Máy bay do thám U-2 bị Liên Xô bắn tan xác: “Bà đầm Rồng” gục ngã, nước Mỹ choáng váng!

Anh Tú |

Máy bay do thám U-2 là sản phẩm của CIA và được coi như một đột phá về sáng tạo khoa học khi nó được tích hợp những công nghệ tinh vi nhất đầu những năm 1950.

Niềm tự hào của nước Mỹ sụp đổ

Máy bay do thám U-2, vẫn được gọi bằng một cái tên rất trìu mến là “Bà đầm Rồng” (Dragon Lady), là một trong những chiếc máy bay đã có thâm niên phục vụ trong quân đội Mỹ hơn 50 năm, cùng với P-3 Orion, B-52 Stratofortress, C-130 Hercules và KC-135 Stratotanker.

Năm loại máy bay trên đều có chung hai đặc điểm: (1) không chiếc nào là máy bay tiêm kích và (2) không chiếc nào có tốc độ siêu thanh.

Máy bay do thám U-2 là sản phẩm của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và được coi là một đột phá về sáng tạo khoa học khi nó được tích hợp những công nghệ tinh vi nhất đầu những năm 1950.

U-2 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 1 tháng 8 năm 1955 và chính thức đi vào hoạt động năm 1956, đầu tiên là với CIA rồi không lâu sau đó là Không quân Mỹ.

Đây cũng là một sản phẩm sáng tạo thành công khác của Chương trình Skunk Works huyền thoại của Lockheed gắn liền với vị tổng giám đốc tên tuổi Kelly Johnson, nhằm chế tạo một máy bay trinh sát tầm cao hạng nhẹ có khả năng bay trên tầm bắn của hỏa lực phòng không Liên Xô.

Sau một quá trình nghiên cứu, Kelly Johnson và nhóm của ông đã thiết kế ra một máy bay phản lực một động cơ với tốc độ cận âm cùng khả năng thu thập thông tin tình báo cả ban ngày và đêm trong mọi thời tiết và trần bay trên 70.000 feet ( 21.336 m).

Máy bay do thám U-2 bị Liên Xô bắn tan xác: “Bà đầm Rồng” gục ngã, nước Mỹ choáng váng! - Ảnh 1.

Máy bay do thám U-2 vẫn được gọi bằng một cái tên rất trìu mến là “Bà đầm Rồng"

Trong vài năm đầu tiên, độ cao này thực sự đủ để tránh các máy bay đánh chặn, hỏa lực phòng không của Liên Xô. U-2 đã đánh bại không phận Liên Xô mà dường như không hề bị trừng phạt.

Trong suốt 4 năm, CIA đã thực hiện các chuyến bay do thám Liên Xô bằng U-2A và biến thể cải tiến U-2B một cách an toàn. Tuy nhiên, khi tên lửa S-75 Dvina (hay SA-2, theo gọi theo cách gọi của NATO) xuất hiện thì U-2 không còn là máy bay bất khả chiến bại.

Ngày 1 tháng 5 năm 1960, một trong những tên lửa S-75 Dvina do Liên Xô chế tạo đã bắn hạ U-2 của CIA do phi công Francis Gary Powers điều khiển. Sự kiện đã gây ra “sự sỉ nhục lớn” đối với Chính quyền Tổng thống Eisenhower nói riêng và nước Mỹ nói chung.

Chiếc U-2 đã bị một trong 3 quả tên lửa SAM-2 bắn trúng và nổ tung ở độ cao 70.500 feet còn Powers trong lúc hoảng hốt chỉ kịp nhấn nút thoát hiểm. Khi vừa chạm đất, Powers đã bị lực lượng an ninh Liên Xô tóm gọn.

Sau khi Powers bị bắt, phía Mỹ ngay lập tức khẳng định chiếc U-2 bị nạn khi làm nhiệm vụ đo đạc thời tiết, nhưng viên phi công bị bắt sống và toàn bộ dữ liệu từ xác chiếc máy bay được giải mã đã vạch trần âm mưu do thám của cơ quan tình báo Mỹ.

Francis Gary Powers bị kết tội gián điệp và bị xử 10 năm tù, giam ở nhà lao Rubianca của KGB. Một năm sau đó, Powers được hồi hương sau một cuộc trao đổi tù binh.

Chưa hết, sau đó Thiếu tá Rudolf Anderson lái U-2 của Không quân Mỹ tiếp tục bị bắn hạ và thiệt mạng khi bay qua Cuba trong cuộc khủng hoảng tên lửa tháng 10 năm 1962.

Máy bay do thám U-2 bị Liên Xô bắn tan xác: “Bà đầm Rồng” gục ngã, nước Mỹ choáng váng! - Ảnh 2.

Francis Gary Powers chụp ảnh bên chiếc máy bay do thám U-2 ngày 1/6/1959. Ảnh: AP

Tại sao U-2 được gọi là “Bà đầm Rồng”?

Bỏ qua những thất bại nêu trên sang một bên thì máy bay do thám U-2 vẫn rất nổi tiếng, thậm chí còn vượt trội hơn cả SR-71 Blackbird.

Theo lời của Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ George Tenet năm 1998: “Quả thực, U-2 là một trong những thành tựu tình báo lớn nhất của CIA. Trên thực tế, nó có thể là một trong những thành tựu lớn nhất của bất kỳ cơ quan tình báo của bất kỳ quốc gia nào”.

Ngày nay, U-2 vẫn được Mỹ sử dụng làm thiết bị nghe lén trên không. Các máy bay U-2 tham gia tìm kiếm các cơ sở chế tạo vũ khí ở Iraq và Afghanistan, khiến chúng vẫn phát huy hiệu quả như cách đây gần 60 năm.

Chia sẻ về việc tại sao U-2 lại được gọi bằng cái tên thân mật là “Bà đầm Rồng”, cựu phi công Không quân Mỹ Thomas Anderson cho biết như sau:

“Lý do tại sao chúng tôi gọi U-2 là “Bà đầm Rồng” là vì khi cất cánh, có thời điểm bạn sẽ phải chiến đấu với Rồng thực sự, nhưng cũng có những lần xuất kích, bạn chỉ như đang khiêu vũ với một “Quý bà” thôi. Bạn thực sự không thể biết mình phải đối phó với những gì”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại