“Mẹ… Con không thấy thích con gái bằng con trai!”

Lê Liên |

Vào một tối mùa thu, cậu con trai lớn của chị Vũ Minh Hoạ (học lớp 11), tâm sự rằng: “Mẹ… Con không có thấy thích con gái bằng con trai!”.

Vốn là mẹ đơn thân, chị Vũ Minh Hoạ, tác giả cuốn sách tâm lý, kỹ năng “Cong ăn cong Thẳng ăn thẳng” sống cùng 2 cậu con trai. Khi các con ở tuổi dậy thì, chị phải đối mặt với những biến đổi tâm sinh lý của các con. Đứa lớn chưa qua tuổi vị thành niên thì đứa nhỏ đã bước vào. Cùng một lúc, bà mẹ này phải đối diện với sự thay đổi tính cách của cả hai. Chị như bị cuốn vào cơn lốc xoáy vừa rối bời, vừa chơi vơi.

“Đó cũng là khủng hoảng của một người mẹ, vốn coi con là niềm vui, là lẽ sống sau khi hôn nhân tan vỡ. Những tưởng cuộc sống cứ thế trôi đi vì khi hai con còn học ở trung học cơ sở rất chăm chỉ, thực hiện tốt nội quy của nhà trường và rất hiểu chuyện.

Gió, bão, sấm sét bắt đầu nổi lên khi bước vào năm thứ 2 ngôi trường trung học phổ thông. Các con tôi trở thành một phiên bản khác, một phiên bản khiến tôi luôn trong trạng thái căng như dây đàn”, chị Hoạ chia sẻ.

Đó là buổi tối đầu mùa thu, khi cậu con trai cả học lớp 11 gọi điện tâm sự nói cho mẹ biết chuyện thầm kín từ con. Cậu thẳng thắn thừa nhận rằng: "Mẹ…Con không thích con gái bằng con trai, kiểu cảm xúc của người khác giới dành cho nhau ý mẹ, mẹ có yêu con không?”. Khi nghe xong chị không bất ngờ. Bởi bằng linh cảm và sự quan sát của người mẹ chị không bất ngờ, nhưng cảm xúc của chị vẫn trùng xuống. Vì khi đó chị chưa sẵn sàng đón nhận và không mong muốn điều đó.

“Tôi vẫn mong con gặp một bạn gái nào đó đủ hấp dẫn, đủ sức hút mạnh mẽ, có thể làm thay đổi cảm xúc trong con. Bởi tôi đọc thấy không ít ngôi sao nổi tiếng thế giới, đã từng yêu người cùng giới, nhưng khi gặp đúng người họ vẫn yêu người khác giới và rất hạnh phúc”, chị kể.

“Mẹ… Con không thấy thích con gái bằng con trai!” - Ảnh 1.

Cậu con trai cả (áo vàng) công khai với mẹ bản thân ở cộng đồng LGBT

Chị bắt đầu tìm kiếm thông tin về cộng đồng LGBT, để nhận diện sự khác biệt của giới tính này, về những thay đổi từ tính cách, tâm sinh lý, cho đến trang phục. Chị tìm hiểu thông tin để học cách thích nghi và hiểu hơn những khó khăn con phải trải qua, học cách thấu hiểu để cùng con vượt chướng ngại vật.

Còn với cậu con trai thứ 2, lại khiến chị đau đầu vì một phiên bản mới, một phiên bản đậm chất ổi xanh chát xít và ngang như cua càng, khiến một người mẹ như chị luôn trong trạng thái căng thẳng, cảm xúc tồi tệ xuất hiện thường xuyên.

Phiên bản mới với vô số lỗi và sự bất cập rất khó chấp nhận khiến chị bị quay tít, rối tinh. Nhưng chính phiên bản chứa đầy sự bập cập này, không ngờ lại giúp tác giả nhìn lại chính mình, thay đổi suy nghĩ và góc nhìn.

Là một người mẹ, chị đã học cách làm bạn với con. Là một người mẹ thiếu tính kiên nhẫn, chị đã học được sự kiên nhẫn. Từ một người mẹ đơn thuần chị trở thành chiến sĩ trinh sát bất đắc dĩ. Tác giả cũng nhận ra bản thân còn nhiều thiếu sót và thiếu kỹ năng trong việc nuôi dạy con ở tuổi vị thành niên.

Chị cũng bắt đầu chia sẻ câu chuyện của gia đình mình với bạn bè, để nhận được những lời khuyên. Và chị tìm hiểu thêm thông tin từ sách, báo và nhận ra rằng: Là ai cũng được, sinh ra được khoẻ mạnh, sống hướng thiện đã là một đặc ân, khi chúng ta biết đủ, biết thích nghi và biết yêu thương, chúng ta sẽ hạnh phúc.

“Cong ăn cong, thẳng ăn thẳng" - Tác giả đã gửi thông điệp, không phải ai sinh ra trong hình dạng nam, nữ cũng đều có tính cách và tâm lý tương ứng với vẻ bề ngoài.

Trên trái đất có rất nhiều hiện tượng, sự vật xảy ra không theo quy luật, khiến chúng ta bất ngờ, con người cũng vậy. Số phận đôi khi lái con người ta theo những thứ mà người ta không ngờ tới và không lập trình được.

Không có cha mẹ hoàn hảo, cũng không có trẻ vẹn toàn trên con đường trưởng thành của bản thân. Vì vậy rất cần sự thấu hiểu của các bậc làm cha mẹ, sự nhìn nhận vấn đề về giới tính một cách khoa học của xã hội văn minh.

Từ những nỗ lực và thấu hiểu các con, giờ chị cũng đã gặt hái được những trái ngọt.

Hiện con trai đầu của chị đang làm gương mặt thương hiệu cho một số nhãn hàng, diễn viên tự do. Con cũng không ngại chia sẻ giới tính của mình.

Còn cậu thứ 2 hiện đang là sinh viên năm 2 khoa Truyền thông Đa phương tiện, và là biên kịch cho công ty giải trí, video ngắn trên Youtube.

Muốn con sống hạnh phúc hãy nhìn vào nhu cầu của con

TS. Trần Thị Thu Hiền - Phó Trưởng Khoa Giới và phát triển - Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, hiện nay khái niệm về LGBT nói riêng, về giới nói chung khá phức tạp và đang được mở rộng định nghĩa (LGBT cộng). Việc chấp nhận sự khác biệt của con mình, như cách con nghĩ hiện nay vẫn chưa nhiều.

“Mẹ… Con không thấy thích con gái bằng con trai!” - Ảnh 2.

TS. Trần Thị Thu Hiền

TS Hiền phân tích thêm, con người chúng ta khi sinh ra có 2 giai đoạn phát triển. Giai đoạn đầu, phần giới tính bắt đầu hình thành từ tuần thứ 3 thai kỳ, khi đó cấu tạo sinh học trai hay gái sẽ được biết, giới tính là bẩm sinh không thể thay đổi được.

Giai đoạn 2 thông thường từ 10 tuổi, khi các con đang trong độ tuổi dậy thì, sự phát dục nam hay nữ cũng sẽ bắt nguồn từ độ tuổi này. Sự chảy trôi của hormone hay nội tiết tố thay đổi trong cơ thể để thành nam hay nữ cũng bắt đầu từ độ tuổi này.

Thực tế, nhiều phụ huynh hiện nay đưa con đi gặp bác sĩ, kéo con về giới tính ban đầu. “Họ cho rằng con mình đang học đòi theo xu thế, họ hy vọng con mình thay đổi. Như vậy họ đang khiến con không dám công khai, bộc bạch về giới tính của mình với gia đình", bà Hiền cho hay.

Theo bà Hiền, việc chưa chấp nhận con trong cộng động LGBT là phụ huynh chưa hiểu con mình. Bởi cha mẹ chỉ sinh ra con mà thôi. Nên muốn con sống hạnh phúc hãy nhìn vào nhu cầu của con mình. Việc hiểu con là cả một hành trình, phụ huynh hãy sống, đồng hành cùng ước vọng của con để nhìn con và bản thân hạnh phúc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại