bạn bè ganh tỵ - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Minh Nhí là một người rất uy tín trong nghề giáo.

Dẫn dắt vào nghiệp sư phạm

Chính thầy Phúc là người đề nghị tôi quay về trường giảng dạy. Lúc đầu tôi không chịu vì nghĩ, lương giáo viên ít, thời gian đi dạy mình đi quay, đi diễn kiếm nhiều tiền hơn. Lúc đó, tôi rất nổi tiếng và nhiều show.

Thầy vẫn kiên trì kêu tôi 3 lần 4 lượt. Những lời thầy phân tích, sau này tôi càng nghiệm càng thấy đúng. Thầy nói: "Con có nổi tiếng cỡ nào đi nữa thì khi con già, sự nổi tiếng cũng sẽ qua. Nghệ sĩ chỉ có thời, không ai được hoài. Khi con hết thời, mọi người sẽ quên con.

Nét duyên sân khấu của con đến một lúc nào đó sẽ bị mai một, sự nghiệp coi như xong nhưng nếu con giảng dạy, con sẽ đi được đường dài với nghề.

Đi dạy, con sẽ truyền đạt được kinh nghiệm quý báu của mình về học thuật cũng như làm nghề cho đời sau. Dẫu con không còn đứng trên sân khấu nữa thì con cũng sẽ có những học trò nổi tiếng. Chúng sẽ nhắc tới người đào tạo ra mình. Đó sẽ là những điều an ủi con.

Trong quá trình giảng dạy, chính con cũng sẽ học thêm được rất nhiều từ các thế hệ học trò của mình, tự trau dồi thêm nghề nghiệp cho mình. Và nếu con sống đàng hoàng, dạy giỏi, đi đâu con cũng sẽ được mọi người kính trọng".

Tôi suy nghĩ rất lâu và cuối cùng quyết định nghe lời thầy.

Thật sự cho đến giờ phút này, càng ngẫm tôi càng thấy những điều thầy nói là đúng và càng biết ơn thầy hơn nữa. Bằng chứng là bây giờ tôi đi đâu, tôi cũng được kính trọng. Tôi bị đau đốt sống cổ phải đi điều trị, bác sĩ cũng kêu tôi bằng thầy.

Tôi đi ăn hủ tíu, cả nhà chủ quán gọi tôi bằng "thầy". Họ nói "gia đình chúng tôi kính trọng thầy lắm". Họ không chịu lấy tiền nhưng tôi nói "phải tính tiền để tôi còn trở lại. Nếu không tính tiền, tôi ngại sẽ không quay lại ăn nữa".

Minh Nhí: Tôi chấp nhận đóng vai chính trong sự đau khổ, bị thầy chửi, bạn bè ganh tỵ - Ảnh 4.

Bên cạnh đó, anh cũng là nghệ sĩ tên tuổi. Trong ảnh, nghệ sĩ Minh Nhí và Đức Thịnh trong vở "Châu về hợp Phố" - vai diễn của anh được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2018.

Tôi và thầy đều mắc bệnh nói thẳng nên bị ghét

Vì tôi là học trò cưng của thầy Phúc nên ngày xưa, nhiều người ghét tôi lắm. Ngay cả khi tôi về trường giảng dạy cũng vậy, nhiều người không ưa. Họ ghét thầy Phúc nên ghét lây tôi. Cả hai thầy trò tôi đều "mắc bệnh" nói thẳng nói thật, không thích là góp ý ngay nên mình vô tình gieo hiềm khích với người ta.

Nhưng ông Tổ thương tôi, họ ghét nhưng không "đì" tôi được. Một phần vì trong trường thì tôi dạy giỏi, ở ngoài lại nổi tiếng, phần khác vì tôi luôn tiếp thu và cầu thị, sai là sửa.

Khi đi dạy học, tôi cũng noi theo thầy mà sống và dạy lại cho các thế hệ học trò của mình. Tôi cũng dõi theo học trò như thầy đã từng và luôn dõi theo tôi cho tới giờ phút này. Tôi thường lấy chính những điều được và mất của mình ra để dạy học trò. Đó là kinh nghiệm xương máu của bản thân.

Ngoài học thuật, tôi luôn dạy học trò về đạo đức làm nghề, đạo đức làm người. Tôi biết thời bây giờ, nói đạo đức với các bạn trẻ rất khó nhưng tôi vẫn dạy còn tiếp thu được tới đâu là việc của các bạn. Tôi tin rằng, đến một lúc nào đó, các bạn sẽ nghiệm ra là thầy mình nói đúng.

Minh Nhí: Tôi chấp nhận đóng vai chính trong sự đau khổ, bị thầy chửi, bạn bè ganh tỵ - Ảnh 6.

Nghệ sĩ Minh Nhí xúc động trong vòng tay của học trò ngày sinh nhật.

Nếu tôi chỉ là một nghệ sĩ bình thường thì chắc chắn tôi chết lâu rồi bởi thời bây giờ công việc không như xưa. Tôi cũng qua thời của mình rồi và nghệ sĩ già khi đi làm ít người kính trọng...

Nhưng tới giờ này tôi vẫn rất vui và sống khoẻ. Thấy show đúng tôi nhận, sai tôi từ chối. Và lý do tôi không làm show đó là vì tôi không nhận chứ không phải người ta không mời.

Tôi đi tới đâu, đoàn phim đều kêu tôi bằng thầy. Tất cả những điều đó đều là nhờ tôi nghe lời thầy mình đi theo nghề giáo.

Chính vì vậy, tới giờ này, thầy Phúc vẫn là người tôi biết ơn sâu sắc nhất!

* Ghi theo lời kể của nghệ sĩ Minh Nhí


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại