Mệnh lệnh sắc lạnh của ông Modi: Tiền tuyến Ấn Độ nóng rực, không còn gì cản trở khai hỏa vào lính Trung Quốc

Hải Võ |

Các chỉ huy quân sự Ấn Độ không còn bị hạn chế bởi các quy định về sử dụng hỏa lực và có toàn bộ thẩm quyền phản ứng với "những tình huống đặc thù" bằng tất cả nguồn lực.

Hindustan Times ngày 20/6 dẫn thông tin từ hai sĩ quan cấp cao ẩn danh, xác nhận đã có điều chỉnh đáng kể trong Quy tắc đụng độ (ROE) của quân đội Ấn Độ, trao cho các chỉ huy "toàn quyền tự do hành động" ở khu vực biên giới với Trung Quốc, dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC).

Sự thay đổi được đưa ra sau khi quân đội hai nước có vụ xung đột đẫm máu ở thung lũng Galwan vào tối ngày 15/6. Dù không có tiếng súng nổ, cuộc giao tranh đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng cùng 76 người khác bị thương. Trung Quốc không công bố thông tin về thương vong của Quân giải phóng nhân dân (PLA), song nguồn tin từ văn phòng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiết lộ phía Trung Quốc đã tổn thất hai sĩ quan chỉ huy của một tiểu đoàn.

Phát biểu trong cuộc họp với thủ lĩnh các đảng phái của Ấn Độ hôm 19/6, ông Modi tuyên bố quân đội đã được trao quyền tự do thực hiện những biện pháp cần thiết ở vùng biên giới, đồng thời New Delhi cũng khẳng định lập trường của mình với Trung Quốc thông qua các kênh đối ngoại.

"Với những thay đổi trong ROE, không còn gì hạn chế khả năng của các chỉ huy Ấn Độ để làm mọi điều mà họ cho là cần thiết tại LAC. ROE đã được sửa đổi để ứng phó chiến thuật hung hăng của binh lính Trung Quốc," Hindustan dẫn lời một trong hai sĩ quan kể trên.

Vụ đụng độ kéo dài 7 tiếng trên thung lũng Galwan đánh dấu thương vong đầu tiên của Ấn Độ trong giao tranh với Trung Quốc ở biên giới kể từ năm 1975.

"Hai cuộc xô xát bạo lực đã diễn ra ở Pangong Tso (ngày 5-6/5) và ở thung lũng Galwan (giữa tháng 5), trước khi xảy ra xung đột ngày 15/6 ở đông Ladakh. Trong tất cả các vụ việc, họ (Trung Quốc) đều kéo đến quân số lớn và tấn công binh sĩ của chúng ta bằng gậy sắt và gậy đóng đinh. Các quân nhân của chúng ta đã chống trả quyết liệt, nhưng ROE cần phải thay đổi," sĩ quan thứ hai nói với Hindustan.

Trung tướng BS Jaswal, cựu chỉ huy Lục quân miền Bắc Ấn Độ, đánh giá về sự điều chỉnh ROE: "Khi binh sĩ được phép mang vũ khí khi tuần tra ở LAC, rõ ràng họ có thể sử dụng hỏa lực trong những tình huống chưa từng thấy như vụ tấn công ở Galwan."

New Delhi hôm 18/6 cho hay lính Ấn Độ tham gia vụ giao tranh ngày 15 vẫn được trang bị súng và đạn dược, song đã không khai hỏa do tuân thủ những thỏa thuận đạt được giữa Trung-Ấn.

Các thỏa thuận biên giới song phương từ năm 1996 đến 2005 đã cấm binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ dùng hỏa lực trong các cuộc đối đầu. Điều 6 của thỏa thuận về giải pháp xây dựng lòng tin tại vùng quân sự dọc LAC, ký tháng 11/1996, nói rằng Trung-Ấn sẽ không nổ súng hay "tiến hành các hoạt động nổ mìn hoặc đi săn bằng súng và chất nổ trong phạm vi 2 km từ LAC".

Trong khi đó, các nhà quan sát và cựu quân nhân Trung Quốc chỉ trích rằng vụ giao tranh tại Galwan hôm 15/6 và tại Pangong Tso hồi tháng trước không phải là những cuộc đối đầu thông thường giữa hai bên, mà là các đợt tấn công bạo lực cực đoan từ phía quân đội Ấn.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar ngày 17/6 có cuộc điện đàm, nhất trí giải quyết căng thẳng quân sự ở biên giới bằng đối thoại. Bộ ngoại giao Trung Quốc nói hai bên cam kết cố gắng duy trì hòa bình ở khu vực tranh chấp.

Dù vậy, ông Vương đổ lỗi cho Ấn Độ về vụ đụng độ đẫm máu ngày 15/6.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava ngày 20/6 bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với thung lũng Galwan.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại