Maria Sharapova - tác giả duy nhất cho bi kịch của chính mình

Kim Thiền |

Án phạt cấm thi đấu 2 năm mà ITF đưa ra sẽ lấy của Maria Sharapova nhiều thứ, từ danh hiệu, tiền bạc đến uy tín, sự nghiệp và cả niềm tin từ người hâm mộ. Liệu "Masha" có bị oan?

Người thông minh nhất?

Trong trailer của bộ phim "Now You See Me 2" đang được công chiếu tại Việt Nam, nhân vật J. Daniel Atlas có một câu nói kinh điển "Luật đầu tiên của ảo thuật: Luôn là người thông minh nhất trong phòng".

Tin hay không thì tùy, nhưng rất nhiều năm qua, Maria Sharapova là một nhà ảo thuật đại tài, vì cô cùng ekip của mình đã luôn là những người thông minh hơn phần còn lại của thế giới, bao gồm các cơ quan phòng chống doping, các đối thủ, cũng như những người hâm mộ.

Ngay sau khi công bố bản án cấm thi đấu 2 năm với tay vợt người Nga, ITF đã tiếp tục công bố tài liệu dài 33 trang, là văn bản chi tiết về trường hợp doping của Maria Sharapova. Nó viết gì?

Theo báo cáo này, từ khi 18 tuổi vào năm 2005, Maria Sharapova đã bắt đầu sử dụng Meldonium. Nhưng đáng chú ý, đây không phải là loại thuốc duy nhất mà cô từng sử dụng.

Maria Sharapova - tác giả duy nhất cho bi kịch của chính mình? - Ảnh 1.

Theo tư vấn đến từ bác sỹ riêng của gia đình, tiến sỹ Antoly Sklany làm việc ở Moskow, Sharapova sử dụng cùng lúc đến... 18 loại thuốc bổ sung để "tăng cường hệ thống miễn dịch".

Đến năm 2010, số lượng thành phần của "liều cocktail thần thánh" mà cô sử dụng định kỳ tăng lên đến con số 30.

Theo những bằng chứng do chính Maria Sharapova cung cấp tại phiên điều trần ngày 18/5 vừa qua, việc sử dụng những thứ thuốc này, ngoài cô, Antoly Sklany và cha cô, không ai được biết, kể cả huấn luyện viên, đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng, thể lực, y tế, tập luyện...

Bên cạnh đó, trong những văn bản cam kết về việc kiểm soát doping được tay vợt nữ này ký năm 2014 và 2015, cô đều không khai báo về việc sử dụng Meldonium, cũng như các loại thuốc nằm ngoài sự chỉ định của bác sỹ khác.

Ai chiến thắng không hề chiến bại

Trong phần 2 của bộ phim "Now You See Me", nhóm Tứ kỵ sỹ - những nhân vật chính của phim trong cơn hoảng loạn khi bị "lật tẩy" ở đầu phim, đã có một hành động cực kỳ ngu ngốc.

Khác với hành xử "bỏ rơi" Maria Sharapova ngay sau khi tay vợt này thú nhận không vượt qua được đợt kiểm tra doping hồi đầu tháng 3 vừa qua, lần này nhà tài trợ Nike cùng Head đã ngay lập tức lên tiếng xác nhận sẽ tiếp tục đồng hành cùng cô, dù án phạt cấm thi đấu của ITF kéo dài đến tận 2 năm.

Họ lao thẳng xuống một đường ống "đểu", trong khi đường ống do họ tự tay thiết lập chỉ cách đấy có 6,1 mét và nằm ngay trước mặt, để rồi trải qua chuyến đi nửa vòng trái đất, từ New York đến Macao, mà vẫn nghĩ là chỉ rơi xuống khỏi đường ống trong có tích tắc.

Đấy là lần đầu tiên họ thất bại, nhưng là thất bại nặng nề nhất và suýt nữa phải đánh đổi bằng sự nghiệp, thậm chí cả tính mạng của mình. Sharapova cũng thế.

Dường như quá hoảng loạn vì thông tin 31 vận động viên của 12 quốc gia bị cáo buộc sử dụng doping từ Olympic Bắc Kinh 8 năm về trước khiến tay vợt từng đoạt 5 danh hiệu Grand Slam này cùng ekip mất đi sự tỉnh táo tối thiểu.

Để biện hộ cho việc không biết Meldonium được đưa vào danh mục cấm, người đại diện của cô - Max Eisenbud đã nhận hoàn toàn trách nhiệm, cùng lý do ông đưa ra là do ông... chia tay với vợ.

Ở trang 18 trong tài liệu của ITF, theo phó chủ tịch của công ty IMG này, ông luôn kiểm tra danh mục các chất cấm được bổ sung hàng năm vào kỳ nghỉ cuối năm của gia đình ở vùng biển Caribbean. Năm 2015, vì ông ly dị vợ nên kỳ nghỉ bị hủy bỏ, và vì thế ông không kiểm tra danh mục.

Maria Sharapova - tác giả duy nhất cho bi kịch của chính mình? - Ảnh 3.

"Con chốt thí" Max Eisenbud (giữa) đã không giúp Sharapova lấy được lòng tin từ ITF.

Nếu không quá hoảng loạn, chắc hẳn cả Maria Sharapova và ekip của cô đều sẽ nhận ra rằng lời bao biện này thật quá đỗi nực cười. Tất nhiên Tòa án bác bỏ bằng chứng này của Max Eisenbud.

Quan trọng hơn, theo Tòa án, một vận động viên hàng đầu thế giới, được quản lý bởi một trong những công ty uy tín nhất trong việc quản lý thể thao như IMG sẽ không bao giờ được phép gặp những sai lầm ngớ ngẩn như thế.

Bên cạnh đó, Maria Sharapova nhận được sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ đội ngũ thể thao và tư vấn y tế, và việc không cập nhật được danh mục chất cấm là điều cực kỳ khó hiểu và là mấu chốt quan trọng nhất để đưa ra phán xét.

Bên cạnh đó, Tòa án cũng lập luận rằng nếu tay vợt này không giấu việc sử dụng Meldonium với các cơ quan chống doping, cũng như nhóm hỗ trợ của mình và các bác sỹ, thì cô hoàn toàn tránh được việc vi phạm.

Án phạt 2 năm nặng hay nhẹ?

Trong văn bản của mình, ITF cũng nói rõ rằng tổ chức này hoàn toàn có thể áp dụng chế tài nặng nhất trong khung cho trường hợp Maria Sharapova, tuy nhiên án phạt cuối cùng đưa ra chỉ là 2 năm, bởi bản thân Tòa án cũng chưa hiểu rõ được động cơ sử dụng Meldonium của tay vợt này.

Với tất cả những bằng chứng có được trong tay, rõ ràng án phạt của ITF có phần nương tay. Với việc Maria Sharapova có quyền đưa vụ án lên CAS và rất nhiều khả năng sẽ được giảm án, ITF đã chừa cho tay vợt này đường trở lại.

Trên tờ Guardian, nhà báo Owen Gibson đã trích một câu nói nổi tiếng của nhà viết kịch vĩ đại người Anh - William Shakespeare "Cô ấy là tác giả duy nhất của sự bất hạnh của riêng mình".

Maria Sharapova - tác giả duy nhất cho bi kịch của chính mình? - Ảnh 4.

Đằng sau vẻ đẹp thánh thiện này là một bi kịch...

Ông cũng bình luận, toàn bộ những lời biện hộ của Maria Sharapova trong phiên điều trần giống như một bộ phim hài bị lỗi, và kết cục mà tay vợt này phải nhận đã là quá may mắn.

Cũng trong "Now You See Me 2", cũng J. Daniel Atlas phát biểu một câu kinh điển khác "Bạn càng nghĩ rằng mình đến gần bao nhiêu, những thứ thực sự bạn thấy sẽ ít đi bấy nhiêu".

Cuộc chơi đã không còn nằm trong tay Maria Sharapova, và chừng nào cô chưa nhận ra rằng những thứ mình nghĩ, mình thấy chỉ là ảo ảnh, thì ngày đó con đường trở lại của tay vợt từng đứng trên đỉnh cao thế giới này vẫn sẽ mịt mù.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại